Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hệ truyền động điện lai nhẹ đem lại ích lợi gì cho ô tô?

Hoàng Linh| 25/10/2018 17:52

(HNMO) - Với chiếc Q8, Audi mong muốn thể hiện một bước tiến mới trong cuộc chơi SUV cỡ lớn hạng sang của mình. Tuy nhiên, điều đặc biệt hơn cả lại ẩn bên trong lớp vỏ hào nhoáng của chiếc xe này.


Mô hình hệ thống lai nhẹ trong xe ô tô.


Mang tên gọi lai nhẹ 48V (Mild Hybrid 48V), công nghệ này thực tế đang từng ngày thay đổi ngành công nghiệp ô tô toàn cầu. Tuy nhiên, sự hiện diện của Q8 đánh dấu lần đầu tiên một mẫu xe sản xuất hàng loạt có hệ thống này được trưng bày tại Việt Nam.

Khác với các mô hình hệ thống lai thông thường, với hệ thống lai nhẹ có cụm đề điện 48V và dây đai (BAS), được đặt vào giữa kết nối động cơ - hộp số, trong khi đó, pin sạc lithium được bố trí bên dưới khoang hành lý phía sau, với dung lượng khoảng 10Ah, Q8 có thể lướt ở khoảng 55 km/giờ tới 160km/giờ chỉ với cơ cấu điện, sau đó động cơ đốt trong sẽ khởi động.

Kết cấu này chủ yếu mang tính hỗ trợ vận hành, do đó ít phức tạp hơn, chi phí chế tạo thấp hơn so với hệ thống hybrid thông thường. Tuy nhiên, hiệu quả điện hóa (tiết kiệm nhiên liệu, giảm khí thải, êm ái...) cũng sẽ không thể sánh bằng. Bù lại công nghệ lai nhẹ sẽ dễ tiếp cận hơn với đại đa số người dùng, do chi phí ban đầu cũng như sửa chữa về lâu dài đều "dễ chịu". Cũng nhờ điều này, ngày càng có nhiều hãng xe mạnh dạn triển khai công nghệ điện lai nhẹ trên các sản phẩm phổ biến của mình, trong đó có Audi với hai dòng A8 và Q8.


Audi Q8 được trưng bày tại Triển lãm Ô tô Việt Nam năm 2018.


Hệ thống lai nhẹ cho phép xe di chuyển ngay cả khi động cơ tắt, nhằm tiết kiệm nhiên liệu. Một trong những lợi thế khác của hệ thống lai - nhẹ cũng nằm ở việc nó cho phép sạc lại điện vào pin khi người lái hãm tốc độ xe (công suất khoảng 12kW). Trong khi đó, mô tơ điện cũng giúp bổ sung khoảng 16 mã lực vào tổng công suất vận hành.

Về phương diện "xanh", tùy thuộc vào từng dòng xe mà tỉ lệ cải thiện có thể sẽ khác nhau. Audi ước tính hệ thống lai nhẹ trên Audi Q8 có thể giúp giảm tiêu thụ nhiên liệu khoảng 0,7 lít/100km. Đây là số liệu tương ứng với động cơ dầu TDI 3.0L (282 mã lực, mô men xoắn cực đại 600Nm), cho phép xe tăng tốc 0-100km/giờ trong vòng 6,3 giây, trước khi tăng tốc đạt 234 km/giờ.

Ngoài Audi, công nghệ lai nhẹ hiện cũng được Mercedes-Benz bắt đầu ứng dụng (với tên gọi EQ Boost) trên S-Class, và dần mở rộng sang CLS-Class. Trong khi đó, BMW, Jaguar, Land Rover, Volvo, KIA... cũng đều bày tỏ sự quan tâm lớn tới "món mới" này, và hứa hẹn với sản phẩm cụ thể trong tương lai gần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hệ truyền động điện lai nhẹ đem lại ích lợi gì cho ô tô?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.