Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiệu quả nhờ máy làm đá tuyết từ nước biển

Khánh Vũ| 08/01/2019 07:26

(HNM) - Vừa qua, các nhà khoa học Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam đã nghiên cứu và chế tạo thành công máy làm đá tuyết từ nước biển lắp đặt ngay trên tàu để phục vụ bảo quản hải sản đánh bắt xa bờ.

Máy làm đá tuyết được lắp đặt trên tàu đánh cá.


Hiệu quả và tiết kiệm chi phí

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thao, Tổng Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghệ cao, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam cho biết: Đề tài nghiên cứu và chế tạo thành công máy làm đá tuyết từ nước biển phục vụ bảo quản hải sản đánh bắt xa bờ xuất phát từ thực tế quá trình khai thác hải sản, đặc biệt là việc bảo quản còn nhiều hạn chế. Ngư dân thường sử dụng đá nước ngọt để bảo quản, ủ cá trong khoang lạnh. Đá được làm từ đất liền mang lên tàu, có thể được xay nhỏ hoặc để nguyên cây trong khoang lạnh. Nhiệt độ làm lạnh bằng đá nước ngọt theo phương pháp truyền thống thường cao và không thể điều chỉnh, không đồng đều trong một khoang lạnh, tốc độ làm lạnh chậm, ảnh hưởng đến chất lượng hải sản.

Tinh thể đá sau khi xay có cạnh rất sắc và có thể làm trầy xước hải sản khi ủ. Mặt khác, ngư dân phải mang theo khối lượng lớn đá nước ngọt theo tàu, nhiều khi tới hàng trăm tấn, cũng làm tăng chi phí xăng dầu và nhân công trong mỗi chuyến đi biển. Với thành công của đề tài, việc sử dụng đá tuyết để bảo quản sẽ giảm thiểu lượng hải sản bị hư hỏng, đồng thời góp phần làm giảm chi phí nhiên liệu, giảm thải khí thải gây ô nhiễm môi trường.

Thạc sĩ Lê Văn Luân, Trung tâm Phát triển công nghệ cao, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, là người đứng đầu nhóm khoa học thực hiện đề tài. Thạc sĩ Lê Văn Luân chia sẻ: "Nước nguyên liệu để làm đá tuyết là nước muối 3% hoặc nước biển được bơm vào bể tuần hoàn từ đầu vào, sau đó được bơm và phủ đều trên bề mặt của buồng tạo đá tuyết. Lưu lượng nước bơm phụ thuộc vào độ đậm đặc hoặc nhiệt độ của sản phẩm đá tuyết yêu cầu.

Khi đó nước nguyên liệu sẽ được làm lạnh nhanh bởi hệ thống trao đổi nhiệt qua thành trong của buồng tạo đá xuống tới từ -3 đến -60 độ C. Trên thành trong của buồng tạo đá, các tinh thể băng liên tục được hình thành và được tách ra khỏi bề mặt của buồng tạo đá nhờ dao gạt. Toàn bộ hoạt động của máy được điều khiển qua các chương trình của hệ thống điều khiển trung tâm, có thể điều chỉnh năng suất của máy, độ đậm đặc của đá tuyết, các hoạt động cung cấp nguyên liệu và phân phối đá tuyết".

Theo Thạc sĩ Lê Văn Luân, đây là sản phẩm đầu tiên được sản xuất trong nước từ nghiên cứu, chế tạo với các tính năng phù hợp với điều kiện thực tế của tàu cá Việt Nam, bảo đảm độ bền và có giá thành thấp hơn sản phẩm nhập ngoại hàng trăm triệu đồng. Điểm mới của thiết bị này là được tích hợp bộ điều khiển trung tâm với các chức năng bảo vệ và giám sát hoạt động của hệ thống nhằm tăng tính ổn định và kéo dài tuổi thọ của thiết bị. Ngoài ra, người sử dụng có thể dễ dàng lựa chọn và điều chỉnh độ đậm đặc của sản phẩm đá tuyết từ 25% tới 95% hoặc theo nhiệt độ nhất định. Việc sử dụng máy làm đá tuyết từ nước biển sẽ giúp tiết kiệm không gian sử dụng trên tàu do không cần có khoang chứa đá; giảm thiểu công nhân xử lý trong quá trình ướp đá. Với việc sử dụng máy làm đá tuyết từ nước biển giúp khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước biển có sẵn, không làm ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt đang dần cạn kiệt trong đất liền.

Nghiên cứu để có công suất lớn hơn

Về khả năng ứng dụng và hiệu quả kinh tế của công nghệ, Tiến sĩ Bùi Việt Đức, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, khi tàu đánh bắt cá được trang bị máy tạo đá từ nước biển sẽ giúp kéo dài thời gian bảo quản hải sản trong quá trình đánh bắt. Điều này cho phép các tàu cá có thể thực hiện những chuyến đi biển dài hơn, khả năng vươn tới các vùng biển, ngư trường xa hơn.

Đến nay, thiết bị đã được thử nghiệm tại cảng biển và một số tàu cá tại Hải Phòng với mức độ chạy ổn định và đáp ứng được các yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên, Thạc sĩ Lê Văn Luân cũng cho biết, hiện máy làm đá tuyết từ nước biển mới có năng suất 1,25 tấn/24 giờ, trong khi thực tế mỗi chuyến đi biển cần một lượng đá bảo quản lên tới 50-60 tấn, nên cần phải có những máy có năng suất lớn hơn, khoảng 5 tấn/24 giờ. Vì vậy, trong thời gian tới các nhà khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện sản phẩm năng suất lớn hơn, đồng thời tiến hành nghiên cứu và chế tạo máy làm đá lỏng kết hợp đá vẩy trên cùng một hệ thống để đáp ứng nhu cầu của ngư dân. Theo Thạc sĩ Luân, khó khăn nhất về mặt khoa học là giải quyết vấn đề ăn mòn. Nhóm nghiên cứu phải tìm kiếm những công nghệ có thể xử lý được việc ăn mòn thiết bị trong điều kiện làm việc liên tục dài ngày trên biển nhưng lại không đội giá thành sản phẩm lên cao.

Ông Nguyễn Công Diễn, Tổng Đội trưởng Tổng đội Thanh niên xung phong Hải Phòng cho rằng: Hiện tại đa số tàu thuyền dùng phương pháp ướp đá lạnh và phải đưa từ đảo Cát Hải và Bạch Long Vĩ với khoảng cách trên 100km nên chi phí sản xuất, vận chuyển, hao hụt là rất lớn, chưa kể đến tài nguyên nước ngọt trên các đảo lại hạn chế. Trong khi nguồn lợi thủy sản ngày càng ít đi và khan hiếm đã dẫn đến chi phí đánh bắt của ngư dân cũng ngày càng tăng lên, gây khó khăn cho địa phương trong phát triển làm kinh tế biển. Để công nghệ được ứng dụng rộng rãi và phát huy hiệu quả thì rất cần thêm sự hỗ trợ của Nhà nước, nhất là với các huyện đảo thiếu nước ngọt và điện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả nhờ máy làm đá tuyết từ nước biển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.