Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tìm giải pháp chặn sim rác, tin nhắn rác

Việt Nga| 28/01/2019 08:05

(HNM) - Phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) diễn ra ngày 15-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu toàn ngành phải xử lý triệt để vấn đề sim rác; trong đó yêu cầu người đứng đầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động phải chịu trách nhiệm cá nhân về sim rác... Đây cũng là vấn đề mà dư luận đang mong mỏi.

Ngành Viễn thông tích cực tìm nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn sim rác, tin nhắn rác. Ảnh: Thái Hiền


Từ cuối năm 2016 đến nay, để ngăn chặn nạn tin nhắn rác, ngành TT-TT đã có nhiều biện pháp để thu hồi sim kích hoạt sẵn (đã thu hồi trên 20 triệu sim). Tuy nhiên, tin nhắn rác vẫn là vấn đề nhức nhối trong xã hội. Nguyên nhân của tình trạng trên, trước tiên là do tồn tại vấn đề lấy số lượng thuê bao làm thước đo thành tích và kết quả kinh doanh, khiến nhà mạng tìm mọi cách để tăng số lượng thuê bao. Để đạt chỉ tiêu phát triển thuê bao mới, nhà mạng đã đưa ra các chính sách ưu đãi quá lớn cho việc phát hành sim mới, ước tính tới trên 70% giá trị một bộ hòa mạng (bộ KIT). Thứ hai, để phát triển thuê bao, nhà mạng đưa ra các gói cước giá siêu rẻ. Thứ ba, là các quy định quản lý nhà nước còn bất cập khi cho phép các tổ chức, doanh nghiệp được phép đứng tên “không giới hạn” số lượng sim. Thứ tư, đó là thói quen của người dân mua sim kích hoạt sẵn cho thuận tiện, vừa không phải mất thời gian làm thủ tục đăng ký, lại không phải xuất trình giấy tờ để đăng ký thông tin...

Một số liệu chứng minh cho sự bất cập này có thể thấy, năm qua có 37 triệu thuê bao đăng ký mới, nhưng lượng thuê bao phát triển mới chỉ là 13 triệu. Như vậy, vẫn có 24 triệu sim được dùng thay thẻ nạp tiền...

Nói về giải pháp ngăn chặn sim rác để hạn chế tin nhắn rác, ông Nguyễn Đức Trung - Cục trưởng Cục Viễn thông (thuộc Bộ TT-TT) cho rằng phải dùng biện pháp kinh tế. Theo đó, cơ quan quản lý và các doanh nghiệp cần áp dụng thống nhất mức trần đối với chi phí phát triển sim mới không quá 7.500 đồng/sim. Ngoài ra, các nhà mạng không được cung cấp các gói cước khuyến mãi có giá trị lớn với thuê bao mới. Quan điểm cần phải áp dụng biện pháp kinh tế để hạn chế sim rác cũng được các nhà mạng ủng hộ. Ông Phạm Ngọc Tú, Trưởng ban Nghiên cứu và Phát triển thị trường VinaPhone cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước nên có quy định giá một bộ KIT khoảng 100.000 đồng (đã gồm giá sim trắng) để tránh việc người dân dùng sim thay thẻ nạp; đồng thời phải có định nghĩa cụ thể như thế nào là gói cước giá rẻ và đưa ra quy định để nhà mạng không chạy đua khuyến mãi đưa ra các gói cước giá rẻ để người dân mua sim dùng thay thẻ nạp.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Trung, về vấn đề lấy số lượng thuê bao làm thước đo sự phát triển cũng đã được các thành viên của Liên minh Viễn thông thế giới - ITU thống nhất cao là bỏ quy định này, thay vào đó là chỉ số thực chất. Vì vậy, Cục Viễn thông sẽ đề xuất Bộ TT-TT và Chính phủ điều chỉnh chỉ tiêu này.

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ đã giao Tập đoàn VNPT nghiên cứu phát triển công nghệ nhận dạng ảnh chân dung và chứng minh nhân dân. Việc ứng dụng công nghệ này sẽ là một giải pháp căn cơ để xác nhận việc đăng ký thông tin thuê bao chính xác, từ đó ngăn chặn nạn sim rác. Về việc triển khai công nghệ này, ông Ngô Diên Hy, Tổng Giám đốc Công ty VNPT-IT (thành viên của VNPT) cho biết, công nghệ nhận dạng ảnh chân dung và chứng minh nhân dân sẽ giúp tự động hóa toàn bộ quy trình đăng ký, cập nhật thông tin, tránh việc can thiệp, thay đổi thông tin của bên thứ ba. Ứng dụng này có thể kiểm soát một chứng minh nhân dân đang sử dụng để đăng ký bao nhiêu số điện thoại, nhằm ngăn chặn tình trạng sim rác, một người sở hữu quá nhiều sim số, cũng như hạn chế việc đại lý cố tình đăng ký thông tin thuê bao không đúng quy định...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm giải pháp chặn sim rác, tin nhắn rác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.