Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm chủ “mỏ dầu” nền kinh tế số

Việt Nga| 30/03/2019 08:01

(HNM) - Ở Việt Nam, để chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi số, nhất là để phù hợp với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng quy định về chia sẻ, kết nối dữ liệu số...

Khai thác tài nguyên số sẽ tạo ra lợi ích không nhỏ cho nền kinh tế.


“Mỏ dầu” của nền kinh tế

Trên thế giới hiện chia làm hai bộ phận dữ liệu: Dữ liệu khu vực tư nhân (doanh nghiệp, người dân) và dữ liệu của khu vực công (các cơ quan nhà nước). Trong đó, khu vực tư nhân đã đi tiên phong trong phát triển các công nghệ khai thác dữ liệu lớn.

Ở khu vực này, có thể nói, về bản chất, các nhà cung cấp nền tảng công nghệ toàn cầu như Facebook, Google, Uber đang kinh doanh và làm giàu dựa trên dữ liệu thu thập từ người dùng. Với khu vực công, việc mở dữ liệu được coi là xu hướng phát triển, trở thành một chỉ tiêu trong đánh giá mức độ phát triển chính phủ điện tử của Liên hợp quốc.

Các nước phát triển như Mỹ, Anh, Thụy Điển đã khai thác dữ liệu của khu vực công (giao thông, môi trường, đất đai, địa lý, dân cư, y tế, tài chính) thông qua cổng kết nối dữ liệu cho doanh nghiệp, người dân cùng tham gia khai thác tài nguyên số.

Một kết quả nghiên cứu của McKinsey - Tập đoàn toàn cầu chuyên nghiên cứu về tư vấn chiến lược kinh doanh cho thấy, mở dữ liệu có thể mang lại cho nền kinh tế thế giới khoảng 3.000 tỷ USD/năm. Trong đó, 7 lĩnh vực nổi bật là: Giáo dục, vận tải, tiêu dùng, điện, năng lượng, chăm sóc sức khỏe và tài chính.

Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Danh mục 6 cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai, tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử (Quyết định 714/2015/QĐ-TTg) là dân cư; đất đai; đăng ký doanh nghiệp; dân số; tài chính; bảo hiểm. Như vậy, bên cạnh chức năng số hóa để phục vụ quản lý hành chính của Nhà nước, đây sẽ là nguồn dữ liệu lớn phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Trước đó, trong năm 2018 thành phố Hà Nội đã kiến nghị Chính phủ cho phép thí điểm mở cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thu giá dịch vụ việc cung cấp chia sẻ dữ liệu với các doanh nghiệp ngân hàng, công chứng và một số lĩnh vực khác; ước tính sẽ đem lại nguồn thu khoảng 300 tỷ đồng/năm cho Hà Nội...

Thực tế cho thấy, nếu có cơ chế chính sách và khuôn khổ pháp lý phù hợp để khai thác nguồn tài nguyên số, sẽ tạo ra lợi ích không nhỏ cho nền kinh tế. Việc khai thác dữ liệu một mặt giúp nhà nước có nguồn thu để tiếp tục tái đầu tư cho số hóa dữ liệu quốc gia, mặt khác, doanh nghiệp cũng có cơ hội khởi nghiệp kinh doanh mới.

Cần hành lang pháp lý cho chia sẻ dữ liệu

Như vậy, mở dữ liệu cần một khung chính sách và pháp lý được nghiên cứu kỹ lưỡng, chặt chẽ. Đó cũng là lý do mà đầu tháng 3 vừa qua, Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) xây dựng Nghị định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số.

Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT-TT) cho biết, việc xây dựng các quy định cần bảo đảm nguyên tắc, dữ liệu là sở hữu chung của cơ quan nhà nước. Việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để phục vụ công tác quản lý nhà nước là mặc định, trừ những trường hợp có quy định khác. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước chia sẻ dữ liệu trừ trường hợp bị hạn chế theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước không thu thập, tổ chức thu thập lại thông tin, nếu thông tin đó có thể kết nối, khai thác và đáp ứng khả năng sử dụng từ cơ sở dữ liệu đã được xây dựng và chia sẻ...

Cũng theo ông Nguyễn Thành Phúc, về những lo ngại việc chia sẻ có thể khiến thông tin không kiểm soát được, khi xây dựng dự thảo Bộ TT-TT đã tiếp thu kinh nghiệm của Chính phủ Australia dựa trên 5 nguyên lý. Đó là dự án an toàn, người dùng an toàn, dữ liệu an toàn, cài đặt an toàn, sản phẩm an toàn. Đồng thời, cơ quan soạn thảo quy định cụ thể về trách nhiệm sử dụng thông tin sau khai thác như chỉ được sử dụng đúng mục đích, thời hạn sử dụng, giá trị sử dụng. Cơ quan chia sẻ có quyền kiểm tra việc sử dụng dữ liệu, ngắt kết nối nếu vi phạm.

Cùng với đó, thẩm quyền quyết định chia sẻ sẽ do các cấp độ thực hiện. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chia sẻ những vấn đề lớn, quan trọng; bộ trưởng quyết định chia sẻ giữa các cơ quan ngang bộ; còn lại việc chia sẻ dữ liệu theo thỏa thuận giữa các cơ quan nhà nước và theo quy trình yêu cầu, chấp nhận yêu cầu chia sẻ...

Thông tin về việc chia sẻ dữ liệu, đại diện Cục Công nghệ thông tin và dữ liệu tài nguyên môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường) cho biết, Bộ đang triển khai, vận hành 4 hệ thống thông tin để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Việc kết nối chia sẻ thông tin giữa các hệ thống trước đây còn ít và gần đây mới được quan tâm hơn. Vì thế, Bộ Tài nguyên - Môi trường bắt đầu triển khai dự án kết nối chia sẻ thông tin giữa các cơ sở dữ liệu trong Bộ (dự kiến năm 2020 hoàn thành). Tuy nhiên cần có quy định danh mục thông tin dữ liệu bắt buộc cung cấp, chia sẻ thuộc phạm vi các lĩnh vực mà bộ, ngành quản lý.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê (Bộ Tài chính) đề xuất, Nghị định cần tạo hành lang pháp lý để việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước là mặc định, không cần cơ chế xin - cho (trừ tài liệu mật), trong đó cần chú ý tới các quy định về dữ liệu mở, dữ liệu lớn...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm chủ “mỏ dầu” nền kinh tế số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.