Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công nghệ nhận dạng hình ảnh sẽ hạn chế sim rác?

Việt Nga| 14/04/2019 06:56

(HNM) - Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào nhận dạng hình ảnh được coi là giải pháp căn cơ để ngăn chặn nạn tin nhắn rác.

Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào nhận dạng hình ảnh được coi là giải pháp ngăn chặn nạn tin nhắn rác hữu hiệu.


Thông tin về việc ứng dụng AI vào nhận dạng hình ảnh phục vụ việc đăng ký thông tin thuê bao được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết tại phiên chất vấn Quốc hội, kỳ họp tháng 10-2018. Theo Bộ trưởng, Bộ đã giao Tập đoàn VNPT nghiên cứu phát triển công nghệ nhận dạng ảnh chân dung, chứng minh nhân dân và đây là một giải pháp căn cơ để xác nhận việc đăng ký thông tin thuê bao chính xác, từ đó ngăn chặn nạn sim rác. Người đứng đầu ngành TT-TT cũng cho biết, dự kiến quý II-2019 bắt đầu áp dụng. Như vậy có thể hiểu rằng, giải pháp này sẽ được các nhà mạng cùng triển khai để ngăn chặn nạn sim rác, tin nhắn rác.

Cách đây một năm, trước thời điểm ngày 24-4-2018 Nghị định số 49/2017/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến quản lý thông tin thuê bao có hiệu lực, khách hàng xếp hàng dài chờ đến lượt chụp ảnh bổ sung thông tin, hình ảnh cá nhân tại các cửa hàng giao dịch của nhà mạng. Các thuê bao có thông tin chưa chính xác phải ra cửa hàng bổ sung lại thông tin có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có một yếu tố việc đăng ký vẫn được thực hiện bằng các thao tác thủ công nên có thể nhầm lẫn hoặc con người tác động, dẫn đến thông tin không chính xác. Hơn nữa, việc cập nhật thông tin thuê bao bằng thủ công cũng là một trong những nguyên nhân tạo kẽ hở cho sim ảo, sim không đúng người dùng. Do vậy, yêu cầu về việc kiểm soát chặt chẽ yếu tố “đầu vào” này để giúp nhà mạng hạn chế các vấn đề trên, bảo đảm tuân thủ quy định nhà nước trong xử lý sim rác và sim kích hoạt sẵn.

Theo ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT, hiện nay đơn vị đã triển khai phần mềm này ở 63 tỉnh, thành phố, cho tất cả các điểm ủy quyền, giúp đại lý và khách hàng có thể đăng ký thông tin trong thời gian nhanh chóng, đồng thời nhà mạng có thể quản lý thông tin thuê bao chính xác, dễ dàng. Phần mềm do VNPT xây dựng và phát triển không chỉ đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, mà còn bảo đảm về các yếu tố bảo mật, an toàn thông tin.

Chia sẻ cụ thể hơn, chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Phó Trưởng phòng Điều hành bán hàng Trung tâm Kinh doanh VNPT - Hà Nội cho biết, công nghệ nhận dạng hình ảnh này giúp quá trình đăng ký thông tin thuê bao chỉ mất khoảng 5 giây. Nếu như trước đây, việc đăng ký, cập nhật thông tin thuê bao được thực hiện các thao tác bằng tay, có thể gây ra nhầm lẫn, thì nay sau khi tiếp nhận chứng minh nhân dân (căn cước, hộ chiếu) từ khách hàng, nhân viên giao dịch sẽ chụp ảnh. Ngay lập tức, công nghệ nhận dạng sẽ tự động bóc tách toàn bộ dữ liệu ảnh, chuyển đổi thành text và đưa thông tin vào các trường dữ liệu tương ứng. Sau đó, chỉ việc in giấy tờ để khách hàng ký xác nhận. Quá trình tự động còn có thể nhận diện và cảnh báo khi các thông tin được nhập giữa các loại giấy tờ không trùng khớp.

Một tiện ích nổi bật của phần mềm nhận dạng hình ảnh này của VNPT đã được tích hợp trên ứng dụng điện thoại di động. Vì vậy, khi cần đăng ký hoặc cập nhật thông tin, dù ở bất cứ đâu, chỉ cần có điện thoại di động có cài đặt ứng dụng công nghệ nhận dạng hình ảnh, người dùng đã có thể cung cấp thông tin cho nhà mạng. Theo đó, khách hàng cần chụp hai mặt chứng minh nhân dân, hoặc thẻ căn cước và ảnh chân dung. Toàn bộ dữ liệu sẽ được hệ thống tự động tách và nhập thông tin vào phiếu đăng ký. Sau đó, khách hàng sẽ ký điện tử để hoàn thành việc đăng ký, hoặc cập nhật thông tin thuê bao.

Theo chỉ đạo của Bộ TT-TT, các nhà mạng khác đang trải nghiệm bước đầu để có thể đánh giá khách quan về các chức năng an toàn thông tin và các vấn đề kỹ thuật của công nghệ trước khi đưa vào triển khai chính thức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công nghệ nhận dạng hình ảnh sẽ hạn chế sim rác?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.