Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý cước dữ liệu thời "bùng nổ" data giá rẻ

Việt Nga| 06/06/2019 07:21

(HNM) - Sau khi dịch vụ 4G được khai thác thương mại, các nhà mạng đã đưa ra các gói cước dữ liệu (data) có dung lượng tốc độ cao, giá rẻ.


Dịch vụ 4G được VinaPhone cung cấp đầu tiên tại huyện đảo Phú Quốc từ tháng 1-2016, nhưng phải đến tháng 4-2017 sau khi Viettel chính thức cung cấp dịch vụ trên toàn quốc, 4G mới thực sự tạo ra một “cú hích” trên thị trường.

Đó là để cạnh tranh, cả 3 nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone cùng bước vào cuộc đua giảm cước data: Tăng dung lượng tốc độ cao, nhưng giá không đổi bằng cách giữ nguyên giá cước data cũ (từ 70.000 đồng/tháng đến 300.000 đồng/tháng), nhưng tăng dung lượng gấp 5-6 lần, tương ứng từ 3GB đến 30GB.

Cùng với đó, các nhà mạng cũng đưa ra các gói cước data dùng trong ngày, theo tuần với giá cạnh tranh; đua khuyến mại tặng data cho thuê bao nạp thẻ. Nhưng, “cuộc chiến” data được coi là thực sự bùng nổ khi cả 3 cùng đưa ra sim data 4G giá 89.000-90.000 đồng/ tháng được dùng 60GB/tháng (Viettel, MobiFone) và 120GB/ tháng (VinaPhone) cùng các ưu đãi lớn về miễn phí thoại nội mạng, ngoại mạng...

Cho biết cá nhân đang dùng gói cước VD89 của VinaPhone, chị Hương Sa (ở ngõ 7 phố Thái Hà, phường Trung Liệt, quận Đống Đa) nhận xét, khách hàng sử dụng dữ liệu ngày càng nhiều, nên nhà mạng chọn ưu đãi data là rất hợp lý.

Anh Quang Huy (ở ngõ 20 phố Nguyễn Hoàng, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) đang dùng gói C90 của MobiFone, nhấn mạnh, trong khi nhiều ngành hàng thiết yếu tăng giá thì nhiều năm nay, chỉ có viễn thông giảm giá, không chỉ đem lại quyền lợi cho khách hàng mà từ đó, thúc đẩy tiêu dùng.

Thực tế, lượng thuê bao data 3G, 4G đã tăng mạnh - hiện ở mức trên 60 triệu thuê bao - nói lên sức hấp dẫn của dịch vụ này. Tuy nhiên, khi thuê bao 3G, 4G tăng, doanh thu từ nguồn data của các thuê bao này như thế nào?

Trả lời phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Đăng Nguyên, Phụ trách chức vụ Tổng Giám đốc MobiFone cho biết, lượng thuê bao tăng, lưu lượng tăng nhanh nhưng doanh thu từ data lại tăng chậm.

Sở dĩ như vậy là vì để cạnh tranh, các nhà mạng liên tục giảm cước data bằng cách tăng ưu đãi cho khách hàng của mình, khiến giá cước data gần đây liên tục giảm. Cùng quan điểm này, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT cho biết, hiện doanh thu data chiếm 20-30% cơ cấu tổng doanh thu dịch vụ di động và đặt mục tiêu nâng tỷ lệ này chiếm 40% tổng doanh thu.

Tuy nhiên, do cạnh tranh quyết liệt nên dù lưu lượng data tăng, nhưng doanh thu data tăng chậm, thậm chí không tăng. Thông tin từ Viettel cũng cho thấy, doanh thu từ data tăng chậm hơn so với tốc độ tăng trưởng lưu lượng.

Nhấn mạnh việc các nhà mạng giảm mạnh cước data là cách đem lại lợi ích cho người dùng, song ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng thừa nhận, về lâu dài thì việc giảm cước này không có lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp cũng như thị trường viễn thông. Hiện, nhà nước không quản lý giá với dịch vụ này, nhưng đây cũng là vấn đề đặt ra và cơ quan quản lý cũng sẽ phải bàn thảo với các doanh nghiệp...

Có thể dưới góc nhìn kinh doanh của doanh nghiệp là như vậy, song thực tế việc ưu đãi, giảm giá cho khách hàng không chỉ đem lại quyền lợi cho người dùng, mà còn kích thích tiêu dùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý cước dữ liệu thời "bùng nổ" data giá rẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.