Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ hội nào cho mạng xã hội "nội"?

Việt Nga| 09/09/2019 08:05

(HNM) - Chỉ trong 4 tháng trở lại đây, có đến 3 mạng xã hội do doanh nghiệp trong nước phát triển liên tiếp xuất hiện gây sự chú ý của dư luận. Nhưng, vấn đề ở chỗ, giữa thời điểm mà các mạng xã hội nước ngoài như Facebook, Google đang "thống trị" tại thị trường Việt Nam, thì liệu các mạng xã hội “nội” có cơ hội để phát triển?

Mạng xã hội Lotus - một sản phẩm do các kỹ sư Việt Nam thiết kế, phát triển. Ảnh: Mạnh Hưng

Khi mạng xã hội Việt đua nở

Cuối tháng 8 vừa qua, Công ty cổ phần Truyền thông Việt Nam (VCCorp) chính thức thông báo với giới truyền thông trong nước việc chuẩn bị ra mắt mạng xã hội Lotus. Nói về quá trình bắt tay xây dựng mạng xã hội này, ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc VCCorp cho biết: Lotus được đội ngũ hơn 200 kỹ sư công nghệ của công ty nghiên cứu và phát triển trong vòng 1 năm qua. Cùng với đó, Lotus cũng đưa ra các kế hoạch như: Ra mắt bản beta (phiên bản thử nghiệm) vào ngày 16-9-2019...

Trước đó, tháng 6-2019, mạng xã hội Hahalolo (của Công ty cổ phần Mạng xã hội du lịch Hahalolo) dựa trên nền tảng tích hợp du lịch trực tuyến và thương mại điện tử đã ra mắt tại thành phố Hồ Chí Minh. Sự kiện này gây chú ý khi Hahalolo đặt mục tiêu đạt 2 tỷ người dùng vào năm 2024 và sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán quốc tế. 

Tháng 7-2019, mạng xã hội Gapo (của Công ty cổ phần Công nghệ Gapo) chính thức ra mắt người dùng tại Hà Nội. Trong kế hoạch phát triển, Gapo đặt ra mục tiêu đạt 50 triệu người dùng vào năm 2021.

Như vậy, chỉ trong vòng 4 tháng trở lại đây, đã có 3 mạng xã hội do các doanh nghiệp trong nước đầu tư, xây dựng và phát triển ra mắt. Đây được coi là sự quyết tâm của cộng đồng công nghệ hưởng ứng định hướng phát triển mạng xã hội của người Việt, cho người Việt từ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Ở góc độ người dùng, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Tiến sĩ Phan Quốc Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam chia sẻ, cá nhân ông ủng hộ việc ra đời mạng xã hội trong nước. Vì, tương tác trực tiếp trên mạng xã hội dần trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống và cùng với đó có cả mặt tích cực lẫn không ít tiêu cực. “Do vậy, để lan tỏa những thông tin tích cực, hành vi tích cực, cần cả vai trò và sự tham gia của các mạng xã hội và một mạng xã hội do người Việt làm chủ là cần thiết, góp phần đẩy lùi tiêu cực” - ông Phan Quốc Việt nhấn mạnh. Ngoài ra, việc phát triển mạng xã hội của người Việt làm chủ còn tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh để phát triển.

Cần phát triển theo hướng riêng biệt

Trở lại với vấn đề phát triển mạng xã hội trong nước, ngoài mạng xã hội được cho là đầu tiên của Việt Nam với tên gọi “Tầm Tay” được cấp phép năm 2007 (đã dừng hoạt động tháng 3-2018), theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến nay đã có 450 mạng xã hội được cấp phép. Tuy nhiên, phần lớn mạng xã hội này hoạt động theo hình thức diễn đàn (forum); số mạng xã hội hoạt động đúng nghĩa tồn tại và có ảnh hưởng lại quá ít, hiện chỉ có Zalo (thuộc Công ty cổ phần VNG) với 45 triệu người dùng, Mocha (của Tập đoàn Viettel) với hơn 10 triệu người dùng. Thị phần mạng xã hội chủ yếu thuộc về Facebook và Google và hai nhà cung cấp xuyên biên giới này cũng “chiếm” chủ yếu “miếng bánh” quảng cáo số tại thị trường Việt Nam.

Vậy, câu hỏi đặt ra, các mạng xã hội mới ra đời liệu có “cửa” để tồn tại và phát triển, hay chỉ hoạt động “èo uột” như hàng trăm mạng xã hội được cấp phép đã nêu?

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Thế Tân - Tổng Giám đốc VCCorp khẳng định, Lotus phải chọn một hướng đi khác biệt. Đó là lấy nội dung làm trọng tâm, tạo nên một nền tảng hỗ trợ cho các nhà sản xuất nội dung và các cá nhân thỏa sức sáng tạo để có được các nội dung chất lượng hơn phục vụ người dùng. Tuy đang trong giai đoạn thử nghiệm, nhưng Lotus đã có 500 nhà sáng tạo nội dung đăng ký tham gia. “Lotus là mạng xã hội xoay quanh nội dung do người Việt Nam phát triển và làm chủ” - Tổng Giám đốc VCCorp khẳng định. Đồng thời cam kết, Lotus tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo đảm bí mật thông tin người dùng và không có chuyện để lộ dữ liệu người dùng; không bán lại mạng xã hội cho đối tác nước ngoài.

Tiến sĩ Phan Quốc Việt cho rằng, trong nhiều lĩnh vực như cờ vua, công nghệ..., Việt Nam có nhiều người giỏi là những kỳ thủ, kỹ sư công nghệ nổi tiếng toàn cầu. Vì vậy, ông kỳ vọng VCCorp với những cá nhân vốn là “dân” công nghệ xuất sắc sẽ phát triển thành công mạng xã hội Lotus. Tuy nhiên, Lotus không nên làm theo Facebook, Google, mà phải có bản sắc riêng. Đó là cần định hướng hình ảnh thiết kế theo format (định dạng) hấp dẫn, tránh sự nhàm chán của người dùng. Ngoài ra, cũng nên thiết kế để người dùng có thể lưu lại kênh riêng của mình... “Cá nhân tôi sẽ đăng ký tài khoản trên Lotus và kêu gọi người thân, bạn bè mình sử dụng mạng xã hội này” - ông Phan Quốc Việt khẳng định.

Ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục An toàn thông tin (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, Bộ đã định hướng các mạng xã hội trong nước nên phát triển theo hướng khác biệt với Facebook, với mô hình mạng xã hội tạo ra giá trị, luật chơi mới và người dùng - những người tạo ra giá trị được tham gia, được quyết định luật chơi. Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng mong muốn các doanh nghiệp trong nước làm chủ và phát triển mạng xã hội của người Việt ra nước ngoài, góp phần đem lại giá trị cho nhân loại...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội nào cho mạng xã hội "nội"?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.