Theo dõi Báo Hànộimới trên

Liệu có giảm cước di động?

Việt Nga| 28/09/2019 07:59

(HNM) - Theo dự thảo thông tư mới do Bộ Thông tin và Truyền thông soạn thảo đang lấy ý kiến người dân, cước kết nối giữa các mạng di động và cố định sẽ chỉ còn đồng giá là 270 đồng/phút, thay vì mức 400-440 đồng/phút như hiện nay. Giá cước kết nối giảm mạnh sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí. Thế nhưng, vấn đề đang được nhiều người quan tâm là các nhà mạng có giảm cước thoại?

Người tiêu dùng hy vọng giá cước mạng di động sẽ giảm khi Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành thông tư mới. Ảnh: Khuê Diệp

Giảm cước là xu hướng

Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng dự thảo Thông tư quy định giá cước kết nối cuộc gọi thoại giữa hai mạng viễn thông di động mặt đất toàn quốc (mạng di động) và giữa mạng viễn thông cố định mặt đất nội hạt (mạng cố định) với mạng viễn thông di động mặt đất toàn quốc. Dự thảo thông tư này đang được lấy ý kiến người dân tại địa chỉ www.mic.gov.vn kể từ ngày 4-9-2019 (kết thúc vào ngày 4-11-2019).

Cụ thể, đối với giá cước kết nối cuộc gọi thoại giữa hai mạng di động: Mạng di động khởi phát cuộc gọi sẽ phải trả mạng di động kết cuối cuộc gọi là 270 đồng/phút. Có thể hiểu là thuê bao mạng di động A gọi sang mạng B sẽ phải trả mức cước là 1.000 đồng/phút, thì trong đó mạng A sẽ nhận 730 đồng, mạng B nhận 270 đồng. Với kết nối cuộc gọi thoại giữa mạng cố định với mạng di động, mạng khởi phát cuộc gọi sẽ phải trả mạng kết cuối cuộc gọi là 270 đồng/phút. Tương tự, cuộc gọi thoại từ mạng di động vào mạng cố định cũng có giá cước kết nối là 270 đồng/phút.

Ở góc độ nhà mạng, ông Võ Đặng Việt Linh, Giám đốc đối ngoại và hành chính của Vietnamobile cho biết, quy định giảm mức giá cước kết nối giữa các nhà mạng từ 400-440 đồng/phút xuống 270 đồng/phút là phù hợp với xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới và có lợi cho người dùng. Đây sẽ là cơ sở để các nhà mạng ban hành gói cước mới có giá rẻ hơn, hấp dẫn hơn với khách hàng. Về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Tú, Trưởng ban Nghiên cứu và Phát triển thị trường - Tổng công ty Dịch vụ viễn thông VNPT VinaPhone cho biết, việc giảm cước kết nối sẽ góp phần thúc đẩy nhà mạng đưa ra chính sách ưu đãi cho khách hàng.

Chia sẻ về việc cơ quan quản lý nhà nước đang lấy ý kiến về việc giảm cước kết nối giữa các nhà mạng, chị Lê Thu Hà (chủ thuê bao 091.3xx.xx10, ở quận Long Biên) cho biết: “Việc giảm cước kết nối sẽ giúp nhà mạng tiết kiệm được chi phí, do đó khách hàng mong muốn nhà mạng sẽ gia tăng chăm sóc khách hàng bằng cách giảm cước cuộc gọi để người dân liên lạc nhiều hơn”. Còn anh Phạm Minh Phong (chủ thuê bao 098.3xx.xx77, ở quận Hoàng Mai) đề xuất, nhà mạng nên ưu đãi tặng thêm dữ liệu (data) cho khách hàng để thuê bao sử dụng băng rộng di động thoải mái…

Tiếp tục lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp

Với quan điểm cho rằng giảm cước kết nối là xu thế, song các nhà mạng thừa nhận việc giảm cước sẽ khiến doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu. Đại diện Vietnamobile cho biết, giảm doanh thu khoảng 39%, nhưng tiết kiệm được chi phí khoảng 35%; MobiFone dự kiến giảm doanh thu 38% và giảm 7-8% trong tổng cơ cấu doanh thu. Riêng Tập đoàn VNPT - do còn có lượng lớn thuê bao cố định, nên ước doanh thu sẽ giảm khoảng 60%...

Các nhà mạng có thị phần thấp hơn sẽ bị ảnh hưởng nếu áp dụng chính sách cước kết nối mới. Ảnh: Hương Lan

Cước kết nối cuộc gọi giữa hai mạng đang được áp dụng theo Thông tư 48/2017/TT-BTTTT (ngày 29-12-2017) của Bộ Thông tin và Truyền thông là 400 đồng/phút; riêng Tập đoàn Viettel - là nhà mạng thống lĩnh thị trường nên phải chi trả nhà mạng còn lại là 440 đồng/phút. Như vậy, việc dự thảo thông tư đưa ra mức cước kết nối giữa hai mạng đồng giá 270 đồng/phút cho thấy dự thảo mới sẽ hủy bỏ việc áp dụng giá cước kết nối giữa các mạng di động thống lĩnh thị phần (từ 30% thị phần trở lên) và mạng không thống lĩnh thị phần. Nếu áp dụng theo dự thảo thông tư mới, Viettel sẽ là nhà mạng có lợi thế nhất khi vừa được gỡ bỏ không áp dụng quy định với doanh nghiệp thống lĩnh thị phần, vừa là nhà mạng có nhiều thuê bao nhất.

Vì vậy, theo Vietnamobile, việc áp dụng mức giá chung là 270 đồng/phút thay vì có sự chênh lệch như trước đây sẽ là điều bất lợi cho các nhà mạng nhỏ. Cụ thể, do lượng thuê bao của Vietnamobile chỉ chiếm 3,6% trên thị trường, nên tổng lưu lượng các cuộc gọi từ thuê bao Viettel, VNPT VinaPhone, MobiFone đến Vietnamobile luôn nhỏ hơn nhiều so với lưu lượng cuộc gọi xuất phát từ mạng Vietnamobile đến các nhà mạng khác. Nói cách khác, Vietnamobile luôn phải trả chi phí kết nối cao hơn so với doanh thu kết nối thu được.

“Chúng tôi mong muốn Bộ Thông tin và Truyền thông nên áp dụng mức giá cước kết nối chênh lệch giữa các nhà mạng, nhằm bảo đảm có đơn vị quy mô nhỏ không phải trả chi phí chênh lệch giữa cước kết nối và doanh thu kết nối. Cụ thể, mạng di động khởi phát cuộc gọi trả mạng di động Viettel, VNPT VinaPhone, MobiFone giá cước kết nối là 270 đồng/phút; ngược lại, các mạng khởi phát cuộc gọi trả cước kết nối cho Vietnamobile, Gmobile là 330 đồng/phút”, ông Võ Đặng Việt Linh đề xuất.

Về việc có hay không sẽ giảm cước, ông Phạm Ngọc Tú, Trưởng ban Nghiên cứu và Phát triển thị trường - Tổng công ty Dịch vụ viễn thông VNPT VinaPhone cho rằng, có một thực tế hiện nay là, với sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội nên nhu cầu thoại của người dùng trên toàn cầu giảm mạnh. Do vậy, việc có áp dụng hay không chính sách giảm cước thoại thì nhà mạng cũng sẽ cân nhắc. Nhưng chắc chắn nhà mạng vẫn thực hiện các chương trình chăm sóc khách hàng với nhiều ưu đãi nhất.  

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Hoàng Minh Cường, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, sau khi lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp, Bộ sẽ có quyết định về việc có giảm giá cước kết nối hay không, đồng thời chính thức thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liệu có giảm cước di động?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.