Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điện thoại thương hiệu Việt: Vẫn là ẩn số!

Việt Nga| 19/10/2019 07:47

(HNM) - Sự xuất hiện của hai sản phẩm Bphone và Vsmart khiến thị trường điện thoại di động thương hiệu Việt trở nên sôi động. Đặc biệt, gần đây cả hai thương hiệu này chọn hướng xuất ngoại với những kỳ vọng mới. Song, các sản phẩm này có duy trì được chỗ đứng trên thị trường trong nước và nước ngoài hay không thì vẫn còn là ẩn số...

Dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh Vsmart. Ảnh: Trọng Nghĩa

Trước Bphone và Vsmart, thị trường điện thoại di động thương hiệu Việt đã có nhiều tên tuổi, trong đó có những cái tên “đình đám” như FPT, Viettel, VNPT... Tuy nhiên, theo thời gian các thương hiệu lớn này dần “im hơi lặng tiếng”. Chỉ thương hiệu Mobiistar (của Công ty Mobile Star) chuyển hướng kinh doanh sang Ấn Độ. Tuy nhiên, vào tháng 6-2019 Mobiistar đã quyết định rút khỏi thị trường này, sau hơn một năm hoạt động và đã ra mắt tới 9 dòng máy.

Ngay cả Bphone, ngoại trừ lần ra mắt thứ 3 (sản phẩm Bphone 3 năm 2018) được đánh giá là thành công khi đưa mức giá tiệm cận với người dùng, còn cả hai lần trước đó (Bphone 1 ra mắt năm 2016, Bphone 2 năm 2017) đều thất bại. Cũng phải nói thêm, cạnh tranh với điện thoại thương hiệu Việt là các tên tuổi toàn cầu đến từ Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc như Samsung, Apple (iPhone), Huawei, Oppo… với các dòng điện thoại từ thấp đến cao cấp.

Những thông tin không mấy sáng sủa về thực trạng của điện thoại thương hiệu Việt đã khiến khách hàng và dư luận đặt câu hỏi về sự xuất hiện, tồn tại của Bphone (sản phẩm của Công ty cổ phần BKAV) và Vsmart (của Công ty cổ phần Nghiên cứu và Sản xuất Vinsmart thuộc Tập đoàn Vingroup). Vậy, cả Bphone và Vsmart đang ở đâu trên thị trường?

Theo ông Trần Việt Hải, Giám đốc điều hành BKAV Electronics, Bphone là một dự án dài hạn của BKAV và công ty đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất có thị phần dẫn dắt tại thị trường Việt Nam. BKAV sẽ mở tổ hợp dịch vụ và chăm sóc khách hàng (Bphone store) tại các thành phố lớn và đây cũng là bước chuẩn bị cho kế hoạch ra mắt Bphone 4 sắp tới. Không tiết lộ cụ thể, song ông Trần Việt Hải cho biết, Bphone 3 đã đạt doanh số như kỳ vọng công ty đặt ra.

Tương tự, Vsmart cũng không công bố doanh số sau khi đã ra mắt 5 dòng điện thoại Vsmart thế hệ 1 và 2. Tuy nhiên tháng 6 vừa qua, Vinsmart vừa khởi công xây dựng nhà máy mới tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc có diện tích lớn gấp 25 lần so với nhà máy sản xuất điện thoại hiện tại.

Theo ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup, quyết định đầu tư nhà máy ở Hòa Lạc là nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế, vì sau một thời gian sản xuất điện thoại di động, các sản phẩm Vsmart được thị trường đón nhận tích cực, đặc biệt nhận được nhiều đơn đặt hàng gia công từ các đối tác lớn của châu Âu và Mỹ...

Minh chứng cho phát biểu của lãnh đạo Vingroup, doanh nghiệp này vừa ra mắt 4 mẫu điện thoại thông minh tại Nga vào ngày 3-10-2019; trước đó, tháng 3-2019, Vsmart thâm nhập thị trường Tây Ban Nha và các nước châu Âu thông qua một nhà phân phối lớn; tháng 5-2019 Vsmart phân phối tại thị trường Myanmar. BKAV cũng chọn Myanmar để phân phối Bphone 3 từ tháng 7-2019 thông qua nhà mạng Mytel (thương hiệu của Viettel tại nước bạn).

Đáng chú ý, việc ra đời các dòng điện thoại thương hiệu Việt Bphone, Vsmart cũng hình thành cộng đồng người dùng hoạt động sôi nổi. Đứng đầu là Bphone Fans club với hơn 51.000 người dùng và yêu thích Bphone; ngoài ra còn có cộng đồng dùng Bphone xuyên biên giới giao lưu giữa người dùng Việt Nam và Myanmar. Tương tự, thương hiệu Vsmart cũng hình thành nhóm Vsmart - Fans club với gần 10.000 thành viên...

Ở góc độ người dùng, Facbooker Thiên An (ở thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: "Bphone là chiếc điện thoại thương hiệu Việt, nhưng tôi khá hài lòng về chất lượng máy, chế độ dịch vụ của công ty". Một người dùng Vsmart ở Hà Nội là anh Nguyễn Mạnh Hưng (phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai) đánh giá, dòng Vsmart Live có máy đẹp, thiết kế tốt, camera tương đối tốt và chạy khá "mượt", tuy nhiên điểm trừ của sản phẩm này là tính năng cảm biến còn chưa chuẩn...

Như vậy, việc các thương hiệu điện thoại Việt như Bphone, Vsmart duy trì hoạt động trong nước, mở rộng kinh doanh ra thị trường nước ngoài là tín hiệu đáng mừng. Việc các thương hiệu này có tiếp tục thành công hay không phải cần thời gian kiểm chứng, song cho thấy sự nỗ lực đầu tư lớn vào nghiên cứu, thiết kế... để đi những bước đầu tiên thực hiện chương trình "Make in Viet Nam" mà Bộ Thông tin và Truyền thông phát động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện thoại thương hiệu Việt: Vẫn là ẩn số!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.