Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao đồng hồ chịu nước tới 30m vẫn “chết” trong bể bơi chỉ sâu hơn 1 mét?

Nguyễn Thúc Hoàng Linh| 10/11/2019 14:10

(HNMO) - Mặc dù không phải khái niệm gì mới lạ, chỉ số chịu nước (Water Resistant) trên những chiếc đồng hồ vẫn là thứ khá mơ hồ đối với nhiều người dùng.

Hiểu không chính xác về khả năng chịu nước của đồng hồ có thể khiến bạn phải chịu nhiều bài học cay đắng.

Chỉ số chịu nước (Water Resistant) tính theo độ sâu được ghi trên những chiếc đồng hồ (ví dụ như 100 mét) là cách thể hiện chỉ số mức áp suất nước dễ hiểu hơn so với các chỉ số khoa học phức tạp (như 10 Atmosphere hay 10 BAR…). Đôi khi, đâu đó người ta cũng bắt gặp mác “chống nước tới 300 mét” (Water Proof up to 300 meters).

Vấn đề nằm ở chỗ, không ít người đã “ngậm quả đắng” khi đem những chiếc đồng hồ được quảng bá có độ chống nước ở độ sâu lên tới 30 mét hay 50 mét xuống bể bơi chỉ sâu từ 1-2 mét. 

Vậy, với mỗi mức chỉ số chịu nước mà các nhà sản xuất đồng hồ công bố, người dùng có thể trông đợi điều gì?

* Water Resistant 30M: Mức 30 mét hiện nay được coi là tiêu chuẩn cho các loại đồng hồ thời trang (dress watch), bao gồm cả các dòng cao cấp như Patek Philippe. Đồng hồ nhóm này thường không có núm với ren xoắn và cần sự cẩn trọng từ phía người dùng khi tiếp xúc với môi trường nước. Dĩ nhiên, bạn có thể rửa tay hoặc đi mưa với chúng, nhưng hãy tháo ra khi đi bơi hay rửa xe. 

Hầu hết đồng hồ phục vụ mục đích thời trang đều có khả năng chịu nước rất khiêm tốn.

* Water Resistant 50M: Mức 50 mét đem lại khả năng chịu nước tốt hơn chút ít, và thường xuất hiện trên các dòng đồng hồ thể thao, đồng hồ phi công (pilot/flieger). Tuy nhiên, khác biệt về khả năng chịu nước thực tế của đồng hồ nhóm này không khác nhiều so với loại 30 mét, nên việc bơi lội là hoàn toàn không nên.

* Water Resistant 100M: Những đồng hồ đạt tới ngưỡng này thường có hệ thống gioăng khá kín, và đôi khi được trang bị cả núm dạng ren xoắn chống nước. Nhờ vậy, chúng sẽ “sống sót” dễ dàng trong các tình huống bơi lội thông thường (bao gồm cả lặn có ống thở) trong môi trường nước tĩnh. Tuy nhiên, việc lặn có bình khí, nhảy cầu bể bơi quá cao, hoặc chơi các môn thể thao tốc độ mặt nước (như mô tô nước) là hoàn toàn không nên.

Seiko SKX là lựa chọn đồng hồ lặn “ngon, bổ, rẻ” được ưa chuộng khắp thế giới.

* Water Resistant 200-300M: Đây là mức phổ biến của các loại đồng hồ lặn (dive watch) được nhiều người ưa chuộng, với nhiều gương mặt đại diện nổi tiếng: từ Seiko SKX chỉ vài triệu đồng, cho tới Rolex Submariner hay Omega Seamaster Professional hàng trăm triệu đồng. Nếu sở hữu một chiếc đồng hồ với mức chịu nước thuộc nhóm này, người dùng hoàn toàn yên tâm với mọi tình huống nước trong cuộc sống hằng ngày.

Núm ren với gioăng chống nước là dấu hiệu của những chiếc đồng hồ có khả năng “lặn” tốt nhất.

* Water Resistant 500M-2000M: Đây là nhóm đồng hồ thường có giá thành rất cao, với những đại diện như Sinn EZM, Sinn U1, Omega Planet Ocean, Rolex Sea-Dweller…. Mặc dù chẳng mấy ai có điều kiện lặn ở độ sâu “khủng” lên tới cả ngàn mét như vậy, nhưng việc có chỉ số chịu nước cao sẽ đem lại sự an tâm sử dụng về lâu dài. Vì vậy, không ít người vẫn tìm mọi cách sở hữu chúng nhằm thỏa mãn đam mê công nghệ chế tác.

Sinn UX là một trong những đồng hồ chịu nước “khủng” tới 5.000M nhờ bơm dầu kín bên trong cơ cấu máy móc.

Ngoài yếu tố áp suất nước, một chiếc đồng hồ hoàn toàn có thể bị hỏng hóc bởi các hóa chất, từ muối, xà phòng, hơi nước nóng cho tới các chất tẩy rửa, chất làm trong nước có trong bể bơi…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vì sao đồng hồ chịu nước tới 30m vẫn “chết” trong bể bơi chỉ sâu hơn 1 mét?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.