Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tìm lời giải trong thách thức

Thanh Hà| 07/07/2020 07:02

(HNM) - Trên thế giới hiện có 60 nhà mạng (của 30 quốc gia) thương mại hóa dịch vụ 5G; khoảng 380 nhà mạng bắt đầu đầu tư vào công nghệ này... Tại Việt Nam, công nghệ 5G đã được 3 nhà mạng là Viettel (Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội), MobiFone (Tổng công ty Viễn thông MobiFone), Vinaphone (Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam) thử nghiệm từ năm 2019.

Thực tế, công nghệ 5G cho thấy sự vượt trội 4G ở tốc độ. Tuy nhiên, chi phí đầu tư cho 5G lại rất lớn, đặt ra bài toán về hiệu quả với nhà mạng. Trong khi đó, dịch vụ 4G hiện mới chiếm tỷ trọng 20%-30% trong tổng doanh thu di động. Vì thế, đến nay 3 nhà mạng trong nước vẫn đang thử nghiệm 5G, mà chưa công bố thời điểm thương mại hóa.

Được biết, trong lộ trình triển khai 5G, các nhà mạng dự kiến giai đoạn đầu tập trung phát triển ở các khu công nghiệp công nghệ cao, khu đô thị thông minh. Cùng với đó, nhà mạng xây dựng hệ sinh thái 5G với các ứng dụng đa dạng. Điều đó có nghĩa, muốn thương mại hóa 5G, vấn đề cơ bản là đẩy mạnh chuyển đổi số ở các lĩnh vực, cũng như phát triển các ứng dụng phù hợp để gia tăng lượng người dùng.

Trong hội thảo về phát triển 5G mới đây, đại diện Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) nêu rõ, với ưu điểm vượt trội, 5G có khả năng phục vụ phát triển cho mọi ngành, từ việc giúp khách hàng khám phá trải nghiệm mới đến hỗ trợ quản lý, phát triển sản xuất, kinh doanh, giáo dục, y tế, du lịch… Công nghệ đóng vai trò không thể thiếu trong phát triển dịch vụ đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khách hàng, ngược lại ứng dụng mới mang lại hiệu quả doanh thu cho nhà mạng. Tương tự, 5G góp phần thúc đẩy chuyển đổi số và ngược lại chuyển đổi số giúp giải bài toán hiệu quả đầu tư công nghệ 5G.

Triển khai 5G có thể là thách thức với nhà mạng nhưng không phải không có lời giải.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tìm lời giải trong thách thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.