Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người mua, người bán đều vi phạm pháp luật

Hà Phong - Tiến Thành| 17/12/2018 07:55

(HNM) - Những ngày qua, cơ quan công an liên tiếp triệt phá các đường dây lừa đảo, môi giới, mua bán thận.


Lập hồ sơ hiến tặng thận giả để... mua, bán

Theo Thượng tá Nguyễn Mạnh Sáng, Phó Trưởng Công an quận Long Biên, Công an quận vừa khởi tố vụ án, khởi tố và bắt tạm giam bị can Nguyễn Đức Thắng (sinh năm 1989, trú ở huyện Ứng Hòa) về hành vi “Chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người” (Báo Hànộimới đã đưa tin). Khám xét nhà đối tượng, cơ quan công an phát hiện 8 người đang chờ bán thận, thu giữ 1 khẩu súng, 200 viên đạn và 3 thanh đao. Tại cơ quan công an, Thắng khai nhận đã thực hiện trót lọt 15 vụ môi giới, mua bán thận. Thượng tá Nguyễn Mạnh Sáng cũng cho biết, trước đó, vào tháng 10-2018, đơn vị đã phát hiện một đường dây mua bán thận; bắt giữ Dương Văn Lộc (sinh năm 1987, quê ở TP Hải Phòng) và 2 đối tượng khác. Với chi phí giao dịch bình quân khoảng 400 triệu đồng/trường hợp, đường dây này đã thực hiện trót lọt 4 trường hợp từ đầu năm 2018 đến lúc bị phát hiện.

Cũng trong thời gian này, cơ quan cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Văn Phương (sinh năm 1989, quê ở tỉnh Bắc Giang) để điều tra về tội “Mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người”. Từ đầu năm 2018 đến nay, Phương cùng đồng phạm thực hiện trót lọt 3 vụ mua, bán thận với giá mua vào từ 250 triệu đồng đến 320 triệu đồng/quả thận, bán ra từ 340 triệu đồng đến 360 triệu đồng/quả thận, hưởng chênh lệch từ 40 triệu đồng đến 100 triệu đồng/quả thận.

Theo Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP Hà Nội), thủ đoạn của các đối tượng môi giới mua, bán thận là lập hồ sơ hiến tặng thận giả, lợi dụng kẽ hở của luật pháp về việc hiến tặng nội tạng với mục đích nhân đạo để thực hiện hành vi mua, bán.

Mua, bán thận có thể bị tù chung thân

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, luật sư Phạm Hồng Hải (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho hay, hiến thận thì không vì lợi nhuận, còn bán thận thì vì lợi nhuận. Khi cơ quan công an chứng minh được việc mua bán, môi giới mua bán, môi giới hiến tạng nhằm mục đích thương mại sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Riêng đối với y, bác sĩ thực hiện lấy và cấy ghép tạng, nếu biết việc mua bán, môi giới mà vẫn phẫu thuật để nhận thù lao sẽ bị xử lý với vai trò đồng phạm.

Cũng theo luật sư Phạm Hồng Hải, tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người là tội danh mới, lần đầu tiên được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, người nào mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; vì mục đích thương mại; đối với từ 2 người đến 5 người; phạm tội 2 lần trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; đối với 6 người trở lên; gây chết người hoặc tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề... từ 1 năm đến 5 năm.

Mua, bán mô hoặc bộ phận cơ thể người có thể chỉ là hành vi mua hoặc là hành vi bán hoặc bao gồm cả hai. Vì vậy, người bán thận trong các vụ án, dù đều có hoàn cảnh khó khăn, cần tiền trang trải cuộc sống, song cần hiểu đây là hành vi tự hủy hoại sức khỏe và vi phạm pháp luật. Bởi nguyên tắc trong việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác là tự nguyện; vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học… không nhằm mục đích thương mại.

Trung tá Lương Huy Giang, Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm mua bán người (Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội) cho biết, đơn vị đã xây dựng kế hoạch phối hợp cùng công an các địa phương tổ chức điều tra cơ bản, kết hợp với trinh sát, mật phục tại các bệnh viện, khu chạy thận nhân tạo nhằm phát hiện, xử lý các đối tượng có hành vi môi giới mua, bán thận.

"Tuy nhiên, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng công an, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác để người dân biết, không vi phạm pháp luật. Đồng thời, khuyến khích, động viên người dân tham gia hiến mô, tạng với mục đích nhân đạo để hạn chế tình trạng thiếu mô, tạng ghép cho người bệnh", Trung tá Lương Huy Giang nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người mua, người bán đều vi phạm pháp luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.