Theo dõi Báo Hànộimới trên

Năm tình tiết định tội đối với tội phạm rửa tiền

Tiến Thành| 31/05/2019 11:31

(HNMO) - Sáng 31-5, Tòa án nhân dân Tối cao phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức lễ công bố Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP ngày 24-5-2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao về hướng dẫn áp dụng Điều 324 Bộ luật Hình sự về tội rửa tiền.

Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình và Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh dự và chủ trì công bố.

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại buổi lễ.


Theo Tòa án nhân dân Tối cao, thực tiễn thực thi Điều 324 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung) cho thấy, vẫn còn một số quy định chưa thực sự rõ ràng, cụ thể, đặc biệt là liên quan đến việc xét xử các vụ án tham nhũng, nên cần phải có hướng dẫn để bảo đảm việc áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.

Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP gồm 6 điều, có hiệu lực từ ngày 7-7-2019, quy định chi tiết về phạm vi điều chỉnh, một số thuật ngữ, tội phạm nguồn, tình tiết định tội, tình tiết định khung hình phạt được áp dụng trong Điều 324 Bộ luật Hình sự về tội rửa tiền.

Đáng lưu ý, Điều 4 của Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP đã quy định rõ về 5 tình tiết định tội liên quan đến tội phạm rửa tiền. Cụ thể:

1. Hành vi tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các giao dịch tài chính, ngân hàng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 324 của Bộ luật Hình sự là thực hiện, hỗ trợ thực hiện hoặc thông qua người khác để thực hiện, hỗ trợ thực hiện một trong các hành vi sau đây nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có:

a) Mở tài khoản và gửi tiền, rút tiền tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

b) Góp vốn, huy động vốn vào doanh nghiệp bằng tiền, tài sản dưới mọi hình thức;

c) Rút tiền với bất kỳ hình thức nào và bằng các công cụ khác nhau như: Séc, hối phiếu, các phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật.

d) Cầm cố, thế chấp tài sản;

đ) Cho vay, cho thuê tài chính;

e) Chuyển tiền hoặc chuyển giá trị;

g) Giao dịch cổ phiếu, trái phiếu, giấy tờ có giá khác;

h) Tham gia phát hành chứng khoán;

i) Bảo lãnh và cam kết về tài chính, kinh doanh ngoại tệ, công cụ thị trường tiền tệ và chứng khoán có thể chuyển nhượng;

k) Quản lý danh mục đầu tư cá nhân và tập thể;

l) Quản lý tiền mặt hoặc chứng khoán cho tổ chức, cá nhân khác;

m) Quản lý hoặc cung cấp bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm liên quan đến đầu tư khác;

n) Các hành vi khác trong giao dịch tài chính, ngân hàng theo quy định của pháp luật.

2. Hành vi tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các giao dịch khác quy định tại điểm a khoản 1 Điều 324 của Bộ luật Hình sự là thực hiện, hỗ trợ thực hiện hoặc thông qua người khác để thực hiện, hỗ trợ thực hiện một trong các hành vi sau đây nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có:

a) Hoạt động (chơi, kinh doanh) casino;

b) Tham gia (chơi, kinh doanh) trò chơi có thưởng;

c) Mua bán cổ vật;

d) Các hành vi khác không liên quan đến tài chính, ngân hàng.

3. Hành vi sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh quy định tại điểm b khoản 1 Điều 324 của Bộ luật Hình sự là hành vi dùng tiền, tài sản thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi.

4. Hành vi sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động khác quy định tại điểm b khoản 1 Điều 324 của Bộ luật Hình sự là hành vi dùng tiền, tài sản để làm dịch vụ, xây dựng trường học, bệnh viện hoặc sử dụng dưới danh nghĩa tài trợ, từ thiện, viện trợ nhân đạo hoặc các hoạt động khác.

5. Hành vi cản trở việc xác minh thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết do người khác phạm tội mà có quy định tại điểm c khoản 1 Điều 324 của Bộ luật Hình sự là hành vi cố ý gây khó khăn, trở ngại cho việc làm rõ nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản (ví dụ: Cung cấp tài liệu, thông tin giả; không cung cấp, cung cấp không đầy đủ; hủy bỏ, tiêu hủy, sửa chữa, tẩy xóa tài liệu, chứng cứ…).

Phát biểu tại buổi lễ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP có 3 điểm mới gồm: Quy định tội phạm nguồn là những loại tội phạm nào; quy định địa hạt pháp lý của loại tội phạm rửa tiền (trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam); không loại trừ việc truy tố tội phạm nguồn mà dừng truy tố tội phạm rửa tiền.

Ngoài ra, việc ban hành Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP sẽ tạo ra hành lang pháp lý trong công tác đấu tranh, phòng, chống rửa tiền, góp phần phòng, chống tham nhũng và thể hiện nỗ lực của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong công tác phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Năm tình tiết định tội đối với tội phạm rửa tiền

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.