Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tội phạm trên mạng xã hội, internet: Nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa

Tiến Thành| 08/06/2019 06:54

(HNM) - Với những thủ đoạn như chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội, đặt vé máy bay giá rẻ qua mạng, giả danh cơ quan chức năng để dọa nạt, đòi chuyển tiền…, từ đầu năm 2019 đến nay, các đối tượng lừa đảo sử dụng công nghệ cao đã chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của nhiều nạn nhân trên địa bàn Hà Nội.


Thủ đoạn tinh vi hơn

Giữa tháng 3-2019, chị T.T.H.M. (trú ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) sử dụng tài khoản mạng xã hội Facebook cá nhân nhắn tin đến tài khoản Facebook của một người bạn. Tuy nhiên, chị M. không biết tài khoản của người bạn đã bị kẻ xấu chiếm đoạt. Lấy lý do cần chuyển khoản trả tiền hàng, đối tượng lừa đảo đã nhờ chị M. chuyển khoản 3 lần, tổng cộng là 46 triệu đồng. Sau khi nhận thông tin, cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Bắc Từ Liêm đã bắt giữ nhóm đối tượng Phạm Đình Vương (sinh năm 1992), Mai Chí Cường (sinh năm 1994), Trương Ngọc Thể (sinh năm 1997) cùng quê tỉnh Quảng Trị và Phan Văn Vương (sinh năm 1994, quê thành phố Đà Nẵng) là những đối tượng đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của chị M. Mở rộng điều tra, cơ quan công an phát hiện từ tháng 7-2018 đến tháng 4-2019, nhóm đối tượng trên đã gây ra 30 vụ chiếm quyền sử dụng tài khoản Facebook rồi nhắn tin lừa đảo, chiếm đoạt số tiền khoảng 1,4 tỷ đồng.

Một nạn nhân đến trình báo về việc bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn qua mạng xã hội.


Mới đây, Bộ Công an cũng cảnh báo hình thức tội phạm công nghệ cao mới, lừa đảo chiếm đoạt tài sản cá nhân, doanh nghiệp. Nhóm đối tượng này có trình độ về công nghệ thông tin, cấu kết với một số người nước ngoài, "quét" lỗ hổng bảo mật của các doanh nghiệp thanh toán trung gian, sau đó chiếm quyền quản trị admin, tạo tài khoản để mua bán hàng, chủ yếu là thẻ cào điện thoại. Bước đầu, công an xác định nhóm tội phạm trên đã chiếm đoạt nhiều tỷ đồng.

Theo Trung tá Nguyễn Thanh Hà, cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an thành phố Hà Nội), các đối tượng lừa đảo có thủ đoạn ngày càng tinh vi. Lợi dụng việc thông tin trên internet, mạng xã hội hoàn toàn công khai, tội phạm tạo thêm tài khoản giống tài khoản của nạn nhân để nhắn tin lừa đảo những người khác qua hình thức chuyển tiền, nạp thẻ điện thoại...

Ngoài ra, tội phạm sử dụng công nghệ cao còn nắm bắt nhu cầu của người dân để thực hiện hành vi lừa đảo. Chẳng hạn, đối tượng Nguyễn Minh Lương (sinh năm 1982, trú ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) biết được nhu cầu mua vé máy bay giá rẻ của người dân ngày càng cao và kẽ hở tiện ích đặt giữ chỗ trong vòng 24 giờ của các hãng hàng không, đã lên mạng internet đặt vé để lấy mã đặt chỗ rồi quảng cáo bán vé giá rẻ trên Facebook. Khi gặp người có nhu cầu, Lương nhận tiền rồi chuyển mã đặt chỗ cho người mua nhưng không thanh toán tiền cho hãng hàng không, qua đó chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng. Hiện cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam Nguyễn Minh Lương về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Bên cạnh đó, những chiêu trò giả danh cán bộ công an, tòa án, nhân viên bưu điện... gọi điện thông báo cho người bị hại đang vướng vào các vụ vi phạm pháp luật, nợ cước viễn thông, nợ ngân hàng… để yêu cầu chuyển tiền trả nợ, xác minh tài sản phục vụ công tác điều tra, dù đã liên tục được cảnh báo nhưng vẫn còn nhiều người bị mắc bẫy. Về vấn đề này, Thượng tá Lê Huy, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hà Nội) cho biết: Gần đây, để người bị hại tin tưởng, các đối tượng lừa đảo đã sử dụng phần mềm, ứng dụng gọi điện thoại qua mạng internet có thể hiển thị số gọi đến là số điện thoại của cơ quan công an, qua đó thực hiện hành vi lừa đảo.

Người dân cần nâng cao cảnh giác

Mặc dù thủ đoạn của các loại tội phạm sử dụng điện thoại, internet để lừa đảo chiếm đoạt tài sản không mới, nhưng phương thức luôn thay đổi khiến nhiều người dân dễ rơi vào bẫy. Thống kê của Công an thành phố Hà Nội cho thấy, từ đầu năm 2019 đến nay, Công an thành phố đã nhận được 18 đơn, thư tố giác với tổng số tiền bị chiếm đoạt lên đến gần 33 tỷ đồng.

Theo Thượng tá Phạm Tùng Vân, Phó Trưởng phòng Tham mưu (Công an thành phố Hà Nội), Công an thành phố sắp đưa vào vận hành bộ phận tiếp nhận thông tin qua mạng xã hội. Ngoài việc xử lý, giải đáp thông tin phản ánh về an ninh, trật tự, đơn vị sẽ tập trung phát hiện sớm, điều tra các đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên mạng xã hội, internet. “Các dấu hiệu vi phạm pháp luật, lừa đảo hoặc tung tin thất thiệt trên mạng xã hội, internet sẽ được Công an thành phố ghi nhận, theo dõi, từ đó có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn sớm, không để hậu quả xấu xảy ra”, Thượng tá Phạm Tùng Vân nói.

Đại tá Trần Văn Thuận, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, thời gian tới, đơn vị tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực công nghệ. Trong đó, tập trung trao đổi thông tin tội phạm, nâng cao hiệu quả hoạt động tương trợ tư pháp, kịp thời giải quyết các yêu cầu phát hiện, xác minh, điều tra tội phạm.

Công an thành phố Hà Nội cũng khuyến cáo người dân chủ động nâng cao kiến thức, nhận thức cho bản thân và gia đình, tuyệt đối không làm theo các thông tin, yêu cầu được chia sẻ, liên hệ qua mạng xã hội, internet. Ngoài ra, người dân nên hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân của mình và gia đình trên internet. Nếu gặp trường hợp nghi vấn lừa đảo, người dân cần tìm cách ghi lại thông tin của các đối tượng như số điện thoại, số tài khoản ngân hàng… và thông báo, cung cấp ngay cho cơ quan công an để điều tra, làm rõ. Luôn nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa vẫn là giải pháp căn bản nhất để đối phó với các loại tội phạm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tội phạm trên mạng xã hội, internet: Nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.