Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hành trình Lý Hải Châu

Lê Văn Ba| 02/02/2013 08:31

(HNM)- Lý Hải Châu là một chiến sỹ cách mạng, năm nay 87 tuổi đời, 63 năm tuổi Đảng, hiện đang sống ở phường Bùi Thị Xuân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Năm 1952, ông bị thực dân Pháp kết án tử hình.

Anh Lý Hải Châu và tôi là người cùng phố. Nhà anh bên số lẻ, tôi bên chẵn, cách nhau một ngã tư không rộng lắm. Hai chúng tôi còn là bạn đồng nghiệp (nhà báo, nhà văn) và bạn tù (tù Hỏa Lò, tù Côn Đảo) trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp 1947-1954. Anh Châu là bậc đàn anh, hơn tuổi, hơn thâm niên trong tù, "cấp bậc" càng hơn rất nhiều vì anh là tù tử hình. Anh Châu người mảnh, gầy, ít nói lắm. Đúng cốt cách người trí thức, đúng "bệnh" nghề nghiệp công an, tình báo.

Lý Hải Châu quê huyện Thường Tín, ngày còn nhỏ được bố mẹ cho ra Hà Nội học ở Trường Thăng Long. Đây là ngôi trường tư thục nổi tiếng vì có những người thầy nổi tiếng giảng dạy. Châu rất ham học, chịu khó đọc thêm nhiều sách tiếng Pháp, tiếng Anh. Trong gia đình có người cậu rất quan tâm đến Châu. Một hôm, ông cậu hỏi: - Học để làm gì? Châu trả lời:

- Học để ra làm quan. Người cậu "Xì" một tiếng: - Thế thì mày hèn quá! Châu cãi lại ngay: - Có làm quan thì mới bênh vực được cho người nhà, cho những người nghèo khổ chứ! Ông cậu nhìn Châu: - Muốn cứu vớt người nghèo khổ thì phải đi tìm con đường khác, cháu ạ.

Suốt đời, Lý Hải Châu không bao giờ quên câu nói ấy. Giọng nói nhẹ nhàng, kín đáo mà chắc nịch từng từ in sâu vào tim óc người nghe. Tên ông cậu là Phạm Ngọc Uẩn.

Năm 17 tuổi, mẹ chết, gia đình lâm cảnh túng bấn, Lý Hải Châu đành bỏ dở việc học ban tú tài. Sau mấy tháng lang thang ở Hà Nội, nghe nói ở Sài Gòn dễ kiếm việc hơn, anh cùng một người bạn lên tàu hỏa đi tìm vận may.

- Mình đi rạc cẳng mà chẳng nơi nào nhận... - Lý Hải Châu kể: - Nghe đâu có thông báo tìm người, vội đến nộp đơn. Dậy từ mờ đất, đi thật nhanh, cứ tưởng mình đến sớm nhất, ai dè tới nơi đã thấy cả trăm người xếp hàng trước!

Hôm ấy, anh liều vào một hãng tàu biển để xin việc. Chủ sự (Trưởng phòng Tổ chức hành chính) hãng mà Châu nhớ rất rõ tên Nguyễn Văn Hanh, người Nam bộ, hỏi chuyện, thấy anh thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh bèn nói với chủ hãng, người Nhật Bản, nhận anh vào làm, nhưng không được ở Sài Gòn mà phải về Bình Xuyên, nơi có hai xưởng đóng tàu.

Làm ở đây, tuy Lý Hải Châu ít tuổi nhưng "nhiều chữ nghĩa", tính nết khiêm tốn, chan hòa nên rất được kính nể. Mọi người gọi Châu là "Thầy Năm Bắc kỳ"; và thầy Năm mặc nhiên trở thành người của Bình Xuyên, Cao Đài. Xưởng đóng tàu có đội bảo vệ đông 50 người đều dân Bình Xuyên. Còn thợ đóng tàu người lục tỉnh nhưng đa số là dân Tây Ninh, theo đạo Cao Đài. Vùng Bình Xuyên lúc đó giống như một lãnh địa "Lương Sơn Bạc" với những con người nổi tiếng anh hùng hảo hán. Ấy vậy mà việc này lại tạo điều kiện cho Lý Hải Châu thâm nhập quần chúng và dễ dàng len lỏi vào giới chức sắc. Bởi anh đã được Mười Ơn, tức Sáu Hoa, Thành ủy viên Sài Gòn-Chợ Lớn đang giấu mình trong đội bảo vệ Bình Xuyên giác ngộ, kết nạp anh vào Việt Minh.

Thời kỳ đầu, Châu tham gia Chi bộ Việt Minh Đa Kao. Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng quay lại hòng tái chiếm Việt Nam. Nam bộ vùng lên kháng chiến, anh được điều lên Ban Tuyên truyền Thủ Dầu Một, làm Báo Giải phóng. Những năm 1946-1947, Lý Hải Châu được đào tạo, trở thành Trưởng phòng Trinh sát (sau đổi là Ban Điệp báo). Anh lặng lẽ xây dựng một mạng lưới tình báo nằm ngay trong bộ máy chỉ huy của địch. Anh được cấp trên (Pháp, ngụy) tin dùng và đồng sự quý mến. Đặc biệt, con người anh toát ra phong cách nhã nhặn, tấm lòng đôn hậu, bên cạnh đó là sự hiểu biết, sáng suốt của một người còn trẻ mà đã từng trải. Với đồng chí, đồng đội thì trước khó khăn, anh luôn tỏ ra vững vàng, tin tưởng.

Khi quân Pháp càn lên Thủ Dầu Một đã dồn dân vào suối Giữa, bắn chết một lúc 92 thanh niên. Đây là cuộc tàn sát đầu tiên và đẫm máu nhất thời đó. Lý Hải Châu thoát chết nhưng một người đồng chí là Tám Thủ Dầu Một cứ thương nhớ mấy ngày liền mò mẫm bới tìm xác anh, thắp hương cầu khấn cho linh hồn anh siêu thoát. Chính nhờ những người đồng chí thân thương giúp đỡ mà ngay trong lần đầu bị quân Pháp bắt, Lý Hải Châu đã thoát khỏi khám lớn Sài Gòn một cách suôn sẻ.

Lý Hải Châu đã gây cho đối phương những thiệt hại to lớn. Hẳn là nhiều vụ nguy hiểm, bất ngờ, táo bạo, nhiều ngày căng thẳng muốn đứt dây thần kinh… Nhưng tôi chỉ có thể biết được những việc làm âm thầm, lặng lẽ của anh qua mươi dòng dưới đây trong một đoạn trích từ cuốn Lịch sử Công an nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (NXB CAND-1995, trang 141-142): "Ở Ty Công an Sài Gòn - Chợ Lớn, cùng với việc tăng cường bộ phận điệp báo của đồng chí Lý Hải Châu từ Phòng Mật vụ Nam bộ sang, mạng lưới trinh sát được củng cố và phát triển mạnh. Dưới danh nghĩa một nhân sĩ Cao Đài, một nhà báo (Lý Hải Châu phụ trách hai tờ Duy Tân và Điện báo của Cao Đài) anh xâm nhập và làm việc ngay tại văn phòng liên lạc Bộ Tổng tham mưu quân đội Cao Đài đóng tại 145 đường La Grandière (nay là đường Lý Tự Trọng). Anh đã sử dụng lợi thế của Cao Đài để hoạt động hợp pháp, dễ dàng ra vào các cơ quan đầu não của Pháp và ngụy quyền, tiếp cận với nhiều chính giới, đồng thời bí mật cài người vào trong các tổ chức của địch và tay sai. Nhiều tài liệu do anh cung cấp có giá trị chiến lược".

Lý Hải Châu "có giá" như thế nên bắt được anh, kẻ thù tìm mọi cách mua chuộc, tra tấn dã man nhưng cuối cùng biết không thể khuất phục được con người cứng rắn này mà để vụ việc vỡ lở thì chẳng đẹp đẽ gì, chính quyền Pháp và tay sai nhanh chóng lập phiên tòa tuyên án tử hình Lý Hải Châu.

Nói thêm về màng lưới điệp báo của Lý Hải Châu, những đồng chí trung kiên, tài giỏi và lặng lẽ, khiêm tốn. Đó là người đẹp Thu Trang, một nữ sinh, hoa hậu đầu tiên của Sài Gòn hoa lệ năm 1955, được báo giới tôn vinh là "hoa hậu Việt Minh". Đó là anh Lý An Hải, bí danh Nguyễn Văn Đáng, nguyên là con một giám thị nhà lao Cần Thơ, rất giỏi tiếng Pháp. Hải và anh Châu quen biết nhau từ văn phòng thông tin liên lạc Cao Đài. Sau khi kết nạp Hải, tổ chức "cắm" anh vào Phủ Cao ủy Pháp ở Đông Dương, cơ quan chính trị đầu não của địch. Trong những năm đó, anh là người Việt Nam duy nhất làm việc ở cơ quan tối thượng này. Tại văn phòng tổng hợp của Phủ Cao ủy, hầu như mọi công văn, chỉ thị đều qua tay anh rồi lọt vào túi xách của một "vũ nữ" - một mắt xích trong đường dây hoạt động ngầm của Lý Hải Châu.

Tôi được xem mấy tấm hình khi các chị, các anh còn trẻ. Hoạt động hai mang, công khai trong vỏ bọc trí thức, nhà báo Lý Hải Châu trong ảnh mặc comlê, thắt ca vát, đầu chải bóng mượt, đẹp trai, lịch lãm. Hoa hậu Thu Trang áo dài, nón lá che nghiêng, vẻ đẹp dịu dàng con gái gốc Bắc. Một tấm ảnh khác, Thu Trang tóc uốn, môi son, đẹp lộng lẫy, đôi mắt hút hồn. Còn anh Lý An Hải cắt tóc ngắn, trẻ trung, rắn rỏi. Nhớ về những người bạn cũ đã bên nhau sinh tử trên mặt trận thầm lặng mà sôi nổi oanh liệt một thời chưa xa, giọng anh Châu trầm trầm:

- Chính tôi đưa Lý An Hải vào đường dây điệp báo. Có người hỏi: Sao anh cả tin vậy? Tôi đáp: Tin chứ, tin ở con người, những chuyện anh ấy là con giám thị đề lao, nhà giàu, trí thức, theo đạo Cao Đài lại có em ruột là sỹ quan ngụy… Tôi biết, tổ chức biết cả. Nhưng với người đáng tin cậy thì cái lý lịch "có vấn đề" như vậy lại là vỏ bọc tốt chứ sao.

Lúc nghe tòa tuyên án tử hình, Châu "không xúc động lắm". Vì anh biết rõ những việc mình làm.
Một tháng sau có lệnh của Tổng thống Pháp đưa sang, giảm xuống chung thân. Lý Hải Châu bị đày ra Côn Đảo.

- Tử hình thì nó bắn ngay… - Anh Châu nói: - Ra Côn Đảo cũng vẫn trong danh sách quản lý đặc biệt (lưng áo in chữ CAM, tiếng Pháp, viết tắt, nghĩa là kết án tử hình). Người tù sẽ chết dần chết mòn trong địa ngục trần gian, hoặc bất cứ lúc nào, chẳng biết lý do vì sao, chúng nó đều có thể lôi mình ra bãi bắn.
-
Anh Châu đã một lần qua cửa tử như vậy.

Hôm ấy, có tin mật do anh em nhà giấy cung cấp: Ngày mai, chúng sẽ bắn 7 người, theo danh sách thì người xếp gần cuối là Lý Hải Châu. Trong banh (tiếng Pháp: bagne) tử hình, anh em tù nói với nhau: Quân đội Pháp lại thua to trên mặt trận nào đấy nên chúng nó trả thù! Hẳn là có một thằng tướng nào đó toi mạng?

Suốt đêm ấy, trại giam tù tử hình rền vang tiếng hát. Anh em hát hết bài này đến bài khác. Ai nhớ bài nào hát bài ấy, thuộc đoạn nào hát đoạn ấy. Đêm hát tiễn đưa các đồng chí ra pháp trường. Gần sáng thì mọi người nghỉ, dành ít phút cho những người sắp ra đi nhớ về cha mẹ, vợ con, bè bạn, làng quê…

Buổi sáng. Cửa ngục mở toang. Bậu sậu xếp đảo, lính Tây, cai ngục, những hiện thân của thần chết sầm sập tiến vào. Một cai giở sổ, gọi tên. Sau mỗi tên người là tiếng quát: - Ra! Lần lượt, từng người tù đứng dậy. Nét mặt thản nhiên, đưa mắt nhìn anh em đồng chí, gửi lời chào vĩnh biệt. Giọng người đọc vẫn như từng nhát búa đập chìm chìm trong bốn bức tường. Lý Hải Châu chờ đợi. Chờ đợi. Gần đến lượt mình. Sắp đến tên mình. Nhưng… ông cai gấp sổ, dừng lại. Và cả bọn sầm sầm kéo ra (Sau này, anh em tù dò hỏi vẫn không biết vì sao chúng nó chùn tay, dừng lại ở con số 5).

Với một người bình thường nào đó, sau một đêm thao thức chờ đợi đến giờ khắc mình lìa cõi sống, có thể bạc nửa mái đầu rồi lại đứng tim khi mình thoát chết thì bạc nốt nửa mái đầu còn lại. Nhưng với Lý Hải Châu, anh vẫn vững vàng. Anh nhớ lời người cậu dạy hôm nào. Con đường ấy, anh đang đi, dù biết chắc có phải tù đầy, hy sinh tính mạng.

Những ngày còn lại trên Côn Đảo, Lý Hải Châu vẫn sẵn sàng chờ đến một ngày ra bãi bắn. Lạc quan, giữ vững niềm tin ở ngày mai tươi sáng của dân tộc.

(Còn tiếp)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hành trình Lý Hải Châu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.