Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần trả lại tên cho một di tích lịch sử

Nguyễn Năng Lực| 06/05/2013 06:47

(HNM) - Trung tuần tháng Tư, tôi tìm đến nhà Đại tá Vũ Nam Bình để hầu chuyện về những ngày ông cùng đồng đội chiến đấu trong lòng địch.

Dắt xe theo con ngõ dẫn vào khu tập thể 16A, hỏi thăm bà chủ phản thịt gốc cây, tôi được chị niềm nở: "Nhà bác Nam Bình cuối sân, bác cứ đi nữa đi".

Trại Davis trước năm 1973. Ảnh tư liệu



Dù đã ngoại bát tuần nhưng nom Đại tá Vũ Nam Bình (tức Nguyễn Khả) vẫn khá nhanh nhẹn. Khách chưa đánh tiếng ông đã đon đả ra đón. Tiếp tôi trong căn nhà ngang cấp 4 khá rộng rãi, có lẽ ngày xưa là nơi ở của người ăn kẻ làm cho chủ biệt thự, ông khoe: "Nhà tôi có ba đại tá, tôi với hai anh con rể". Là Trưởng ban liên lạc Cựu chiến binh Trại Davis khu vực phía Bắc, ông lưu giữ được khá nhiều tài liệu, ảnh, hiện vật về 823 ngày đêm hoạt động trên mặt trận ngoại giao quân sự giữa sào huyệt quân thù. Điều day dứt của ông và các cựu chiến binh Trại Davis năm xưa là cho đến nay, căn cứ cách mạng giữa lòng địch đang bị lãng quên.

Trại Davis là trụ sở của Ban Liên hợp Quân sự 4 bên trung ương trong giai đoạn 60 ngày và sau đó là trụ sở Ban Liên hợp quân sự 2 bên trung ương, đồng thời là trụ sở, nơi đóng quân của hai phái đoàn quân sự ta từ ngày 28-1-1973 đến ngày 30-4-1975. Nơi đây nguyên là một trại lính của quân đội Mỹ, nằm gần sát phía tây nam sân bay Tân Sơn Nhất, nay thuộc phường 4, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, được đặt theo tên James Thomas Davis, một người lính thuộc Tổ viễn thám số 3 (3rd Radio Research-RR) Lục quân Mỹ, bị Quân Giải phóng tiêu diệt ngày 22-12-1961. Ngày 10-1-1962, đồng đội của J.T. Davis lấy tên anh ta đặt cho doanh trại nơi họ đóng quân, đồng thời lập cho Davis một cái nhà tưởng niệm (miếu thờ) nhỏ kiểu Công giáo trong doanh trại.

Với sự hiện diện của hai phái đoàn quân sự ta, cái tên Trại Davis gắn liền với Hiệp định Paris, với Ngày toàn thắng 30-4. Lần đầu tiên trong lịch sử, một lực lượng cách mạng tồn tại công khai, hợp pháp ngay giữa trung tâm đầu não của kẻ thù. Suốt 823 ngày đêm, từ ngày 28-3-1973 đến 30-4-1975, cán bộ, chiến sỹ hai đoàn ta đã mưu trí, dũng cảm đấu tranh, buộc đối phương phải nghiêm chỉnh thi hành các điều khoản của Hiệp định Paris, rút hết quân Mỹ và chư hầu về nước, tạo điều kiện cho quân và dân ta tiến tới thắng lợi hoàn toàn, thực hiện trọn vẹn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào", giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 9h30 sáng ngày 30-4-1975 lịch sử, lá cờ giải phóng đã được cán bộ, chiến sỹ Trại Davis kéo lên trên đỉnh cao trong sân bay Tân Sơn Nhất, góp phần khích lệ bộ đội ta chiến đấu, làm kẻ thù thêm hoảng sợ, tan rã.

Do những thành tích đặc biệt xuất sắc, đóng góp to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tháng 11-2011, Chủ tịch nước đã ký quyết định tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho hai đoàn đại biểu quân sự của ta trong Ban Liên hợp quân sự bốn bên và hai bên. Ngày 20-4-2012, lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng đã được tổ chức trọng thể tại Hội trường Bộ Quốc phòng.

Sau ngày Sài Gòn giải phóng, Trại Davis được giao cho Ủy ban Quân quản thành phố quản lý, sau đó thuộc quyền quản lý của Quân chủng Phòng không - Không quân. Bây giờ Trại Davis ra sao?

Nhiều nhân chứng cho biết, Trại Davis lừng danh một thời, làm cho Mỹ - ngụy điên đầu, 77 hãng thông tấn trên thế giới ngày nào cũng đưa tin… giờ đây đã bị lãng quên. Toàn bộ khu vực trại đã bị san thành bình địa, chia lô cho thuê làm sân bóng đá, sân chơi tennis. Chứng cứ duy nhất còn sót lại, trớ trêu thay lại là cái miếu thờ viên hạ sỹ tình báo Mỹ nằm giữa khu vực sân tennis, đã được tôn tạo cẩn thận. Rõ ràng đây là một sự bội bạc của hiện tại với quá khứ hào hùng. Những người đã làm cho Trại Davis trở thành một cứ điểm quân sự huyền thoại độc nhất vô nhị trên thế giới còn đây, nhưng Trại Davis đâu rồi?

Từ sau ngày giải phóng, nhất là từ đầu những năm 2000 đến nay, các cựu chiến binh Trại Davis cùng nhiều cơ quan chức năng đã bắt đầu hành trình đề nghị công nhận địa điểm Trại Davis là Di tích lịch sử - cách mạng. Đầu năm 2003, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, nguyên Trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã gửi thư cho Bộ Quốc phòng, đề nghị công nhận Trại Davis là di tích lịch sử cách mạng.

Ngày 5-3-2003, Bộ Quốc phòng có Công văn số 685/BQP do Trung tướng Thứ trưởng Nguyễn Văn Được ký, gửi UBND TP Hồ Chí Minh, nói rõ: "Tại Thông tư số 1083/TTVH-BQP ngày 16-12-1986, liên bộ Văn hóa - Thể thao và Bộ Quốc phòng đã xác định: Trại Davis, trụ sở của hai phái đoàn quân sự Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam nằm trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, là một trong những điểm tiêu biểu của Khu Di tích Chiến dịch Hồ Chí Minh…Trại Davis là chứng cứ lịch sử, ở đó đã chứng kiến quá trình đấu tranh kiên cường của cán bộ, chiến sỹ ta, thể hiện ý chí Việt Nam, tính độc đáo về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng và hoạt động ngoại giao quân sự của ta trong quá trình đấu tranh buộc địch thi hành Hiệp định Paris. Vì vậy, Trại Davis xứng đáng là một địa danh lịch sử". Công văn cũng nói rõ: "Năm 1990, Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh (Bảo tàng Quân khu 7) cùng với Bảo tàng Quân đội đã biên tập nội dung hồ sơ di tích Trại Davis và bàn giao cho Sở Văn hóa - Thông tin thành phố Hồ Chí Minh".

Đại tá Vũ Nam Bình cho biết, Trại Davis hội đủ 5 yếu tố cơ bản để xứng đáng là Di tích lịch sử cách mạng: Đây là vùng đất giải phóng đầu tiên được chính thức và công khai đặt dưới quyền kiểm soát của cách mạng, là vùng lãnh thổ bất khả xâm phạm của cách mạng giữa trung tâm đầu não của đối phương cho đến ngày toàn thắng. Đây là trung tâm đấu tranh chính trị - ngoại giao - quân sự - dư luận, là Tổng hành dinh của hai đoàn đại biểu quân sự ta, nơi trực tiếp chỉ đạo và điều hành các hoạt động liên hợp quân sự trên toàn lãnh thổ miền Nam Việt Nam, buộc địch thi hành các điều khoản về quân sự của Hiệp định Paris. Đây là nơi hai đoàn đại biểu quân sự ta giương cao ngọn cờ chiến thắng của cách mạng, ngọn cờ chính nghĩa của dân tộc, đề cao thiện chí hòa bình thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Paris của ta, trở thành trung tâm thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước và thế giới về tình hình miền Nam Việt Nam từ sau khi Hiệp định Paris được ký kết. Là nơi diễn ra cuộc đấu tranh thật sự căng thẳng và quyết liệt trên bàn hội nghị liên hợp quân sự bốn bên và hai bên cùng những hoạt động liên hợp quân sự, gắn kết rất chặt chẽ với cuộc đấu tranh cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta để thực hiện Hiệp định Paris, phối hợp và hỗ trợ có hiệu quả cuộc chiến đấu của quân ta trên chiến trường. Đây là nơi hai đoàn đại biểu quân sự ta đã đứng vững trên vị trí chiến đấu, thể hiện bản lĩnh, ý chí và trí tuệ Việt Nam; nắm vững tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh "dĩ bất biến ứng vạn biến", nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong đấu tranh ngoại giao quân sự.

Với những giá trị đặc biệt không thể phủ nhận của căn cứ Trại Davis, một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, của nghệ thuật đấu tranh quân sự ngoại giao độc đáo của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước gắn với Hiệp định Paris, cũng như địa danh Trung Giã gắn với Hiệp định Gèneve trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đã đến lúc cần thực hiện Thông tư liên bộ số 1083/TTVH-BQP và Công văn số 685/BQP. Hy vọng các cơ quan có trách nhiệm cần tiến hành ngay các thủ tục công nhận Trại Davis - Tân Sơn Nhất là Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần trả lại tên cho một di tích lịch sử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.