Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trọ ở Hà Nội xưa và nay

Nguyễn Ngọc Tiến| 03/08/2014 05:16

(HNM) - Nhà trọ ở Thăng Long có từ bao giờ là câu hỏi không dễ trả lời vì sử sách thường không chép về chuyện này. Tuy nhiên, cách hiện nay hơn hai thế kỷ, Thăng Long - Hà Nội đã đông đúc người ở trọ…


Sĩ tử là khách trọ đông nhất

Cuối thế kỷ XVIII, xung quanh Văn Miếu - Quốc Tử Giám có khá nhiều trường học. Sở dĩ khu vực này nhiều trường học vì Văn Miếu là nơi thờ Khổng Tử, còn Quốc Tử Giám, trường học lớn và uy tín bậc nhất thời đó, thường xuyên tổ chức các buổi bình văn, thuận tiện cho học trò đến nghe. Học trò các tỉnh về theo học rất đông, vì thế dân các làng: Ngự Sử, Lương Sử (nay là ngõ Lương Sử A, phố Quốc Tử Giám), Tả Biên Giám (nay thuộc phố Văn Miếu), làng Cổ Thành (nay là phố Phan Phù Tiên)… đã mở nhà trọ cho học trò thuê. Họ dựng các dãy nhà lá, chia thành từng gian nhỏ, mỗi dãy có vại nước mưa để uống và đun nước pha chè; tắm rửa thì khách trọ phải ra ao làng.

Khu vực phố cổ xưa có rất nhiều nhà trọ cho sĩ tử thập phương về kinh theo học và dự thi.


Những năm triều đình mở khoa thi thì sĩ tử thập phương đến trọ đông gấp bội. Có trò mang gạo củi tự nấu nướng (vì thế có câu "cơm niêu nước lọ"), trò con nhà khá giả thì ăn cơm hàng. Để phục vụ cho loại học trò này, các bà, các cô có nghề bán cơm ở làng Tương Mai đến Tả Biên Giám thuê nhà mở quán bán cơm nên dân Thăng Long gọi là phố Hàng Cơm (nay là đoạn cuối phố Văn Miếu).

Sau khi Nguyễn Ánh đánh bại quân Tây Sơn và lên ngôi năm 1802, lấy niên hiệu là Gia Long, cho chuyển kinh đô vào Huế thì Văn Miếu chỉ còn là Văn Miếu của Bắc thành rồi của Hà Nội. Quốc Tử Giám trở thành học đường của phủ Hoài Đức (tỉnh Hà Nội) thì các trường học quanh khu vực này thưa dần. Các ông nghè, ông cử sang khu vực gần Hồ Gươm, gần trường thi Hương (nay là Thư viện Quốc gia) mở trường. Nổi tiếng nhất là trường Hồ Đình, vì trường nằm trên đất thôn Tự Tháp nên dân chúng gọi là trường ông nghè Tự Tháp. Trường nằm ở phía tây Hồ Gươm do tiến sĩ Vũ Tông Phan sáng lập. Cách trường Tự Tháp không xa là trường Phương Đình của Phó bảng Nguyễn Văn Siêu, học quán Thận Tư của cử nhân Trần Văn Vi. Ngược lên phía bắc một chút có trường của Hy Vĩnh Lê Duy Trung, Mẫn Hiên Cao Bá Quát. Đời vua Tự Đức có trường Vũ Thạch (số 7 Tràng Thi) của Nguyễn Huy Đức, trường Kim Cổ (đầu phố Hàng Gai) của Ngô Văn Đạng. Đầu thế kỷ XX là trường Đông Kinh nghĩa thục ở phố Hàng Đào của cử nhân Lương Văn Can và các bạn của ông. Hiệu trưởng các trường danh tiếng ấy đều là bạn bè, hoặc học trò của ông nghè Vũ Tông Phan. Học trò Hà Nội và các tỉnh theo học đông vô kể, trò thuê nhà trọ gần trường cho tiện học hành. Những năm triều đình mở khoa thi sĩ tử về trọ càng đông vui. Nhiều nhà ở phố Hàng Bè, Cầu Gỗ, Hàng Dầu… dành diện tích cho thuê trọ và nhận nấu ăn luôn. Trong cuốn "Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX", Nguyễn Văn Uẩn viết: "Trước các kỳ thi Hương, trò ra đền Ngọc Sơn cầu khấn, đông đến mức ngày nào cũng gây ùn tắc trong đền". Còn cuốn "Chuyện cũ bên dòng sông Tô" của Nguyễn Công Chí, tác giả viết: "Để bồi dưỡng trò học thi, một bà bán hàng ăn ở Hàng Buồm đã nghĩ ra và làm món cháo tim cật. Tối tối trò đến ăn lấy sức học đêm". Và không ít trò đã nên duyên với con gái chủ trọ.

Bên cạnh học trò, người các tỉnh ra Hà Nội làm thợ cho các phố nghề thuê trọ cũng khá đông, ví dụ như dân làng Liễu Chàng (Hải Dương) làm nghề in mộc bản cho các nhà sách ở Hàng Gai trọ quanh phố Tô Tịch, Hàng Mành.

Ngành kinh doanh phát đạt

Ngay sau khi chiếm trọn Hà Nội năm 1883, người Pháp đã quy hoạch lại thành phố. Các công trình mọc lên khắp nơi thu hút số lượng lớn lao động nhập cư về Hà Nội. Hàng nghìn lao động xây cầu Long Biên thuê nhà dân ở hai bên sông Hồng. Chủ trọ cũng kiếm thêm nhờ nấu cơm bữa cho phu thợ.

Thành phố mở mang, cuộc sống thay đổi, nhu cầu nảy sinh đã thu hút rất đông nông dân đến đô thị kiếm sống. Họ làm nghề kéo xe tay, buôn bán lặt vặt, lao động giản đơn… Vì thu nhập thấp nên họ chỉ dám thuê trọ ở các xóm ven sông, xa trung tâm dễ phát sinh nhiều vấn đề xã hội. Nhiều anh phu có vợ con ở quê chung chạ với các cô buôn bán nhỏ. Các thầy ký làm cho hãng buôn thuê nhà cho người tình ở. Trong "Cơm thầy cơm cô", nhà văn Vũ Trọng Phụng đã kể quán cơm ở phố Hàng Chiếu, vừa bán cơm vừa cho thuê ở trọ. Kẻ trọ trả 1 xu 1 đêm và mùa đông lạnh lẽo cũng chỉ có tấm chiếu và cái gối gỗ nhẵn bóng mồ hôi. Phố Tạ Hiện có hàng trăm người trú ngụ trong mấy dãy nhà xập xệ hôi hám. Nắng nhìn thấy trời, mưa giột nhưng cuối tháng chủ nhà đến thu tiền còn mặc đám trọ phàn nàn.

Nhà trọ bẩn thỉu đã thành đề tài luận văn bác sĩ năm 1938 của sinh viên Nguyễn Văn Tuyên (Những căn hộ mất vệ sinh ở Hà Nội - Les logements insalubres à Hanoi). Xóm Hàng Khoai ở phố Hàng Khoai có 1 căn nhà được chia thành 40 gian, mỗi gian rộng 15m2, chứa hơn 300 người nhưng chỉ có 2 khu bếp nấu chung, 5 nhà tiêu và 1 nhà tắm. Còn số 6 phố Đinh Liệt vốn là kho chứa hàng rộng 450m2, họ đã ngăn thành từng gian cho gần 200 người lớn bé thuê. Từng ấy con người mà chỉ có 2 nhà tiêu sơ sài. Anh thợ mộc với những tấm ván và đồ nghề, thợ giày đang sửa những đôi giày bẩn và cong queo. Chị hàng phở đang rửa bát, cạnh đó anh cu li đang ngáy pho pho trên tấm phản bụi bậm; bọn nghiện hút mặt vàng võ nằm dài bên bàn đèn; chị thợ giặt đang cong lưng với thùng quần áo đầy bọt xà phòng… Tất cả là dân tứ chiếng.

Kinh doanh nhà trọ trở thành nghề làm ăn phát đạt trong thập niên 30, 40 thế kỷ XX. Nông dân các tỉnh tràn về đô thị tìm việc làm kiếm tiền ở Hà Nội. Khi ấy nhiều người ngủ vạ vật ngoài đường bị cảnh sát tạm giữ nên họ buộc phải thuê trọ. Sáng sớm súc qua cái miệng họ vội lao đến đoạn gần Ô Quan Chưởng đứng trên vỉa hè chờ ai cần người làm chỉ mặt là đi theo. Tối về lại chui vào nhà trọ, hút điếu thuốc lào rồi để cả đôi bàn chân lấm lem lên phản ngủ. Ai dư rả thì làm xu rượu chẹp chẹp cái miệng đi nằm. Để phản ánh sự khốn khổ của đám phu xe, nhà báo Tam Lang đã nhập vai bằng cách thuê xe, thuê trọ cùng với họ. Phóng sự "Tôi kéo xe" ngày ấy gây chấn động cả Bắc Kỳ.

Theo báo cáo thuế của Tòa đốc lý Hà Nội năm 1939, số tiền thu thuế nhà trọ chiếm 10% tổng số thu ngân sách toàn thành phố. Điều đó nói lên ngành kinh doanh này rất phát đạt.

Ở trọ ngày nay

Sau 1954, chế độ mới buộc nhiều người làm nghề tự do và buôn bán vặt về quê vì họ đã được chia ruộng. Rồi các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp do Nhà nước quản lý ra đời. Sinh viên không còn phải ở trọ như thời phong kiến và Pháp thuộc. Họ được vào ở trong các ký túc xá, ăn cơm tập thể và hằng tháng có học bổng. Nghề kinh doanh nhà trọ gần như không còn, quanh bến xe Kim Liên, Kim Mã hay Bến Nứa còn vài nhà được cấp giấy phép hoạt động. Công an cho người lỡ tàu xe ngủ ngay trong bến.

Khi Nhà nước thực hiện đổi mới cơ chế năm 1986, tư nhân được phép mở công ty, doanh nghiệp, kinh tế đất nước chuyển biến, cuộc sống đơn điệu, thiếu thốn ở Hà Nội dần thay bằng những mảng màu sáng. Đầu những năm 1990, người nhập cư ào ào trở lại Hà Nội. Họ làm cho các công ty tư nhân, bán hàng rong sau khi xong công việc đồng áng, làm công nhân cho các công trình xây dựng. Và các xóm trọ, khu trọ xuất hiện. Các trường đại học, cao đẳng được phép tuyển sinh rộng rãi, ký túc xá không đủ chỗ nên rất nhiều sinh viên thuê trọ. Hàng loạt các phường trọ, làng trọ ra đời, nhất là các vùng ven nội đô cũ. Chẳng chủ nhà nào phàn nàn đạo đức xã hội xuống cấp khi trai gái không phải vợ chồng chung sống với nhau miễn họ trả tiền thuê đầy đủ. Thật khó có con số thống kê chính xác diện tích cho thuê trọ và số người thuê trọ ở Hà Nội hiện là bao nhiêu. Chỉ biết rằng cho thuê trọ trở thành ngành kinh doanh có thu nhập tốt trong thời buổi hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trọ ở Hà Nội xưa và nay

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.