Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghị lực tuyệt vời của cô gái khiếm thị

An Tâm| 13/05/2016 07:54

(HNM) - Mang trong mình căn bệnh teo gai thị, Nguyễn Thị Mỹ Linh, học sinh lớp 10, Trường THPT Thăng Long (quận Hai Bà Trưng) đã vượt qua muôn vàn khó khăn, vươn lên khẳng định bản thân. Với những thành tích học tập ấn tượng, các giải thưởng công nghệ thông tin và thể thao đáng ngưỡng mộ, Mỹ Linh đã trở thành cô gái khuyết tật duy nhất được vinh danh trong 10 Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2015.

Nguyễn Thị Mỹ Linh vinh dự trở thành một trong 10 Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2015.


Đam mê học tập

Nghe kể về những thành tích đáng khâm phục của Mỹ Linh, chúng tôi tìm gặp em. Đến nơi, đã thấy em đứng đợi, đón khách ngay từ cổng nhà trọ, rồi chậm rãi quơ tay, đi len qua những bậc cầu thang chật hẹp dẫn khách lên phòng. Căn phòng gọn gàng, xinh xắn, thoang thoảng hương hoa tươi. Những bó hoa được Linh mang về từ buổi vinh danh. Linh bảo: Em thích giữ lại những kỷ niệm đẹp. Đó cũng là động lực để em tiếp tục phấn đấu trên con đường học tập của mình.

Khi còn học tại Trường Nguyễn Đình Chiểu, cô học trò nhỏ nhắn này được thầy cô và bạn bè trong trường yêu quý. Không chỉ học giỏi, Mỹ Linh còn là một MC duyên dáng, năng động của trường. Đứng trên sân khấu, Linh là một nữ MC tự tin, nhẹ nhàng và tinh tế. Ở lớp, Linh là một nữ sinh thông minh, chăm chỉ. Suốt 10 năm liền, Linh luôn là học sinh giỏi của Trường Nguyễn Đình Chiểu. Bước chân vào trường THPT, học cùng với các bạn có sức khỏe bình thường, Linh gặp không ít khó khăn nhưng em vẫn rất tự tin. Kết quả học tập vẫn duy trì tốt như những ngày học tại Trường Nguyễn Đình Chiểu.

Ngày mới lọt lòng, cô bé Nguyễn Thị Mỹ Linh cũng xinh xắn, khỏe mạnh như những đứa trẻ khác. Nhưng đến khi em 5 tuổi, bố mẹ đau đớn phát hiện ra cô con gái bé bỏng bị khối u não, buộc phải phẫu thuật. Sau những ngày ẵm con đi các bệnh viện, khối u đã biến mất, nhưng chứng teo gai thị - di chứng của nó vẫn đeo bám cuộc đời em. Linh sống những ngày thơ bé lầm lũi, quẩn quanh bên bố mẹ và anh trai. Đến năm 10 tuổi, được một người thân giới thiệu, Mỹ Linh mới bắt đầu rời làng Vĩnh Kỳ, Tân Hội, Đan Phượng, để đến với Trường Nguyễn Đình Chiểu. Đến trường, Linh được tiếp xúc với các bạn có cùng hoàn cảnh, những buồn tủi, tự ti cũng tan biến. Linh chia sẻ: "Ngôi trường này đã cho em cơ hội để học tập. Tất cả mọi người đều đối xử với em như những người thân trong gia đình nên em xem thầy cô như bố mẹ, bạn bè như anh em ruột thịt. Trường Nguyễn Đình Chiểu không chỉ dạy em kiến thức giáo khoa mà còn động viên, tạo động lực và nuôi dưỡng ước mơ của em". Những ngày học tập ở trường, em được các thầy cô đặc biệt quan tâm dạy dỗ. Buổi sáng, Linh theo học trên lớp, buổi chiều em lại được các anh chị sinh viên tình nguyện viên giúp ôn bài.

Năm 2015, bước chân vào Trường THPT Thăng Long, Mỹ Linh là một trong hai học sinh khuyết tật của trường. Ở đây, giáo viên ít có kinh nghiệm dạy học sinh khiếm thị nên việc học của em trở nên nặng nề và khó khăn hơn. "Mặc dù thầy cô rất nhiệt tình chỉ dạy nhưng em cũng phải chủ động và cố gắng rất nhiều mới có thể học tốt", Linh tâm sự. Chứng teo gai thị khiến Nguyễn Thị Mỹ Linh chỉ có thể nhìn rõ ở khoảng cách 0,5cm. Để có thể hiểu bài giảng và chép bài, Linh phải tập trung lắng nghe cao độ. Là một trường dành cho học sinh bình thường nên hệ thống sách giáo khoa chữ nổi của Linh không đủ. Em thường phải chép bài của bạn bên cạnh, hỏi thêm thầy cô để tiếp thu bài.Với Mỹ Linh, học tập là ưu tiên số một, học là phải hiểu chi tiết, hiểu tường tận. "Em không quen với kiểu học vẹt, học qua loa. Cái gì không hiểu em phải hỏi thầy cô cho hiểu bằng được. Nếu chưa hỏi được thầy cô, em lại về Trường Nguyễn Đình Chiểu nhờ các anh chị sinh viên tình nguyện của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chỉ dạy thêm", Linh chia sẻ.

Vượt qua "thách thức"

Không chỉ được biết đến là một học sinh học giỏi, hiếu học, Mỹ Linh còn có năng khiếu tin học và cờ vua. Năm 2015, Mỹ Linh đón nhận những thành quả ngọt ngào sau bao nỗ lực, phấn đấu, rèn luyện. Em giành 1 HCV tại cuộc thi Thách thức công nghệ thông tin dành cho thanh thiếu niên khuyết tật toàn cầu; 1 HCB, 1 HCĐ cuộc thi Cờ vua khuyết tật toàn quốc do Hiệp hội Paralympic Việt Nam trao thưởng.

Nhắc đến cờ vua, Mỹ Linh tâm sự: "Hồi em 5 tuổi, thấy anh trai say sưa bên những nước cờ, em cũng cảm thấy thích thú. Anh dạy em tập chơi, càng chơi em càng ham. Về sau, khi học lớp 8 tại Trường Nguyễn Đình Chiểu, nhà trường có mở lớp dạy cờ vua, em lập tức đăng ký học ngay. Thấy em chơi tốt nên các anh chị trong Hội Thể thao người khuyết tật Hà Nội đã cho em tham dự vào Đội tuyển cờ vua khuyết tật Hà Nội".

Những ngày tham dự các cuộc thi về tin học và cờ vua là những ngày Linh phải chạy đua với thời gian, nỗ lực hết mình để lập thành tích. Mỹ Linh cho biết: "Ngày 10-8-2015, em vừa trở về từ Đồng Nai, chưa kịp vui mừng vì giành được 1 HCB, 1 HCĐ cuộc thi Cờ vua khuyết tật toàn quốc thì đã nhận được thông báo lịch thi vòng loại cuộc thi Thách thức công nghệ thông tin dành cho thanh thiếu niên khuyết tật toàn cầu diễn ra vào giữa tháng 9-2015. Nếu vượt qua vòng loại, em sẽ là thí sinh khiếm thị duy nhất trong đoàn học sinh Việt Nam sang Indonesia tham dự cuộc thi. Mặc dù áp lực quá lớn, nhưng em thấy đây là cơ hội hiếm có để khẳng định bản thân nên quyết tâm làm hết sức mình".

Chỉ có hai tuần để ôn luyện, Linh đầu tư thời gian và tâm sức vào việc học. Tìm kiếm trên mạng những kỳ thi các năm trước, cô gái nhỏ lao vào tập hợp kiến thức, mày mò ôn luyện. Chỗ nào không hiểu, em lại nhờ các anh chị sinh viên giảng giải. Cứ như vậy, Linh dần dần làm chủ kiến thức và "ẵm" về tấm huy chương Vàng danh giá của cuộc thi.

Tháng 3 vừa qua, Nguyễn Thị Mỹ Linh lại giành giải Khuyến khích tại "Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm 2015-2016 khu vực phía Bắc" diễn ra tại Hải Phòng. Đề tài em dự thi gắn liền với người khiếm thị: "Thiết bị xác định vị trí đồ vật cho người khiếm thị". Là một cô gái nhạy cảm, giàu lòng trắc ẩn, Mỹ Linh cũng sớm bén duyên với việc viết lách. Năm 2012, em đã đạt giải Nhì cuộc thi viết kỷ niệm 40 năm Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, mang thêm niềm vui về cho thầy cô, gia đình và bạn bè.

Chia sẻ khi được vinh danh là một trong 10 Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu, Linh vui vẻ cho biết: "Em đã may mắn giành được nhiều giải thưởng lớn. Tuy nhiên, em nghĩ mình cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để xứng đáng với sự kỳ vọng của gia đình, thầy cô. Được vinh dự ghi danh trong chương trình 10 Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu là niềm hạnh phúc lớn nhất của em và cũng là động lực để em phấn đấu nhiều hơn nữa, đền đáp và đóng góp cho xã hội".

Đã quen cuộc sống tự lập, mỗi tháng, Mỹ Linh lại một mình bắt xe buýt từ nhà trọ về Đan Phượng thăm bố mẹ. Cô gái nhỏ dự định sẽ học thật tốt, thi đỗ vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để về lại Trường Nguyễn Đình Chiểu, đồng hành cùng các thầy cô tiếp tục nuôi dưỡng giấc mơ của những em học sinh có cùng hoàn cảnh với mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghị lực tuyệt vời của cô gái khiếm thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.