Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trạm quan trắc môi trường: Một phần của đời sống đô thị

Chí Kiên| 11/06/2016 07:50

(HNM) - Thông tin

Trạm quan trắc môi trường tự động tại 556 đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên).


Từ vấn đề ô nhiễm không khí...

Tham gia giao thông vào giờ cao điểm ở khu vực nội thành, mỗi người đều có thể cảm nhận rất rõ về chất lượng không khí. Dưới cái nắng hè oi bức, hàng trăm, hàng nghìn xe máy, ô tô đứng chôn chân ở những giao lộ nhả khói vào người tham gia giao thông, không khí càng ngột ngạt hơn trên các con phố đang được bê tông hóa. Chị Nguyễn Thu Huyền, ở đường Thanh Bình, phường Mộ Lao (quận Hà Đông) cho biết rằng, ngày nào chị cũng phải đối mặt với cảnh ùn tắc giao thông trên đường Tố Hữu. Khói bụi, tiếng ồn từ xe máy, ô tô và những công trình xây dựng ngay lề đường chẳng khác gì tra tấn người đi đường. Để chống chọi với khói bụi và nắng nóng, chị Huyền cũng như nhiều người Hà Nội phải trang bị khẩu trang, kính, áo choàng chùm kín từ đầu tới chân...

Tham gia "đầu độc" bầu không khí ở Hà Nội còn có xe tải chở vật liệu xây dựng quá tải, không được che chắn; các cơ sở sản xuất công nghiệp có công nghệ lạc hậu, làng nghề và việc đun đốt than trong hộ gia đình… Anh Phạm Văn Bắc, ở đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) đặt câu hỏi: Nhiều công trường xây dựng không được che chắn, vệ sinh cẩn thận, mỗi lần xe tải ra vào khói bụi mù mịt, người đi đường hít những thứ đó vào cơ thể, ai biết sẽ phát bệnh lúc nào? Nhiều người dân sinh sống ở những khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh như quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Hoàng Mai, Long Biên… có chung tâm trạng như vậy khi hằng ngày phải đi qua những cung đường có công trường xây dựng và hứng chịu bụi bẩn.

Số liệu quan trắc ô nhiễm không khí và độ ồn do giao thông tại 30 điểm nút giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố của Sở Tài nguyên - Môi trường thực hiện quý I-2016 cho thấy, nồng độ CO (có độc tính cao với sức khỏe con người) tại 6/30 điểm nút giao thông vượt từ 1,1 đến 1,3 lần và nồng độ NO2 tại 17/30 điểm nút giao thông vượt từ 1,1 đến 1,5 lần so với Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) 05:2013/BTNMT; nồng độ benzen tại tất cả 30 điểm nút giao thông vượt từ 1,1 đến 5,9 lần so với QCVN 06:2013/BTNMT, đặc biệt nồng độ benzen có tỷ lệ cao tập trung tại các bến xe. Về kết quả quan trắc bụi quý I-2016 tại 94 điểm quan trắc nồng độ bụi đều vượt từ 1,5 đến 6,1 lần so với QCVN 05:2013/BTNMT…

Nhận định về chất lượng không khí ở khu vực Hà Nội, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng: Môi trường không khí ở Hà Nội có 2 yếu tố đáng lo ngại nhất là ô nhiễm bụi nhỏ và hơi xăng dầu thải ra từ lượng phương tiện giao thông quá lớn và nhiều công trình đang xây dựng. "Ô nhiễm không khí khác với ô nhiễm nước, nó thay đổi nhanh theo thời gian và duy trì từ nơi này sang nơi khác theo chiều gió thổi hoặc có biến động theo thời tiết. Không khí ô nhiễm cũng không thể như nước bẩn thì xử lý, vi trùng, vi khuẩn đun nấu sẽ chết đi, vì vậy chỉ có bằng cách phát hiện ô nhiễm và giảm nguồn phát ra thì mới giảm được tác hại" - GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng phân tích.

...đến việc quan trắc môi trường

Nhận thức được tầm quan trọng của việc quan trắc môi trường không khí, từ năm 2002, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định 355/QĐ-UBND, phê duyệt quy hoạch mạng lưới quan trắc không khí cố định trên địa bàn thành phố đến năm 2020. Tuy nhiên, theo ông Mai Trọng Thái, Chi Cục trưởng Chi cục Môi trường (Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội), các chương trình quan trắc hiện nay chủ yếu thực hiện bằng phương pháp thủ công, tần suất quan trắc thường từ 2 đến 6 lần/năm.

Thực tế cho thấy, phương pháp quan trắc như trên chỉ đáp ứng yêu cầu cụ thể tại từng thời điểm khác nhau của môi trường không khí xung quanh. Đặc điểm của môi trường không khí là biến động liên tục theo thời gian, không gian, mỗi thời điểm quan trắc sẽ cho số liệu khác nhau. Vì vậy để đánh giá, theo dõi, cập nhật liên tục diễn biến chất lượng môi trường không khí xung quanh đòi hỏi phải quan trắc bằng các TQT cố định tự động liên tục. Theo ông Mai Trọng Thái, trước đây Sở Tài nguyên - Môi trường đã tiếp nhận 2 TQT môi trường tự động từ Sở Khoa học - Công nghệ Hà Nội đặt tại số 334 Nguyễn Trãi và 36A Phạm Văn Đồng, tuy nhiên từ năm 2013 trở lại đây trạm đã dừng hoạt động vì hư hỏng, chưa có thiết bị thay thế.

Đứng trước yêu cầu cấp bách về việc quản lý chất lượng môi trường không khí, UBND TP Hà Nội sẽ ban hành kế hoạch chống ồn, bụi với nhiều mục tiêu ngăn ngừa, kiểm soát, xử lý, giảm phát sinh các nguồn gây ô nhiễm không khí, đồng thời đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật về môi trường nhằm tiếp tục cải thiện chất lượng môi trường sống của người dân hướng tới phát triển bền vững. Trong đó thành phố sẽ ưu tiên đầu tư hoàn thiện hệ thống TQT môi trường không khí, đặc biệt là hệ thống TQT không khí tự động cố định theo quy hoạch đã được phê duyệt. Gần đây nhất, ngày 8-4-2016, UBND TP Hà Nội và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam đã ký kết Bản ghi nhớ về "Hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ môi trường" với việc thực hiện Dự án lắp đặt các TQT quản lý chất lượng môi trường không khí trên địa bàn. Mục tiêu của dự án là hợp tác trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc lắp đặt hệ thống TQT để tăng cường năng lực quan trắc tự động môi trường không khí.

Ông Mai Trọng Thái cho biết thêm, tổ công tác liên ngành đã rà soát theo quy hoạch mạng lưới quan trắc không khí cố định trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và lựa chọn được 20 điểm theo quy hoạch, dựa trên thực tế phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô như các điểm giao lộ Pháp Vân - Cầu Giẽ, Thái Hà - Chùa Bộc, Cầu Giấy; Khu đô thị mới Mỹ Đình; khu tập thể Kim Liên, Thành Công; Bệnh viện Bạch Mai; đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông... Việc lắp đặt cũng thực hiện ở độ cao cốt 400 trên núi Ba Vì và khu vực Hương Sơn (Mỹ Đức) để thu nhận số liệu không khí sạch, làm nền để so sánh với khu vực nội thành.

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội, Dự án quản lý chất lượng không khí sau khi hoàn thành sẽ cung cấp cho TP Hà Nội hệ thống mạng lưới quan trắc không khí tự động, bảo đảm yêu cầu quan trắc các chỉ tiêu, thông số ô nhiễm không khí phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường không khí tại Việt Nam. Dữ liệu kết quả quan trắc được tổng hợp bằng hệ thống phần mềm quản lý chất lượng môi trường không khí, xây dựng mô hình diễn biến chất lượng không khí, cảnh báo mức độ ô nhiễm không khí, phục vụ công tác quản lý nhà nước về môi trường, kịp thời đưa ra các giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trạm quan trắc môi trường: Một phần của đời sống đô thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.