Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mưu sinh dưới tán rừng ngập mặn Cần Giờ

Hà Phạm - Đại Trí| 23/07/2018 06:05

(HNM) - Chỉ cách trung tâm TP Hồ Chí Minh sầm uất chừng 30km, ít ai ngờ, dưới tán những cánh rừng ngập mặn ở các xã Tam Thôn Hiệp, Lý Nhơn, An Thới Đông… (huyện Cần Giờ) có hàng trăm người dân ngày ngày mưu sinh bằng nghề

Anh Nguyễn Văn Thịnh chèo ghe đi đặt ngư cụ khi nước triều xuống.


Đi "săn" giữa hai đợt thủy triều

Từ khu đô thị sang trọng Phú Mỹ Hưng (quận 7), chúng tôi chỉ mất chừng hơn 30 phút chạy xe máy, rồi di chuyển trên những chiếc phà nối từ huyện Nhà Bè sang huyện Cần Giờ. Hiện nay, tuyến đường Rừng Sác dài khoảng 40km dẫn đến Chiến khu Rừng Sác huyền thoại một thời trong kháng chiến chống Mỹ chạy dọc vùng bán đảo này đã được xây dựng hoàn chỉnh, khá khang trang. Tuy nhiên, ngay ven đường vẫn là những cánh rừng ngập mặn xanh ngút ngàn. Chúng tôi xuống xe tại cầu An Nghĩa nằm trên đường Rừng Sác bắc qua rạch Ông Dĩa, một nhánh của sông Lòng Tàu. Từ đây, cả nhóm lên một chiếc ghe gỗ ngược về phía sông Soài Rạp, tiến sâu vào những cánh rừng ngập mặn, bắt đầu một cuộc đi "săn" cùng với những ngư dân nơi đây.

Anh Nguyễn Văn Thịnh (42 tuổi), chủ ghe kể: “Nhà tôi ở dưới Lý Nhơn, nhưng hơn chục năm nay, hai vợ chồng chỉ sống trên ghe, loanh quanh với sông rạch khu vực này để kiếm sống. Con cái gửi nhà bà nội, khi nào rảnh mới ghé lại mà thôi”.

Nói về công việc của mình, anh Thịnh cho biết: “Cuộc đời tôi gắn liền với con nước triều từ khi sinh ra tới bây giờ. Thủy triều ở Cần Giờ mỗi ngày lên/xuống 2 lần, khoảng trưa và đêm, mỗi lần chừng 2-3 giờ. Và giữa 2 lần đó chính là sinh kế của người dân. Cứ khi nước xuống, tôi giong ghe đi đặt lọp, một loại ngư cụ dùng để bẫy các loài mực, bạch tuộc, cua, rạm… Lọp được đặt men theo dòng sông, dòng kênh đã chọn sẵn. Như hôm nay là rạch Ông Dĩa, rạch Bà Tòng, đến mai lại qua rạch Hóc Hỏa, Kho Mấm, rồi ngày mốt lại vòng về rạch Tắc Rối, Định Cau… Mỗi nơi đặt chừng dăm bảy ngày rồi lại quay về nơi cũ. Ở ven các sông, rạch là những cánh rừng nên khi nước lên, các loài thủy sản theo nước từ cửa sông, cửa biển vào rừng kiếm ăn sẽ chui vào bẫy. Đợi khi thủy triều xuống, tôi sẽ đi tháo các dãy lọp này, lấy sản phẩm thu được và đặt lại để đợi con triều tiếp lên…”.

Anh Thịnh bảo, giờ đang bắt đầu mùa mưa nên có nhiều bạch tuộc và cá thòi lòi. Chúng theo con nước từ vịnh Gành Rái vào các thảm lá mục trong rừng để kiếm ăn. “Nhìn bây giờ rừng chỉ toàn bùn với rễ cây trang, cây bần, cây đước vậy, chứ một tiếng nữa, thủy triều lên (cao chừng 1,2 đến 1,5m) cả khu rừng này ngập trong nước. Lúc ấy, rừng cũng là một phần của hệ sinh thái biển với rất nhiều bạch tuộc và cá. Nước rút đi, chúng theo ra và bị mắc vào bẫy của ngư dân”, anh Thịnh vui vẻ cho biết.

Chung tay bảo vệ rừng

Huyện Cần Giờ của TP Hồ Chí Minh có diện tích rộng hơn 700km2, chiếm 1/3 diện tích thành phố nhưng hầu hết trong đó là rừng ngập mặn. Đặc biệt, rừng Cần Giờ là một trong những khu vực được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển bởi sự đa dạng sinh học. Đó là một trong những lý do mà hầu hết các cây rừng ở Cần Giờ không bị chặt phá qua nhiều năm. Hiện nay, những cánh rừng đước, sú, vẹt... không chỉ là "lá phổi xanh" của đô thị TP Hồ Chí Minh mà còn là nơi mang đến sinh kế cho hàng trăm cư dân địa phương.

Khi ghe quay về chân cầu An Nghĩa nghỉ ngơi, chúng tôi thấy ở đây có vài chục chiếc ghe khác neo đậu. Đó là những chiếc ghe của những người cũng làm nghề như anh Thịnh. Chủ nhân của một trong số đó, anh Nguyễn Trọng Văn ở xã An Thới Đông cho biết, hiện nay các loại thủy sản đánh bắt ở Cần Giờ như: Bạch tuộc, mực, cua, cá... đều rất được ưa chuộng, nhất là với người dân ở trung tâm thành phố. Hầu hết thủy sản đánh bắt được đều được mua hết trong ngày, đem về các nhà hàng, quán ăn.

“Ở đây có nhiều thương lái, họ ở trên quận 7, huyện Bình Chánh xuống đợi. Có bao nhiêu mua hết bấy nhiêu. Như bạch tuộc giờ giá bốn trăm nghìn đồng/1kg với loại còn sống. Mua xong họ bỏ vào bao ni lông, bơm ô xy để mang lên xe chở đi. Các loại cua hay cá, tôm, rạm cũng vậy, giá từ 200.000-400.000 đồng/1kg. Có ngày may mắn, ghe của vợ chồng tôi kiếm được cả triệu đồng”, anh Văn chia sẻ thêm.

Tuy nhiên, anh Văn cho biết thêm, cuộc sống của những nông dân đi "săn" hải sản đều bấp bênh và khó khăn. Hôm nào may mắn thì được vài ki lô gam, nhưng có hôm mưa to, biển động lại trắng tay mà vẫn phải mất tiền xăng, dầu chạy ghe. Hơn nữa, giờ quanh đây người đánh bắt thủy sản đông lên, có cả ngư dân nơi khác dưới thị xã Gò Công (Tiền Giang), huyện Cần Đước (Long An)... Cùng với đó là ô nhiễm môi trường từ các nhánh sông Sài Gòn, sông Đồng Nai xả ra khiến cho thủy sản ngoài biển ít theo con nước về hơn. “Nhiều khi vợ chồng tôi phải lội bộ sâu trong rừng đặt lọp, đặt lưới chứ không chỉ ven sông, rạch. Khi ấy, cả hai đều ngồi trên ghe đợi qua đêm tới sớm hôm sau gỡ cá, cua chứ không có thời gian quay về đây nghỉ ngơi nữa”, anh Văn thổ lộ.

Anh Nguyễn Hữu Lâm, nhân viên của Hạt Kiểm lâm Lý Nhơn (huyện Cần Giờ), người gắn bó nhiều năm cùng những cánh rừng ngập mặn nơi đây cho biết, dưới những cánh rừng ngập mặn, đơn vị anh chia ra làm các tiểu khu, thường dựa vào kênh, rạch, tắc để quản lý, theo dõi. Riêng đối với ngư dân đánh bắt dưới rừng ngập mặn, họ đều là người dân sinh sống lâu đời ở đây, rất có ý thức bảo vệ rừng cũng như hệ sinh thái tự nhiên của rừng. Ngoài ra, đặc điểm của các cây gỗ sống trong môi trường ngập nước thường có thân rỗng, không có giá trị kinh tế nên hầu như không bị khai thác. “Nhiều ngư dân gắn bó với rừng ngập mặn lâu năm,thông thuộc địa hình hơn cả anh em kiểm lâm. Lâu lâu bắt gặp cây gãy đổ, ngư dân còn gọi điện nhắc chúng tôi. Bởi mọi người đều coi rừng là sinh kế, là cuộc sống của mình nên đều chung tay bảo vệ rừng bên cạnh công việc mưu sinh của mình”, anh Lâm cho biết thêm.

Cuối ngày, nhìn người dân hồ hởi kiểm tra thành quả đi "săn" của gia đình, với những sản vật thiên nhiên bao đời nay, chúng tôi dường như cũng cảm thấy vui lây cùng họ. Cuộc sống dưới những cánh rừng ngập mặn mênh mông này có thể còn nhiều khó khăn, nhưng chắc chắn, nếu được bảo vệ, rừng biển quê hương luôn mang đến cho họ một sinh kế tương xứng!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mưu sinh dưới tán rừng ngập mặn Cần Giờ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.