Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gương sáng giữa đời thường

Hiền Phương| 03/08/2018 06:12

(HNM) - Bước vào tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng khác với quan niệm nghỉ ngơi của nhiều người, một bộ phận không nhỏ người cao tuổi Thủ đô còn sức khỏe vẫn tích cực tham gia sản xuất, kinh doanh.

Ông Đào Việt Dũng, xã Đại Thịnh (huyện Mê Linh) chăm sóc vườn ổi.


Bản lĩnh vững vàng

Khu vườn cây của ông Đào Việt Dũng, 64 tuổi, xã Đại Thịnh (huyện Mê Linh) rộng hơn 20ha được quy hoạch gọn gàng. Ngoài 1,3 mẫu đất trồng 600 gốc ổi lê Đài Loan, ông còn bố trí gần một nửa diện tích trồng tầm xuân ghép hoa hồng ngoại, sản xuất cây giống và một số loại rau ăn quả cho năng suất cao. Chỉ cho chúng tôi thành quả lao động của mình, ông Dũng nói: “Cũng như nhiều nông dân khác ở Đại Thịnh, tôi chọn mảnh vườn, ruộng rau, ao cá để phát triển kinh tế gia đình. Với tôi, khó khăn hơn nữa bởi bắt đầu làm khi đã ngoài 50 tuổi”. Tuy nhiên, khó khăn không khuất phục được ông - người cựu chiến binh với trình độ văn hóa mới lớp 4. Bằng chứng là một lần tình cờ xin được cây ổi lê giống Đài Loan, thấy chất lượng tốt, ông đã nghiên cứu cách trồng và sau đó nhân rộng trên diện tích 1,3 mẫu tại trang trại của gia đình theo quy trình an toàn VietGAP. Hiện nay, giống ổi lê Đài Loan của ông được người tiêu dùng đánh giá cao, mang lại doanh thu trên 2 tỷ đồng/năm. Từ thành công ban đầu, ông Dũng rủ anh em, bạn bè cùng làm. Hiện tại, ông là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó Giám đốc Hợp tác xã Việt Doanh gồm 14 thành viên, chủ yếu trồng ổi lê Đài Loan với diện tích 22ha ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Quan niệm còn sức khỏe còn lao động nên dù đã bước sang tuổi 63 tuổi nhưng cường độ làm việc của ông Trần Văn Bình, Giám đốc Công ty Vật tư xây dựng Thanh Bình, xã Thanh Lâm (huyện Mê Linh) ít người theo kịp. Với ông, người cao tuổi tuy sức khỏe không bằng lớp trẻ nhưng kinh nghiệm sống, kinh nghiệm sản xuất nhiều hơn, vì vậy ông vẫn chăm chỉ học hỏi cách sử dụng internet, tìm tòi trên mạng kiến thức khoa học áp dụng cho công việc. Là chủ doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động trong và ngoài địa phương, doanh thu đạt từ 15 đến 20 tỷ đồng/năm nhưng ông vẫn muốn từng bước mở rộng ngành nghề kinh doanh.

Tham gia phát triển kinh tế, nhiều người cao tuổi Thủ đô còn trực tiếp góp phần khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống, hướng dẫn con cháu duy trì sản xuất kinh doanh, giữ vững thương hiệu của quê hương. Đó là ông Hoàng Danh Quỳnh, 65 tuổi, xã Liên Trung (huyện Đan Phượng) chuyên sản xuất và kinh doanh đồ gỗ dân dụng. Doanh thu hằng năm của gia đình ông Quỳnh đạt gần 5 tỷ đồng, tạo việc làm cho 9 lao động với mức lương 6-10 triệu đồng/người/tháng. Ông Nguyễn Văn Thìn, 70 tuổi, xã Trường Thịnh (huyện Ứng Hòa) - Giám đốc Công ty Tổng hợp mây tre đan xuất khẩu Thành Long - với doanh thu của công ty năm 2017 là 15 tỷ đồng, đã tạo việc làm ổn định cho 300 lao động, thu nhập tối thiểu 4 triệu đồng/người/tháng. Ông Nguyễn Hữu Trọng, 74 tuổi, xã Liệp Tuyết (huyện Quốc Oai), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, doanh thu 20 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 100 lao động ổn định với thu nhập 3-20 triệu đồng/người/tháng…

Gương sáng tỏa lan

Điều dễ nhận biết ở hầu hết người cao tuổi làm kinh tế giỏi là không chỉ làm giàu cho bản thân, họ còn luôn tích cực đóng góp cho cộng đồng, xã hội bằng những việc làm thiết thực.

Với ông Đào Việt Dũng, luôn khát khao mở rộng thị trường nên ông sẵn sàng cung cấp miễn phí cây giống, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu mua sản phẩm cho người dân có nhu cầu trồng ổi lê ở khắp mọi miền đất nước. Ông Trần Như Hiệp, chủ trang trại trồng cây ăn quả và chăn nuôi lợn, gà xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì), ngoài việc tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 người, ông còn giúp đỡ 5 người cai nghiện tránh xa ma túy. Ông Lê Văn Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ cơ khí Trúc Lâm (quận Bắc Từ Liêm), giải quyết việc làm cho 55 lao động với mức lương tối thiểu 9,2 triệu đồng/người/ tháng. Từ năm 2012 đến nay ông còn tham gia hoạt động nhân đạo, từ thiện với số tiền 200 triệu đồng…

Có tấm lòng nhân hậu, tích cực làm việc thiện nên ông Trần Văn Bình, Giám đốc Công ty Vật tư xây dựng Thanh Bình, luôn được người dân xã Thanh Lâm yêu mến, nể trọng. Ông nhận phụng dưỡng một Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tại xã Tam Đồng (huyện Mê Linh); ủng hộ hoạt động khuyến học và các công tác khác của địa phương từ 7 đến 10 triệu đồng mỗi năm; ủng hộ hai xã Chu Phan, Tiến Thịnh (huyện Mê Linh) 50 triệu đồng để xây dựng sân chơi thể thao. Trong 3 năm qua, ông đã tặng 40 suất quà cho 40 gia đình liệt sĩ trên địa bàn huyện, trị giá gần 30 triệu đồng. Đặc biệt, ông Trần Văn Bình còn vận động được 350 triệu đồng xây nhà tình nghĩa cho 5 gia đình chính sách. Bận rộn với việc kinh doanh nhưng ông còn là Trưởng thôn Đường 23, xã Thanh Lâm. Trên cương vị ấy, ông Trần Văn Bình vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ 100 triệu đồng để mua sắm trang thiết bị cho nhà văn hóa thôn. Bản thân ông đã thành lập Câu lạc bộ Thể thao Xuân Đàng nhằm tạo sân chơi cho nhân dân trong xã, không thu tiền của người cao tuổi và thiếu nhi…

Theo Phó Trưởng ban Thường trực, Ban Đại diện Hội Người cao tuổi TP Hà Nội Phạm Văn Ngọc, toàn thành phố có trên 19 vạn người cao tuổi đang trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trong đó có trên 6.000 người là chủ cơ sở sản xuất, chủ trang trại, chủ các công ty thương mại, dịch vụ. Trên 30 vạn người cao tuổi tuy không trực tiếp tham gia làm kinh tế nhưng đang truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm về quản lý, khoa học, công nghệ, kỹ năng lao động, hỗ trợ về vốn, cơ sở vật chất, điều kiện cho con cháu làm ăn.

Nói về phong trào người cao tuổi làm kinh tế ở địa phương, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Sơn Đà (huyện Ba Vì) Hoàng Văn Vinh cho biết: Tuy tuổi đã cao nhưng trong các buổi sinh hoạt của hội không bao giờ thiếu chủ đề phát triển kinh tế. Các cụ vẫn thường trao đổi với nhau kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi để đưa những cách làm hay vào phát triển kinh tế gia đình. Nhằm giúp hội viên phát triển kinh tế, chúng tôi phối hợp với Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh tổ chức các hoạt động hỗ trợ như tín chấp vay vốn, chuyển giao khoa học - công nghệ…

Từ những tấm gương người cao tuổi tham gia phát triển kinh tế cho thấy, dù ở vị trí nào, công việc gì, người cao tuổi luôn có những đóng góp quan trọng, xứng đáng là “cây cao bóng cả”, là tấm gương sáng trong gia đình và cộng đồng dân cư. Bằng kinh nghiệm, bản lĩnh và trí tuệ của mình, người cao tuổi Thủ đô đang chung sức cùng các thế hệ con cháu vẽ nên những gam màu tươi sáng để bức tranh cuộc sống ngày càng tươi đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gương sáng giữa đời thường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.