Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Ông chủ" của những sáng kiến tiền tỷ

Thanh Hiền| 21/11/2018 06:15

(HNM) - Nhiệt huyết, đam mê, sáng tạo, hơn 40 năm làm công nhân kỹ thuật, ông Nguyễn Đức Cường, Tổ trưởng tổ sửa chữa cơ điện, Phân xưởng Thiết bị công nghệ (Công ty cổ phần Điện cơ Thống Nhất) là chủ nhân của nhiều sáng kiến, cải tiến, làm lợi hàng tỷ đồng cho công ty.

Ông Nguyễn Đức Cường - Công dân Thủ đô ưu tú năm 2018.


Đam mê sáng tạo

Nở nụ cười thật hiền, ông Nguyễn Đức Cường kể, từ nhỏ ông đã được người cha là kỹ sư từng công tác tại Tổng cục Kỹ thuật Bộ Quốc phòng truyền ngọn lửa đam mê sáng tạo. Với niềm đam mê, nhiệt huyết của tuổi trẻ, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, ông tiếp tục theo học nghề sửa chữa điện. Là người ưa tìm tòi, học hỏi, được kế thừa nhiều trong lĩnh vực kỹ thuật, lại được phân công công việc theo đúng đam mê, sở thích… ngay từ những ngày đầu vào làm việc tại Công ty cổ phần Điện cơ Thống Nhất, người công nhân trẻ (khi đó mới 17 tuổi) đã phát huy được năng lực bản thân.

Ông Cường tâm sự: “Các sáng kiến, sáng tạo của tôi và anh em trong công ty đều xuất phát từ thực tế công việc, từ các phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật do Công đoàn công ty phát động. Từ các phong trào này, chúng tôi đã có thêm nhiệt huyết và động lực để nghiên cứu, sáng tạo, qua đó góp phần vào sự phát triển chung của công ty”.

Tiêu biểu, từ năm 2010-2015, trong điều kiện công ty khó khăn về vật tư do nhiều thiết bị cũ, không có phụ tùng thay thế, ông đã chủ động cùng các thành viên trong tổ tự nghiên cứu các phương án đại tu, sửa chữa nhiều thiết bị hư hỏng nặng như: Hệ thống điều khiển thủy lực máy mài vô tâm, máy ép nhựa, máy đúc áp lực, máy đột cao tốc, máy nén khí… đạt hiệu quả cao. Trong đó, sáng kiến cải tạo lại hệ thống thủy lực của máy ép 135T đã rút ngắn thời gian máy chạy không tải và tăng được lực ép, không có sản phẩm sai hỏng, phù hợp với công nghệ dập vuốt của công ty để gia công bầu quạt công nghiệp 650/670.

Nói về những sáng kiến, sáng tạo mà ông tâm đắc nhất, ông Cường nhớ lại: "Vào năm 2013, tôi cùng với các công nhân trong tổ đã nghiên cứu, thiết kế và chế tạo ra máy ép thủy lực tự động cho quạt trần. Sản phẩm này nếu mua ở nước ngoài có giá lên đến 300 triệu đồng, nhưng với nỗ lực tìm tòi, sáng tạo của mình cùng anh em trong tổ, sản phẩm đã được chế tạo thành công trong nước, với giá chỉ bằng 1/5 giá trị sản phẩm nhập ngoại. Qua đó, không chỉ rút ngắn được thời gian sản xuất, chế tạo máy từ mất cả tháng xuống còn 15-20 ngày, mà còn tiết kiệm và làm lợi cho công ty hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt hơn, toàn bộ các chi tiết để chế tạo đều là các sản phẩm nội địa 100%".

Hay như sáng kiến đối với bình khí nitơ áp lực cao dùng cho máy đúc 250 tấn vào đầu năm 2017 (nếu không có bình khí nitơ máy sẽ không hoạt động được), giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng kịp thời cho sản xuất. Với sáng kiến này, ông Cường cùng tổ sửa chữa thiết bị công nghệ do ông làm tổ trưởng đã được lãnh đạo và công đoàn công ty khen thưởng.

Tuy vậy, cũng có thời điểm ông phải nghĩ đến việc bỏ nghề như bao anh em công nhân khác do xí nghiệp gặp khó khăn, công nhân không có lương… Nhưng, cái duyên với nghề làm thợ sửa chữa vẫn cuốn hút ông cho đến tận hôm nay. Cùng công ty trải qua bao khó khăn, thăng trầm cũng như những lúc phát triển, thăng hoa, hiện ông là thợ sửa chữa thiết bị cơ điện bậc 7/7, được phân công quản lý hơn 600 máy móc, thiết bị, trong đó nhiều thiết bị đòi hỏi độ chính xác cao, giá trị 4-5 tỷ đồng/chiếc.

Động lực từ sự khích lệ kịp thời


Có được những sáng kiến, sáng tạo trong công việc là niềm vui rất lớn của anh em công nhân lao động. Nhưng, khi những sáng kiến ấy được áp dụng thành công vào công việc, thì niềm vui còn được nhân lên gấp bội. “Vui nhất là những tâm huyết của mình và anh em công nhân lao động trong tổ sản xuất đã được lãnh đạo công ty quan tâm lắng nghe, ủng hộ và khích lệ. Chính sự động viên kịp thời này đã giúp chúng tôi có thêm động lực để tiếp tục sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển của công ty” - ông Cường chia sẻ.

Nói về những cống hiến, đóng góp của ông Nguyễn Đức Cường, ông Nguyễn Thành Vinh - Phó Tổng Giám đốc phụ trách kỹ thuật Công ty cổ phần Điện cơ Thống Nhất đánh giá: "Mặc dù khiêm tốn, giản dị, nhưng anh Cường luôn là “đầu tàu” trong đội sửa chữa. Các sáng kiến, cải tiến của anh Cường cùng với anh em công nhân trong tổ sửa chữa đã giúp rút ngắn thời gian gia công để sản phẩm làm ra đẹp hơn, chính xác hơn, góp phần nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm… đồng thời, làm lợi cho công ty hàng tỷ đồng. Đặc biệt, anh còn là tấm gương lao động sáng tạo để đồng nghiệp trẻ noi theo, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua lao động sáng tạo của toàn công ty. Với kỹ thuật, trình độ chuyên môn cao, anh Nguyễn Đức Cường là tài sản vô cùng quý giá của công ty...”.

Hơn 40 năm trong nghề là chừng đó thời gian ông gắn bó với công việc vận hành, sửa chữa, lắp đặt các thiết bị máy móc mới, được sống trọn vẹn với đam mê, sáng tạo. Để hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao, ông phải tự mày mò, tìm tòi kiến thức cho bản thân. Không chỉ học kinh nghiệm từ những người thợ đi trước, ông còn trau dồi kiến thức thông qua sách vở, thậm chí cả những đồng nghiệp trẻ, vì với ông “họ được đào tạo bài bản và cũng hết sức nhanh nhẹn khi nắm bắt công nghệ”.

Ngoài ra, ông còn rất tâm huyết truyền nghề cho những lao động trẻ, sẵn sàng giúp đỡ khi họ cần. Tay nghề và khả năng sáng tạo của ông luôn được những người thợ trẻ và nhiều đồng nghiệp khác trong công ty tôn trọng và khâm phục.

Với những cống hiến của mình, nhiều năm liền ông đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”; được TP Hà Nội công nhận Bằng sáng kiến, sáng tạo các năm 2010, 2012, 2016; danh hiệu Công nhân giỏi Thủ đô năm 2011, 2012, 2014, 2017; năm 2015, ông vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đặc biệt, mới đây, ông vinh dự được UBND TP Hà Nội tặng Danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2018.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Ông chủ" của những sáng kiến tiền tỷ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.