Theo dõi Báo Hànộimới trên

Muôn kiểu "hưởng" Tết Kỷ Hợi!

Hoa - Hương| 10/02/2019 18:59

(HNMO) - Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi kéo dài 9 ngày, đủ để nhiều gia đình hưởng thụ những khoảnh khắc đặc biệt.

Những nàng dâu mới... không sợ Tết!

Tết Kỷ Hợi năm nay với gia đình bà Hoàng Thị Hằng (Thanh Xuân, Hà Nội) rộn rã niềm vui hơn mọi năm vì sau khi con trai thứ lập gia đình hơn 2 năm, con dâu bà mới thu xếp được công việc để từ Đà Nẵng ra Hà Nội ăn Tết. Sự đảm đang, nhanh nhẹn của cô gái miền Trung lập tức đã "chinh phục" cả đại gia đình bà Hằng.

"Ngày nào cháu cũng dậy sớm, nhờ ông bà nội trông con hộ rồi lao vào bếp. Gia đình tôi đông người, cỗ phải làm tới 3 mâm, nhưng cháu rất nhanh nhẹn. Việc nào cũng gọn ghẽ, món nào cũng tươm tất. Nhìn mâm cỗ cúng gia tiên có đủ các món truyền thống, ông nhà tôi cứ tủm tỉm cười, không nói gì hơn" - bà Hằng phấn khởi kể.

Gia đình bà Hằng hưởng trọn những ngày Tết sum vầy nhờ sự đảm đang của nàng dâu mới.

Chủ nhân của những mâm cỗ "ghi điểm" tuyệt đối với gia đình nhà chồng ấy là Bích Tuyền, cô gái "hay lam hay làm" quê gốc Quảng Trị, hiện đang sinh sống và lập nghiệp tại Đà Nẵng. Khi thấy cả nhà đã "ngấy" với những món truyền thống, Tuyền còn thể hiện thế mạnh của mình với những món lạ miệng như bún cá, bún bò Huế hay thịt ba chỉ ngâm mắm cuộn rau thơm...

Lần đầu tiên đón Tết với đại gia đình nhà chồng, cô được hưởng trọn vẹn sự sum vầy, đầm ấm. Hóa ra, việc ăn Tết với gia đình nhà chồng, lại ở một nơi thật xa, với những phong tục, tập quán khác nhiều với quê hương cô không "đáng sợ" như những gì mà một số bạn bè đã "cảnh báo" trước đó.

"Từ nhỏ tôi sống xa gia đình, chịu nhiều thiệt thòi về tình cảm nên những ngày Tết mới là dịp để bày tỏ sự hiếu lễ với bố mẹ, sự quan tâm tới anh chị em, họ hàng. Năm sau, tôi sẽ ra Hà Nội sớm hơn để có thêm thời gian ăn Tết, quây quần cùng gia đình" - Bích Tuyền chia sẻ đầy tiếc nuối khi chiều mùng 5 tháng Giêng đã phải chia tay Hà Nội để trở về Đà Nẵng.

Không phải là lần đầu đón Tết cùng gia đình chồng như Bích Tuyền, chị Kiều Hương (ở phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai) cảm thấy may mắn hơn bởi đã được hưởng 3 cái Tết ở quê chồng. Chị nói: "Nhiều người sợ Tết nhưng với tôi, những ngày Tết là những ngày vui và ý nghĩa, bởi đây là dịp để các thành viên trong gia đình sum họp, gặp gỡ, là dịp để trẻ nhỏ hiểu về phong tục quê hương".

Về quê ăn Tết  với nhiều người trẻ là những trải nghiệm tuyệt vời để giữ gìn văn hóa cổ truyền.
Ảnh: Q.Hùng


Năm nay, sáng 29 tháng Chạp, gia đình chị đã từ Hà Nội khăn gói lên đường về xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Chiều cùng ngày, vợ chồng chị xắn tay vào thái thịt gà, tai lợn, thịt lợn, ướp mắm muối rồi xào lăn cùng mộc nhĩ để làm món giò xào.

“Nhờ về quê ăn Tết mà tôi mới biết tự tay làm món giò xào thật ngon. Các con tôi cũng được những người lớn tuổi chỉ dạy cách gói bánh chưng. Ba mẹ con tôi đều háo hức bởi đây là những việc chưa bao giờ được làm" - chị Hương vui vẻ chia sẻ. 


Với những người phụ nữ hiện đại, quen với nếp sống vội vã nơi thành phố như chị Hương, việc được thong dong cùng mẹ chồng đi mua hoa tại phiên chợ quê hay quây quần đông đủ bên mâm cơm sau khi hạ lễ cúng gia tiên và đón Giao thừa cùng đại gia đình ở chùa làng Hoàng Nông... là những khoảnh khắc vô cùng hạnh phúc.

Ăn Tết ở quê, theo chị Hương, có lẽ vui nhất là sáng mùng 1. Khác với ở thành phố với thói quen "ngủ nướng", ở nông thôn, từ sáng sớm tinh mơ ngày đầu tiên năm mới, cả nhà đã gọi nhau dậy, sửa soạn mâm cúng tổ tiên, rồi cùng anh em, con cháu trong nội tộc đi chúc Tết. Hòa vào đoàn người đi tản bộ chúc Tết trên đường làng, chị Hương, trong bộ áo dài truyền thống, cảm thấy mình cũng như bao phụ nữ thôn quê khác, có bổn phận gìn giữ hạnh phúc gia đình, giáo dục con cái giữ nếp nhà, duy trì các phong tục tốt đẹp của quê hương. Vì vậy, mỗi lần về quê ăn Tết, với ba mẹ con chị Hương, là một dịp để hoà nhập, trưởng thành hơn từ những trải nghiệm quý giá.

Hết Tết mới bắt đầu là Tết!

Muốn thoát khỏi cảm giác những ngày Tết chỉ đơn giản là cuộc chạy đua của ăn, uống và ngủ, chị Hoàng Yến, giảng viên dạy bộ môn nhảy hiện đại, đã lên ý tưởng cho một chuyến đi chơi xa vào đúng dịp Tết. Chị kể: "Tôi cùng nhóm bạn thân hơn chục người đặt tour đi Bắc Kinh, Trung Quốc trước Tết cả tháng để có thời gian hoàn thành visa và chuẩn bị các thủ tục cần thiết".

Chị Yến gửi lời cầu chúc tốt đẹp đến người thân vào sáng mùng 1 Tết từ Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: NVCC


Và đúng ngày mùng 1 Tết, trong tấm áo đại hàn dày sụ để chống chọi lại nền nhiệt độ -8 độ C, chị Yến đã chắp tay nguyện ước, cầu mong tất cả những người thân yêu luôn bình an, hạnh phúc. Cảm giác đón Tết ở một nơi xa, leo Vạn Lý Trường Thành trong nền nhiệt độ -10 độ C, giữa tuyết nhẹ và nắng hửng, với một người trẻ tuổi, thích những chuyến phiêu du như chị Yến, là những trải nghiệm đáng giá.

Và kỳ nghỉ Tết của chị chỉ thực sự bắt đầu khi trở về Hà Nội vào ngày mùng 5 tháng Giêng, bắt gặp ngay cái nắng sớm trong veo, gió hiu hiu thổi mát lành. "Ai bảo đã hết Tết! Bọn em giờ mới bắt đầu Tết đây này!" - câu nói vui mà chị đăng lên trang Facebook cá nhân kèm theo những tấm ảnh đi du xuân cùng cậu con trai nhỏ lập tức được nhiều người hưởng ứng. Được đón Tết ở hai nền nhiệt độ hoàn toàn khác nhau, được hưởng cả cảm giác tự do, thư thái với niềm vui khám phá trên miền đất lạ và cả sự sum vầy, quyến luyến bên những người thân yêu ruột thịt ở quê nhà, với chị Yến, đều là những cách hưởng thụ Tết lý tưởng.

Hai mẹ con chị Yến chỉ thực sự bắt đầu Tết Kỷ Hợi khi trở về Hà Nội. Ảnh: NVCC


Hết Tết mới bắt đầu là... Tết - cảm giác này thật sự bắt gặp ở nhiều gia đình trẻ khi họ tranh thủ hưởng thụ hai ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết năm nay. Đường phố Hà Nội, đặc biệt là tại những khu vui chơi giải trí, các khu trung tâm thương mại, nhà hàng... đều chật như nêm. Nhiều ông bố bà mẹ đã tranh thủ dành hai ngày cuối tuần đặc biệt nhất trong năm này để dẫn các con đi phố sách, vui chơi ở công viên, đi xem phim hoặc đơn giản là ăn những món lạ miệng ngoài đường phố. Họ cũng có thể chọn cách khá truyền thống khác để "tổng kết Tết" - đó là tụ tập bạn bè.

Chiều mùng 6 tháng Giêng, sau khi dẫn con cái chơi đùa thỏa thích tại một trung tâm thương mại ở quận Long Biên, nhóm bạn đại học của Nguyễn Anh Đức lại tụ tập về căn nhà mới xây của anh trên phố Nguyễn Văn Cừ (phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội). Trong khi đám trẻ mải mê với đồ chơi mới vừa "tậu" bằng tiền mừng tuổi, các bà mẹ trổ tài đảm đang bằng nồi lẩu cá tươi với thật nhiều rau xanh, các ông bố người vội đi tráng ấm pha trà, người ngả thớt chặt gà, lọc cá... Tiếng cười đùa rôm rả, tiếng dao thớt lách cách vang lên trong ngôi nhà vẫn đặc quánh không khí Tết.

Càng vào những ngày cuối của đợt nghỉ lễ, Phố sách Hà Nội càng đông người qua lại. Ảnh: Viết Thành


Anh Đức kể, việc tụ tập bạn bè vào ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết đã thành lệ và hứng thú đến mức có hai vợ chồng một người bạn từ Hoà Bình năm nào cũng kéo lên. Một cặp đôi khác, vốn đều là tiếp viên hàng không, ngay sau khi xuống sân bay cũng tất tả về tụ cùng bạn bè, để cùng tận hưởng những giây phút vui vẻ ngọt ngào của Tết quê hương...

Với họ, những ngày Tết là cơ hội tuyệt vời để kết nối và duy trì tình bạn. Bữa ăn đoàn viên của họ không chỉ có nhiệm vụ tổng kết Tết Kỷ Hợi ăm ắp niềm vui, mà còn nhân lên những ngày tháng cũng vui chẳng kém Tết khi tình bạn, tình anh em, tình gia đinh thêm bền chặt...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Muôn kiểu "hưởng" Tết Kỷ Hợi!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.