Theo dõi Báo Hànộimới trên

Về "vương quốc" quýt hồng Lai Vung

Thanh Tàu - Trọng Nghĩa| 13/02/2019 07:28

(HNM) - Những ngày Tết Kỷ Hợi vừa qua, nhiều nhà vườn tại

Khách du lịch thuê áo bà ba chụp ảnh tại vườn quýt.


Trải nghiệm với vườn cây ăn trái

Từ TP Hồ Chí Minh theo quốc lộ 1 qua cầu Mỹ Thuận đến tỉnh Vĩnh Long rồi tiếp tục đi trên quốc lộ 80 là tới địa phận huyện Lai Vung - nơi được mệnh danh là "vương quốc" quýt hồng. Đến đây, chúng tôi như cảm thấy lạc vào khung cảnh của những câu chuyện cổ tích với những vườn cây trĩu quả. Màu hồng tươi, vàng ruộm của những trái quýt dưới những tán lá xanh luôn tạo nên cảnh sắc vô cùng độc đáo.

Trong số du khách đến đây tham quan, chị Lê Thị Hạnh (quê ở Cần Thơ) nhận xét, nhiều nhà vườn tạo tiểu cảnh đặc trưng của cuộc sống người dân miền Tây để du khách trải nghiệm như cầu khỉ dẫn lối. Chủ vườn còn đặt nhiều chiếc ghe (thuyền nhỏ) để du khách có thể ngồi chụp ảnh hoặc chèo xung quanh. Tất cả trải nghiệm này đều nằm trong giá vé tham quan 50.000 đồng/người.

Dạo quanh vườn quýt, không chỉ được hít thở không khí trong lành, tươi mát, du khách còn có thể tự tay hái trái quýt, thưởng thức mùi vị thơm, ngọt lịm, đậm chất miệt vườn Nam Bộ. Và còn gì thú vị hơn khi vừa thưởng thức quýt vừa nghe đờn ca tài tử da diết, làm ấm lòng du khách xa gần.

Kể về sự trải nghiệm khi đi du lịch tại các điểm vườn quýt hồng Lai Vung, anh Mã Hoàng Lê (du khách đến từ tỉnh Bình Thuận) cho hay: “Chúng tôi đi từ 5h sáng đến tỉnh Đồng Tháp vào 11h trưa. Xe du lịch chở tôi tới một vườn quýt hồng tại xã Tân Thành. Bà chủ ra chào đón niềm nở và mời chúng tôi ăn “buffet” quýt. Những trái quýt chua chua, ngọt ngọt khi ăn kèm với muối thật tuyệt! Sau khi thưởng thức, chúng tôi vào vườn quýt hồng. Một cảm giác bỡ ngỡ vì sắc cam rực rỡ đập vào mắt... Quá nhiều cây trĩu quả, tôi chụp cả chục tấm ảnh. Vài tia nắng chiều le lói xuyên qua các tán lá làm những bức ảnh thêm lung linh”.

Còn anh Lê Văn Đại (du khách đến từ quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) cho biết, sau gần 5 giờ vừa chạy xe máy vừa nghỉ trên đường từ TP Hồ Chí Minh đến Lai Vung, tất cả thành viên trong nhóm của anh đều bất ngờ và thích thú khi tận mắt chứng kiến một "vương quốc" quýt rộng lớn. “Chúng tôi len lỏi qua những chiếc cầu gỗ nho nhỏ. Những chùm quýt chín mọng đung đưa trước mặt như mời gọi du khách... Cả nhóm đã kịp ghi lại những khoảnh khắc đẹp để lưu giữ những kỷ niệm về vùng quýt nổi tiếng nhất ở miền Tây”, anh Đại chia sẻ.

Đến thời điểm này, huyện Lai Vung có 11 điểm tham quan, hiện có 9 điểm mở cửa đón khách tham quan vườn cây ăn trái, 1 cơ sở du lịch home stay (lưu trú tại nhà). Đặc biệt, “Ngôi nhà quýt” được thiết kế gồm các phòng nghỉ, nhà vệ sinh, nơi sinh hoạt, ăn uống với sức chứa là 10 khách... Tại đây, du khách sẽ cùng ăn, nghỉ, sinh hoạt như thành viên trong gia đình của người dân để trải nghiệm các giá trị sống và văn hóa của địa phương. Ngoài ra, du khách có thể thưởng thức các loại cây ăn trái như quýt hồng, quýt đường, cam, dừa... và những món ăn đặc sản của huyện Lai Vung.

Để nông dân làm du lịch

Nằm bên dòng sông Hậu hiền hòa với phù sa màu mỡ, quýt hồng Lai Vung với đặc trưng ngon ngọt hơn so với quýt trồng ở những vùng khác. Lai Vung là thủ phủ quýt hồng của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với hơn 800ha được trồng tập trung tại các xã Long Hậu, Tân Phước, Vĩnh Thới, Tân Thành... Đến thời điểm này, đặc sản quýt hồng đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa. Quýt hồng Lai Vung nổi tiếng mọng nước, ít hạt, mỏng vỏ với năng suất bình quân từ 30 đến 40 tấn/ha. Đặc biệt, những năm gần đây, người trồng quýt hồng đã thực hiện phương pháp sản xuất rải vụ, xử lý vườn cho trái nhiều đợt khác nhau nên có thể phục vụ nhu cầu khách tham quan qua dịp lễ 30-4 và 1-5.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tường, chủ điểm tham quan quýt hồng Út Tường (ấp Tân Khánh, xã Tân Thành) cho biết, từ khi khai trương cuối năm 2015 đến nay, mỗi năm vườn đều đón hàng chục nghìn du khách. “Chính quyền địa phương đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong khâu quảng bá cũng như kết nối các công ty lữ hành tham gia tour nên khách năm sau luôn đông hơn năm trước...”, ông Tường hào hứng nói.

Để chuẩn bị cho mùa du lịch năm 2019, nhiều nhà vườn đã đầu tư bài bản theo hướng chuyên nghiệp như xây nhà vệ sinh, nấu nướng theo yêu cầu của du khách... Những điểm tham quan nổi tiếng ở các vườn trồng quýt như: Út Hớn, Phương Nghi, Hai Kiệt... luôn đón hàng trăm du khách mỗi ngày vào dịp cuối tuần. Tính từ giữa tháng 11-2018 đến nay, huyện Lai Vung đã đón 41.755 khách đến tham quan với doanh thu trên 13 tỷ đồng.

Dịp Tết Kỷ Hợi 2019 vừa qua, nhiều nhà vườn có điểm tham quan rất phấn khởi bởi khách du lịch đến rất đông. Điều này cho thấy chủ trương “Nâng chất lượng phục vụ của các điểm tham quan” của huyện Lai Vung là đúng hướng. Từng chủ vườn đặt khâu phục vụ khách lên hàng đầu, từ việc xây mới nhà vệ sinh, lối đi, nhà chờ tạo nơi đón khách rộng thoáng, sạch sẽ... đến bàn, ghế, võng, nước uống phục vụ khách miễn phí.

Điểm nổi bật năm nay là một số chủ điểm tham quan đã cải tiến, nâng chất lượng gói dịch vụ, mỗi điểm tham quan đều có hướng dẫn viên. Khách đến thành đoàn được hướng dẫn, thuyết minh trong suốt thời gian đi tham quan. Bên cạnh đó, các điểm còn liên kết bày bán các sản phẩm quà lưu niệm như: Xuồng, ghe thu nhỏ, nem, bì, chả lụa, áo thun, nón... Anh Nguyễn Thế Thông (chủ vườn quýt Tân Hồng được trồng từ năm 2012 và làm du lịch từ giữa năm 2018) cho hay: "Tôi định sẽ tiếp tục xây lều, thả cá vào ao để khách có thêm trải nghiệm, sau đó sẽ làm thêm không gian cho khách ăn uống".

Để phát triển du lịch với cây quýt hồng, ông Nguyễn Kỹ Thuật, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin truyền thông huyện Lai Vung cho hay, huyện dự kiến sẽ chọn 8-10 hộ làm vườn có vị trí địa lý thuận lợi để quy hoạch thành vùng chuyên phát triển du lịch, gắn kết với các dịch vụ nghỉ dưỡng, mua sắm và giải trí; đồng thời lên kế hoạch tuyên truyền cũng như tập huấn cho nhà vườn về các kỹ năng phát triển du lịch...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về "vương quốc" quýt hồng Lai Vung

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.