Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thắp sáng tình quân dân ở La Lay

Văn Ngọc Thủy| 20/03/2019 06:33

(HNM) - Sáng đến trường các em nhỏ có bánh mỳ sữa “ấm cái bụng”, được ở nhà biên phòng xây, học bằng sách biên phòng mua, đường rừng được biên phòng kéo điện về, lại được các chú bộ đội biên phòng đứng lớp dạy cách bảo vệ cột mốc biên giới, trồng và giữ rừng, tránh xa tệ nạn...

Các em nhỏ xã A Ngo, huyện Đak Rông, tỉnh Quảng Trị với các chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay.


“Cháu có nhà mới rồi”

Hồ Văn Hiên reo lên khi bà nội Hồ Thị Dẹ vừa bước lên thềm ngôi nhà còn thơm mùi vôi mới. Nhìn thấy khách lạ, cậu bé gầy gò học lớp 6 Trường THCS A Ngo bẽn lẽn nép sau lưng bà, đôi mắt lanh lợi không giấu nổi niềm vui. Dưới sân, bà con thôn A Đeng, xã A Ngo, huyện Đak Rông đã tề tựu đông đủ để mừng gia đình anh Hồ Văn Liên được về nhà mới. Ngay cạnh đó là túp lều thưng nứa trống huơ, nơi gia đình 4 người của anh chen chúc qua bao mùa rẫy, nay đã thành nơi chất củi. Bà Dẹ kể, bà sinh được 7 người con, Côn Liên (anh Liên, chỉ người đàn ông Pa Kô đã lập gia đình - PV) là cả, lấy vợ, rồi sinh 2 đứa con cũng chỉ trong cái túp lều ấy. Ngày nắng nóng như rang, ngày mưa dột ướt hết áo quần, sách vở. Nay nhờ bộ đội biên phòng và các bác ở Hà Nội vào, các cháu đã có nhà mới...

Căn nhà của gia đình anh Liên ở thôn A Đeng cùng căn nhà của gia đình bà Căn Lấp ở thôn A Ngo được khánh thành vào tháng 3-2019 là tấm lòng của các cựu chiến binh Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội và các cán bộ Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Từ chuyến đi về nguồn cuối năm 2018, các cựu chiến binh đã kêu gọi quyên góp rồi gửi tặng kinh phí để các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay xây nhà, trao tặng cho đồng bào Pa Kô còn khó khăn.

Cùng bước vào căn nhà mới khang trang, ông Ngô Hùng - Bí thư Đảng ủy xã A Ngo hồ hởi bắt tay Trung tá Nguyễn Bá Duyệt, Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị như hai người bạn cũ lâu ngày gặp lại. Ông Hùng bảo: "Biên phòng La Lay làm được nhiều việc cho người dân A Ngo lắm, từ mô hình ánh sáng đường quê, ổ bánh mỳ miễn phí đến hỗ trợ nhà cho gia đình khó khăn, đưa các cháu đến trường... Việc lớn việc nhỏ của dân, việc gì biên phòng cũng chung tay, chung sức".

Đak Rông là một trong 63 huyện nghèo nhất cả nước, còn A Ngo là xã nghèo nhất của huyện Đak Rông, nơi người dân đồng bào Pa Kô và Vân Kiều chỉ lên rẫy trồng ngô, trỉa sắn. Việc có một căn nhà kiên cố để che cái nắng như nung, mưa như trút là ước mơ cả đời người không dễ gì thực hiện. Từ hoàn cảnh của ông Côn Linh ở thôn La Lay, một người già mắt bị lòa, cụt một tay sống đơn độc trong túp lều rách nát, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay đã ủng hộ, quyên góp xây dựng được căn nhà đầu tiên. Bà con dân bản ai cũng mừng cho ông vì những năm tháng cuối đời, người đàn ông lầm lụi ấy đã có một mái ấm thực sự...

Theo Thượng úy Nguyễn Văn Bằng, Đội trưởng Tham mưu hành chính Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay, ngoài căn nhà của ông Côn Linh, cùng với sự sẻ chia của nhiều tấm lòng hảo tâm trên khắp mọi miền đất nước, các cán bộ, chiến sĩ đã hoàn thành được căn nhà thứ 16, xây dựng theo mô hình “Mái ấm nơi biên giới”, trao tặng cho đồng bào dân tộc hai xã A Bung và A Ngo. Đến nay, nơi dải đất biên cương nắng gió này vẫn còn nhiều gia đình thực sự khó khăn cần sự chia sẻ, ủng hộ để có một mái nhà kiên cố, vững chãi hơn.

Thân thương những người thầy áo xanh

Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đường biên giới dài 15km, phụ trách 2 xã A Bung và A Ngo với 1.400 hộ dân và 10 điểm trường. Cũng như những vùng cao khác, buổi sáng, trẻ nhỏ cắp sách đến trường chỉ với củ sắn, củ khoai hoặc nhịn đói. Thương các em, mô hình “Ổ bánh mỳ biên giới” ra đời. Vậy là đã 2 năm nay, học trò ở A Ngo, A Bung vào mỗi sáng thứ ba và thứ năm hằng tuần lại được phát những chiếc bánh mỳ thơm phức. Ban đầu chỉ là bánh thôi, sau này có thêm sữa do các chú biên phòng đã vận động được bạn bè, người quen ủng hộ. Và cũng từ tấm lòng yêu thương ấy, hằng tuần, các chiến sĩ lại thay phiên nhau xuống các điểm trường cắt tóc cho các em. Ban đầu chỉ có một bộ dụng cụ trích mua từ Quỹ Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; năm 2018, Đại úy Nguyễn Duy Thánh được Trung ương Đoàn tặng Giải thưởng Lý Tự Trọng, đã trích tiền thưởng mua thêm một bộ nữa.

Trong câu chuyện với chúng tôi từ thành phố Đông Hà, vượt 120km đường rừng quanh co qua cầu treo Đak Rông vào Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay, Trung tá Nguyễn Bá Duyệt, người từng có nhiều năm gắn bó với đồn, lại tâm đắc nhất mô hình “Tiết học biên giới”. Mô hình lớp học này cũng là một sáng kiến của những người thầy mang quân hàm xanh ở Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay với mong muốn cung cấp cho học sinh những kiến thức về biên giới, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của cư dân vùng biên, các kỹ năng nhận biết đâu là vùng cấm, nâng cao ý thức bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới, đấu tranh, phòng chống các tệ nạn xã hội... Và thật bất ngờ, khi trò chuyện với những học sinh ở đây, chúng tôi thấy các em thuộc làu kiến thức về biên giới quốc gia hoặc đơn giản là nói rất sõi tiếng phổ thông. Điều đó cũng dễ hiểu khi Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Trị đã chỉ đạo triển khai mô hình “Tiết học biên giới” rộng khắp ra các đồn vùng biên trong toàn tỉnh…

Chắc chắn, hành trình mang mái ấm, mang niềm vui đến cho đồng bào Pa Kô, Vân Kiều của các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay sẽ còn được nhân rộng bởi yêu thương lại lan tỏa yêu thương. Ngày sẽ càng có nhiều tấm lòng hảo tâm tìm đến, cùng các anh viết tiếp những trang cảm động về tình quân dân như "cá với nước" ở vùng cực Tây hiểm trở của dãy Trường Sơn hùng vĩ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thắp sáng tình quân dân ở La Lay

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.