Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thầm lặng làm nên những chiến công

Tiến Thành| 14/07/2019 06:30

(HNM) - Bất chấp nguy hiểm có thể xảy đến bất cứ lúc nào, những chiến sĩ cứu nạn, cứu hộ luôn sẵn sàng đối mặt với tử thần, có mặt kịp thời ở hiện trường vụ hỏa hoạn, sập các công trình xây dựng để giành giật sự sống cho những người mắc kẹt. Sự hy sinh thầm lặng ấy có được nhờ sự nỗ lực rèn luyện mỗi ngày của các cán bộ, chiến sĩ, với mục tiêu cao nhất là bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân Thủ đô.

Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ luyện tập phương án cứu hộ sập đổ công trình.

Ranh giới sinh, tử

Mò mẫm trinh sát trong đám khói dày đặc, Trung sĩ Huỳnh Tuấn Duy (chiến sĩ cứu nạn, cứu hộ thuộc Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Công an quận Ba Đình) nghe thấy tiếng phụ nữ kêu cứu trong tầng 1 ngôi nhà số 71, ngõ 189 phố Hoàng Hoa Thám (phường Liễu Giai, quận Ba Đình). Ngay lập tức, anh gọi đồng đội là Hạ sĩ Nguyễn Đức Huy đến ứng cứu.

“Quan sát thấy thể trạng nạn nhân rất yếu nên chúng tôi nhanh chóng dìu người này ra khỏi hiện trường để đưa đi cấp cứu”, Hạ sĩ Nguyễn Đức Huy nói.

Đã cứu được một người, nhưng trên tầng 2 của ngôi nhà vẫn còn vang lên tiếng kêu cứu. Không chần chừ, Trung sĩ Huỳnh Tuấn Duy tiếp tục cùng đồng đội sử dụng thang leo lên. Trên tầng 2, các anh phát hiện 5 người bị nạn, trong đó có 2 trẻ em. Duy và đồng đội nhanh chóng đưa cả 5 người đến thang thoát hiểm ra ngoài an toàn.

“Người bị nạn đã an toàn, nhưng công việc của chúng tôi vẫn tiếp tục với nhiệm vụ trinh sát điểm cháy, dập lửa và rà soát hiện trường sau khi ngọn lửa được dập tắt”, Trung sĩ Huỳnh Tuấn Duy nói.

Vẫn còn chưa hết bàng hoàng dù tai nạn đã xảy ra gần một tháng (ngày 19-6-2019), ông Lê Bắc, chủ ngôi nhà số 71, ngõ 189 phố Hoàng Hoa Thám xúc động bộc bạch: “Các chiến sĩ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã kịp thời giành giật sự sống cho cả gia đình chúng tôi. Hình ảnh các chiến sĩ trẻ chạy đua với ngọn lửa để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân đã thể hiện đúng tinh thần trách nhiệm vì nhân dân phục vụ như 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân”.

Cuộc giải cứu 6 người trong vụ cháy nói trên và cuộc giải cứu 42 người, trong đó có nhiều khách nước ngoài tại vụ cháy khách sạn A25 (phố Lương Ngọc Quyến, quận Hoàn Kiếm) ngày 17-6-2019 là những chiến công lớn của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Thủ đô thời gian gần đây, được người dân ghi nhận, đánh giá cao.

Anh Bùi Tuấn Hiệp, quản lý khách sạn A25 cho biết: ‘Chỉ trong thời gian rất ngắn sau khi chúng tôi báo tin, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đã có mặt làm nhiệm vụ. Nhờ tinh thần quả cảm, không quản ngại hiểm nguy mà các chiến sĩ đã cứu giúp được hàng chục khách của chúng tôi, hạn chế tối đa thiệt hại về tài sản”.

Nhắc lại các vụ việc nêu trên, Trung sĩ Huỳnh Tuấn Duy, Hạ sĩ Nguyễn Đức Huy không thể nhớ hết bản thân và đồng đội đã tham gia bao nhiêu nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ và đã cứu được bao nhiêu người, bởi đây là nhiệm vụ và công việc thường ngày của họ.

“Thỉnh thoảng anh em rất vui khi nhận được thư cảm ơn của người dân sau các nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ. Đó là nguồn động viên để chúng tôi nỗ lực hoàn thành tốt hơn nữa chức trách được giao”, Trung sĩ Huỳnh Tuấn Duy nói.

Thao trường đổ mồ hôi...

Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại vụ cháy khách sạn A25 (quận Hoàn Kiếm).

Để có được những chiến công nói trên, các chiến sĩ cứu nạn, cứu hộ đã trải qua quá trình luyện tập thường xuyên, liên tục với áp lực cao. Thiếu tá Phạm Việt Dũng (Đội phó Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Công an quận Ba Đình) chia sẻ: Đơn vị thường xuyên tập luyện đội hình, trong đó đưa ra những tình huống giả định thực tế cho cán bộ, chiến sĩ tăng cường luyện tập với cường độ cao nhằm bảo đảm sẵn sàng chiến đấu.

“Điều quan trọng đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ cứu nạn, cứu hộ là sự tích lũy kỹ năng, kinh nghiệm từ luyện tập cũng như trong thực tế chiến đấu”, Thiếu tá Phạm Việt Dũng khẳng định.

Tại Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an huyện Thanh Trì), dưới cái nắng oi ả giữa mùa hè, hàng chục cán bộ, chiến sĩ vẫn hăng say luyện tập. Những động tác cơ bản vận dụng trong chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được thực hành thuần thục.

Trung úy Nguyễn Trường Phú cho hay, việc tổ chức cứu nạn, cứu hộ ở hiện trường các sự cố, tai nạn thường có diễn biến khó lường, nhất là ở trong môi trường có chất cháy nguy hiểm hoặc nhà chung cư, kho xưởng nằm sâu trong khu dân cư. Các cán bộ, chiến sĩ cứu nạn, cứu hộ thường phải thực hiện chiến đấu trong thời gian dài, có nguy cơ xảy ra nguy hiểm với chính bản thân mình. Do đó, công tác luyện tập kỹ, chiến thuật được đơn vị thực hiện mỗi ngày.

Về trang thiết bị của lực lượng cứu nạn, cứu hộ, Thiếu tá Lã Tuấn Anh, Đội phó Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an huyện Thanh Trì) cho biết, khi thực hiện nhiệm vụ, các anh phải mang theo các thiết bị như bình ô xy, mặt nạ phòng khói, quần áo bằng vật liệu chống cháy nặng hàng chục ki lô gam. Do đó, người sử dụng phải có sức bền, sức chịu đựng tốt để có thể tự xoay xở trong môi trường nhiều nguy hiểm như các hiện trường vụ cháy, sập đổ công trình...

Theo Thượng tá Trương Đức Dũng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội), nhiệm vụ công tác đặc thù đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ cứu nạn, cứu hộ phải có thể lực tốt, tinh thông nghiệp vụ, triển khai lực lượng, phương tiện nhuần nhuyễn nhằm bảo đảm nhanh chóng, thuận lợi cho việc cứu người, tài sản và khắc phục những sự cố xảy ra. Muốn làm tốt, điều quan trọng nhất là ý thức, ý chí, sự rèn luyện và luôn xác định rõ “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”.

“Chính vì vậy, để nâng cao trách nhiệm, kỹ năng, khả năng sẵn sàng chiến đấu, Công an thành phố luôn chú trọng công tác kiểm tra nghiệp vụ để mỗi cán bộ, chiến sĩ làm công tác cứu nạn, cứu hộ có sự rèn luyện thường xuyên và chia sẻ, tích lũy kinh nghiệm từ thực tiễn”, Thượng tá Trương Đức Dũng nhấn mạnh.

Trong mỗi vụ cháy, sự cố, những chiến sĩ cứu nạn, cứu hộ luôn mang một chiếc mặt nạ phòng khói và bộ quần áo chuyên dụng kín mít. Trong cơn hoảng loạn, người bị nạn được các anh cứu sống cũng không thể thấy mặt, hỏi tên ân nhân của mình.

Nhưng dù chiến công có lớn lao đến thế nào, chiến sĩ cứu nạn, cứu hộ vẫn luôn lặng lẽ như Trung sĩ Huỳnh Tuấn Duy và Hạ sĩ Nguyễn Đức Huy. Với họ, phần thưởng lớn nhất chính là sự bình yên ở mỗi căn nhà, góc phố của Thủ đô thân yêu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thầm lặng làm nên những chiến công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.