Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người đội trưởng đam mê với nghề

Thanh Hải| 06/12/2019 07:12

(HNM) - Nghề sửa điện vốn nhọc nhằn và nguy hiểm, khi những công nhân phải đu mình trên những cây cột chót vót, đối mặt với rủi ro có thể xảy đến bất kỳ lúc nào. Nhưng ngần ấy chưa là gì so với việc khắc phục sự cố trực tiếp trên đường dây đang tải điện như Đội sửa chữa điện nóng - “hotline”. 16 năm gắn bó với ngành Điện, Đỗ Hồng Thắng, Đội trưởng Đội sửa chữa điện nóng (Công ty Lưới điện cao thế thành phố Hà Nội) luôn đam mê với nghề, cùng đồng nghiệp hỗ trợ, cung cấp điện ổn định và liên tục cho khách hàng ở Thủ đô.

Nghề nguy hiểm

Đội trưởng Đội sửa điện nóng, Công ty Lưới điện cao thế thành phố Hà Nội, Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVNHANOI)  Đỗ Hồng Thắng sinh năm 1982, tại xã Tân Minh (huyện Sóc Sơn). Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Thắng đã đam mê, yêu thích kỹ thuật. Sau khi nhận bằng kỹ sư điện, năm 2003 Thắng đầu quân về Công ty Điện lực Đông Anh, được gần 2 năm thì chuyển về Đội sửa chữa điện nóng thuộc Xí nghiệp quản lý lưới điện 110kV, rồi về Đội quản lý đường dây 110kV, Công ty Lưới điện cao thế thành phố Hà Nội. Từ tháng 4-2016 đến nay, Thắng đảm nhận vị trí Đội trưởng Đội sửa chữa điện nóng, Công ty Lưới điện cao thế thành phố Hà Nội. “Dù mới hơn 3 năm, nhưng đây là khoảng thời gian thử thách, khó khăn và cũng đầy đam mê trong công việc của tôi” - Đỗ Hồng Thắng chia sẻ.

Đội trưởng Đỗ Hồng Thắng (thứ 3 từ trái sang) cùng các thành viên trong Đội sửa chữa điện nóng.

Người Đội trưởng có vóc người mảnh dẻ này cho biết, thông thường trước khi sửa chữa, điện được cắt để bảo đảm an toàn cho công nhân. Song với Đội sửa chữa điện nóng, anh em làm việc trực tiếp trên đường dây đang có điện. Nên có lẽ, cái tên “sửa chữa điện nóng” cũng vì thế mà ra. Ở các nước phát triển, công nghệ và phương thức sửa chữa này đã có từ lâu, nhưng ở Việt Nam thì mới được áp dụng. “Thao tác trên đường dây đang tải điện đòi hỏi công nhân phải hết sức cẩn trọng, tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy tắc, quy định về bảo hộ lao động, bởi chỉ một bất cẩn dù nhỏ nhất đều có thể nguy hiểm đến tính mạng, dẫn đến hậu quả lớn khó lường”, Đỗ Hồng Thắng nói về công việc của mình.

Là phương pháp mới, nên 12 người trong Đội sửa chữa điện nóng được EVNHANOI lựa chọn từ các đơn vị, đều là những người xuất sắc, có thâm niên công tác và hơn hết luôn tận tâm với công việc. Đỗ Hồng Thắng kể: "Bản thân mình trong 3 năm qua đã có 3 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đề tài nghiên cứu khoa học mang lại hiệu quả cao".

Cụ thể là, giải pháp "Đấu nối Trạm biến áp Yên Nghĩa 3 - quận Hà Đông (tại cột 24.2 lộ 474 E1.4) bằng phương pháp hotline", giúp cho các phụ tải không bị mất điện, không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân và hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Hay như sáng kiến “Dùng thảm cao su đặc kích thước (2x2x0,007)m lót bồn chứa nước cách điện trong quá trình vận chuyển đến vị trí công tác”, đã giúp ngăn ngừa được các hiện tượng rạn nứt bồn chứa nước, bảo đảm an toàn hơn cho phương tiện, dụng cụ lao động, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế, năng suất lao động của đơn vị.

“Đặc biệt là sáng kiến “Thiết kế, lắp đặt bộ giá để bảo quản dụng cụ sửa chữa điện “nóng” được anh em trong Đội tâm đắc, áp dụng. Bởi, sau khi sử dụng hệ thống giá đựng các loại thiết bị, kho hotline trở nên gọn gàng sạch sẽ, các dụng cụ được phân loại đặt trên giá, có tuổi thọ sử dụng cao hơn, từ đó giúp công nhân thao tác an toàn hơn”, Đỗ Hồng Thắng chia sẻ về sáng kiến của mình.

Theo Đỗ Hồng Thắng, có yêu nghề, say mê với công việc thì mới dám chấp nhận làm việc ở môi trường nguy hiểm - sửa chữa điện nóng.

“Đây là công việc đặc biệt nguy hiểm, người thợ không chỉ phải thành thạo nghề, chấp hành nghiêm quy trình an toàn, mà các thao tác sửa chữa trên lưới điện phải rất thuần thục, chính xác. May mắn là ở đơn vị, anh em đều say mê với nghề, đoàn kết, hỗ trợ nhau để vượt qua mọi khó khăn. Các thành viên của đội được lựa chọn từ nhiều đơn vị của EVNHANOI, nên gia đình đều ở xa nơi làm việc, người gần nhất thì khoảng 10km. Như tôi ở Sóc Sơn, hằng ngày phải đi khoảng 47km để đến Đội, nhưng không một ai đi làm muộn. Thậm chí, những ngày cao điểm như đợt nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 7, anh em còn đi làm rất sớm (4h-4h30) để tranh thủ sửa chữa điện khi trời chưa nắng gắt” - Đỗ Hồng Thắng tâm sự.

Động lực từ hậu phương vững chắc

Đến với ngành Điện, Đỗ Hồng Thắng luôn nỗ lực, rèn luyện, học hỏi từ những người đi trước, rồi mày mò nghiên cứu sách vở để áp dụng vào thực tiễn. Thắng nói: "May mắn cho tôi là được gia đình ủng hộ, nhất là bố mẹ hai bên hỗ trợ nhiều để tôi có thể dành thời gian, sức lực với công việc...".

Hai vợ chồng sống tại xã Tân Minh (huyện Sóc Sơn), vợ làm y tá tại Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn nên thường xuyên phải làm ca kíp. Đỗ Hồng Thắng cho biết: “Những lúc cả hai vợ chồng đều đi trực thì có ông bà hỗ trợ, chăm sóc con gái lớn năm nay học lớp 6 và cháu thứ hai học lớp 1. Nhờ vậy chúng tôi yên tâm để tập trung, hoàn thành công việc. Cũng may, vợ đi làm gần nhà nên thường xuyên thay mặt chồng chăm sóc, gần gũi các con”.  

Nhận xét về Đỗ Hồng Thắng, ông Ngô Đức Dũng, Phó Giám đốc Công ty Lưới điện cao thế thành phố Hà Nội cho hay, dù công việc sửa chữa điện nóng phải đối mặt với không ít hiểm nguy, nhưng anh Thắng và những thành viên trong đội đều chấp hành đúng quy trình nên công việc được vận hành an toàn. Lãnh đạo công ty luôn đánh giá cao về Đỗ Hồng Thắng và Đội sửa chữa điện nóng. Mọi nhiệm vụ mà đội hoàn thành đóng góp không nhỏ vào thành công chung của công ty và ngành Điện.

“Những nỗ lực của Đội sửa chữa điện nóng và cá nhân Đỗ Hồng Thắng đã góp phần thúc đẩy sản xuất - kinh doanh cho các đơn vị quản lý vận hành, làm tăng năng suất và sản lượng kinh doanh điện, tăng uy tín của EVNHANOI về việc đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ổn định, chất lượng và liên tục cho khách hàng trên địa bàn”, ông Ngô Đức Dũng nói.

Còn ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Tổng Giám đốc EVNHANOI cho biết, nhiều năm liền Đỗ Hồng Thắng đều đạt danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở", "Thợ giỏi cấp Tập đoàn Điện lực Việt Nam", được tặng "Bằng khen của Tập đoàn" và đang được EVNHANOI đề xuất Bộ Công Thương tặng Bằng khen do có thành tích công tác và nỗ lực sáng tạo trong giai đoạn năm 2017-2019.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người đội trưởng đam mê với nghề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.