Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhận biết ngộ độc rượu và cách phòng tránh

Xuân Lộc| 05/11/2021 06:23

(HNM) - Trong thời gian qua, các bệnh viện trên cả nước đã liên tục cấp cứu nhiều ca ngộ độc rượu. Tình trạng ngộ độc rượu một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc sử dụng rượu không bảo đảm an toàn.

Điều trị cho bệnh nhân ngộ độc rượu tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai).

Ngộ độc chủ yếu do rượu “3 không”

Tại thành phố Hồ Chí Minh, trong 3 tháng qua đã ghi nhận trên 20 trường hợp ngộ độc rượu tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và Bệnh viện Thống Nhất. Sau khi uống rượu, ông N.V.T (58 tuổi, quê ở tỉnh Vĩnh Long) nhập viện trong tình trạng đau bụng, buồn nôn, lơ mơ và hôn mê. Người nhà bệnh nhân cho biết, tối trước khi nhập viện, ông T. mua rượu ở tiệm tạp hóa nhỏ gần nhà để uống. Đến 3h hôm sau, ông bắt đầu nói sảng, chóng mặt, nôn ói, sau đó lơ mơ. Kết quả xét nghiệm độc chất cho thấy, nồng độ methanol (cồn công nghiệp) trong máu của bệnh nhân T. lên đến 209,42mg/dL, gấp hàng chục lần ngưỡng cho phép.

Theo bác sĩ Đỗ Quốc Hùng, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Nguyễn Tri Phương), chỉ trong tuần đầu tháng 10, khoa này đã tiếp nhận 9 ca ngộ độc rượu, 3 ca xin về vì tiên lượng nặng. Trong số những bệnh nhân này, có nhiều người nhập viện trong tình trạng nặng, hôn mê, khó thở, tím tái, suy hô hấp, mắt mờ, rối loạn cân bằng nước, điện giải, suy gan, suy thận, tăng đường huyết... và phải hồi sức tích cực.

Tương tự, từ những bệnh nhân ngộ độc rượu, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã phát hiện nhiều loại rượu giả, rượu trôi nổi, rất nhiều loại cồn sát trùng rởm chứa nồng độ cao methanol trên thị trường. Qua mỗi trường hợp phát hiện, Bệnh viện Bạch Mai đều thông báo cụ thể tới các cơ quan chức năng, nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, đa phần những trường hợp ngộ độc methanol là do uống phải loại rượu trắng “3 không” (không nhãn mác, không nguồn gốc, không rõ thành phần) trôi nổi ngoài thị trường. Vì lợi nhuận, người sản xuất đã pha cồn công nghiệp vào rượu. Điều đáng nói, ngộ độc methanol do uống phải rượu giả khiến người uống không biết và nghĩ rằng bị say rượu. Thậm chí, biểu hiện khi ngộ độc rượu methanol lại chậm và âm thầm nên phần lớn bệnh nhân đến viện muộn, khi đã bị tổn thương não, mắt. Mặt dù được điều trị tích cực, song tỷ lệ tử vong vẫn chiếm 30-50%. Nếu bệnh nhân không tử vong cũng dễ bị di chứng mù mắt, hoặc di chứng ở não, gan...

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, tùy cơ địa từng người sẽ có những phản ứng khác nhau, khi uống rượu chứa methanol. Có người sau khi uống có biểu hiện say rượu thông thường. Thậm chí, có thể sau 2 ngày, người uống mới xuất hiện biểu hiện ngộ độc. Đặc biệt, methanol được chuyển hóa và thải trừ rất chậm. Nếu bị ngộ độc mà bệnh nhân không tử vong, thì methanol có thể vẫn còn phát hiện thấy trong cơ thể tới 8 ngày sau khi uống rượu. Vì vậy, nếu để methanol tồn tại trong cơ thể giờ nào, thì chất độc này chuyển dần thành axit formic gây tổn thương mắt và não.

Cách xử trí khi bị ngộ độc rượu

Không chỉ bị ngộ độc rượu methanol, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cảnh báo, nhiều trường hợp cũng phải nhập viện do lạm dụng rượu thông thường. Nhiều “ma men” nghĩ rằng say rượu không nguy hiểm, nhưng họ đã nhầm. Thực tế, say rượu chính là biểu hiện của việc bị ngộ độc rượu, tùy mức độ có thể gây nguy hại cho sức khỏe, thậm chí mất mạng.

Để giảm thiểu các thiệt hại do ngộ độc rượu gây ra, bảo đảm tính mạng người tiêu dùng, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo, người dân không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol > 0,1%, vì có thể gây mù mắt và tử vong. Người dân cũng không nên uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân. Đặc biệt, không nên uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, hay khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cũng lưu ý, người sau khi uống rượu có những biểu hiện bất thường, như: Bất tỉnh, co giật, không thể ngồi dậy, da lạnh toát, tím tái, thở khò khè… thì phải cấp cứu tại chỗ và được gọi xe cấp cứu. Cụ thể, khi nạn nhân có những biểu hiện nguy hiểm kể trên của ngộ độc rượu, người thân cần phải nhanh chóng tiến hành các bước sơ cấp cứu tại chỗ cho nạn nhân để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Đó là cần cho nạn nhân nằm trên gối và nghiêng sang một bên để tránh tình trạng nôn và hít vào phổi gây viêm phổi. Ủ ấm cho người bị ngộ độc nếu thời tiết lạnh giá. Đặc biệt, phải thường xuyên kiểm tra tình trạng của nạn nhân. Nếu phát hiện thấy nạn nhân ngưng thở phải nhanh chóng sơ cứu tại chỗ và gọi xe cấp cứu. Không để bệnh nhân ngủ li bì suốt ngày hoặc đêm.

“Nếu bệnh nhân tỉnh táo và có thể ăn uống, thì nên cho ăn cháo loãng để tránh bị hạ đường huyết, đồng thời cho uống nhiều nước bù điện giải để tránh tình trạng mất nước. Nếu thấy bệnh nhân có những dấu hiệu bất thường, như: Mệt mỏi, co giật, lạnh toát, tím tái, thở khò khè, đau đầu hay mê man, loạn nhịp... thì người nhà cần sớm đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo.

Hiện nay, trên thị trường bán nhiều loại rượu khác nhau, có cả rượu trôi nổi chứa cồn công nghiệp methanol, gây ngộ độc cho con người. Trên thực tế, bằng mắt thường và các giác quan không thể nào phân biệt được rượu thường và cồn công nghiệp. Cách tốt nhất để tránh ngộ độc rượu có chứa cồn công nghiệp (methanol), trước khi uống rượu cần biết chắc chắn nguồn gốc xuất xứ của rượu dựa vào tem mác, nhãn hiệu chống hàng giả, mã vạch...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhận biết ngộ độc rượu và cách phòng tránh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.