Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguy hiểm vì ngộ độc cá nóc

Tư Văn| 22/11/2021 07:25

(HNM) - Mặc dù nguy cơ ngộ độc cá nóc đã được cảnh báo rất nhiều, nhưng hằng năm vẫn còn khá nhiều ca tử vong do cá nóc. Người bị ngộ độc vì ăn phải cá nóc chứa độc tố Tetradotoxin có nhiều ở các tạng, đặc biệt là gan, da, trứng.

Mùa xuất hiện cá nóc ở Việt Nam gần như quanh năm nhưng nhiều nhất từ tháng 5-6 và tháng 9-10. Theo Viện Hải dương học Nha Trang công bố, có 5 loại cá nóc có độc: Cá nóc răng mỏ chim, cá nóc tro, cá nóc vằn mặt, cá nóc chấm cam, cá nóc chuột vằn mang; trong đó cá nóc chấm cam và cá nóc chuột vằn mang là hai loài độc nhất. Chất độc trong 100g trứng của cá nóc chuột vằn mang có thể giết chết 200 người. Cứ 100g trứng hoặc gan loài cá nóc chấm cam có thể giết chết 60-70 người. Độc tố trong cá nóc có tính bền vững với nhiệt, nên không bị phân hủy khi nấu ở nhiệt độ cao thông thường.

Người ăn phải cá nóc có độc tố Tetrodotoxin, sau 5 phút đến 3-4 giờ mới xuất hiện cảm giác ngộ độc: Ngứa miệng và tê môi, lưỡi. Tiếp sau đó mệt mỏi, chóng mặt, thắt nghẹt lồng ngực, vã mồ hôi, sùi bọt mép, nói khó, đau bụng, buồn nôn, nôn, liệt các cơ vùng đầu, mặt, cổ. Trường hợp nặng xuất hiện liệt toàn thân, người mềm, chân tay mất khả năng vận động, da tím tái, cuối cùng suy hô hấp, trụy tim mạch và tử vong. Tỷ lệ tử vong rất cao nếu cấp cứu chậm.

Để phòng ngừa ngộ độc, cần nhận biết được các loại cá nóc và loại bỏ ngay khi đánh bắt, thu gom. Không phơi khô cá nóc lẫn cá thường để tránh nhầm lẫn. Không làm cá nóc đông lạnh hoặc chế biến dưới bất cứ hình thức nào để bán.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguy hiểm vì ngộ độc cá nóc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.