Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh chưa phát hiện ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ

Thu Hoài| 27/05/2022 15:42

(HNMO) - Chiều 27-5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) thông tin, đã phát hành tài liệu tuyên truyền dạng tờ rơi để người dân thành phố nắm thông tin về bệnh đậu mùa khỉ và cách phòng tránh. Hiện thành phố chưa xuất hiện ca nhiễm bệnh này.

Nội dung tài liệu tuyên truyền của HCDC về bệnh đậu mùa khỉ và cách phòng tránh.

Theo HCDC, sở dĩ gọi bệnh này là bệnh đậu mùa khỉ vì bệnh được phát hiện lần đầu tiên ở những đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu vào năm 1958. Sau đó, bệnh mới được phát hiện ở người vào năm 1970.

Các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ là: Benin, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa dân chủ Công gô, Gabon, Ghana, Bờ Biển Ngà, Liberia, Nigeria, Cộng hòa Công gô, Sierra Leone và Nam Sudan.

Tuy nhiên mới đây, ca bệnh đầu tiên nằm ngoài các nước từng phát hiện bệnh trước đây lại được ghi nhận tại Anh vào ngày 13-5-2022. Tính đến ngày 25-5, toàn thế giới đã ghi nhận hơn 158 trường hợp nhiễm bệnh này và 117 ca nghi nhiễm tại 19 quốc gia. Hiện chưa có ca tử vong do nhiễm bệnh đậu mùa khỉ.

Đáng chú ý, các ca bệnh được phát hiện đều không có tiền sử đi về từ vùng có dịch. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo, dịch bệnh đậu mùa khỉ sẽ tiếp tục gia tăng số trường hợp mắc trong thời gian tới.

Cũng theo HCDC, về triệu chứng, người nhiễm bệnh đậu mùa khỉ thường sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, giảm năng lượng, sưng hạch và phát ban hoặc tổn thương da. Các nốt phát ban thường bắt đầu trong vòng 3 ngày sốt. Tổn thương da có thể phẳng hoặc hơi nổi, chứa dung dịch trong hoặc hơi vàng, và sau đó có thể đóng vảy, khô và rụng vảy.

Số lượng tổn thương da trên một người có thể dao động từ một vài cho đến vài nghìn nốt. Nốt phát ban có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Các tổn thương này cũng có thể gặp ở miệng, bộ phận sinh dục và mắt. Triệu chứng điển hình này thường kéo dài từ 2 đến 4 tuần và tự biến mất mà không cần điều trị. Người dân khi thấy có triệu chứng này, cần báo ngay nhân viên y tế để được hướng dẫn điều trị, phòng tránh.

Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây sang người khi người có tiếp xúc với động vật nhiễm bệnh. Vật chủ bao gồm động vật gặm nhấm và động vật linh trưởng. Nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ từ động vật có thể giảm được bằng cách tránh tiếp xúc mà không có sử dụng bảo hộ cá nhân với động vật hoang dã, đặc biệt là động vật bị ốm hoặc đã chết.

Người mắc bệnh đậu mùa khỉ có nguy cơ làm lây nhiễm cho người khác khi tiếp xúc gần hoặc qua dịch cơ thể trong thời gian có triệu chứng (thông thường là từ 2 đến 4 tuần), nhất là khi có nốt phát ban. Việc tiếp xúc với quần áo, đồ dùng của người bệnh cũng có thể là nguyên nhân lây nhiễm bệnh với người thường. Ngoài ra, vết loét, tổn thương hoặc chỗ đau trong miệng cũng có nguy cơ làm lây nhiễm, nghĩa là vi rút có thể lây qua nước bọt.

Vi rút cũng có thể làm lây bệnh từ người đang có thai sang bào thai qua rau thai hoặc từ cha mẹ nhiễm bệnh sang con trong hoặc sau khi sinh do tiếp xúc trực tiếp da với da. Hiện chưa rõ người mắc bệnh đậu mùa khỉ không có triệu chứng có làm lây bệnh này hay không.

Hiện đã có một số loại vắc xin phòng bệnh đậu mùa cũng mang lại khả năng bảo vệ ở mức độ nhất định chống bệnh đậu mùa khỉ. Một loại vắc xin mới hơn đã được phát triển để phòng bệnh đậu mùa (MVA-BN - còn gọi là Imvamune, Imvanex hoặc Jynneos) đã được WHO phê duyệt vào năm 2019 để sử dụng trong phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ và hiện chưa được phổ biến rộng rãi.

Về điều trị, điều quan trọng là cần chăm sóc nốt phát ban bằng cách để chúng tự khô nếu có thể hoặc băng lại bằng gạc ẩm để bảo vệ vùng bị tổn thương nếu cần thiết. Tránh chạm vào bất cứ chỗ đau nào trong miệng hoặc mắt. Có thể súc miệng và nhỏ mắt với điều kiện là tránh sử dụng sản phẩm có chứa cortisone.

Globulin miễn dịch ở người (Vaccinia Immune Globulin - VIG) được khuyến cáo sử dụng trong các ca bệnh nghiêm trọng. Một loại thuốc kháng vi rút đã được phát triển để điều trị bệnh đậu mùa (tecovirimat, có tên thương mại là TPOXX) cũng đã được WHO phê duyệt để điều trị bệnh đậu mùa khỉ vào năm 2022.

Ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai giám sát người nhập cảnh từ các nước xuất hiện ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ tại các cảng hàng không, cảng biển bằng đo thân nhiệt và theo dõi các yếu tố lâm sàng khác.

Bà Lê Thị Huỳnh Như, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh thông tin: “Tính đến ngày 27-5, thành phố Hồ Chí Minh chưa phát hiện ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh chưa phát hiện ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.