Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bác sĩ tại nhà: Kinh nghiệm phòng chống cúm A

Bác sĩ Nguyễn Thu Hường| 15/07/2022 07:26

(HNMCT) - Hỏi: Thưa bác sĩ, hiện nay, bệnh cúm A có sự gia tăng bất thường. Bác sĩ có thể cho tôi biết cách phòng chống cũng như dấu hiệu của bệnh cúm A? Nguyễn Thị Thanh Hà (phường Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội).

Đáp: Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính thường xảy ra vào mùa đông - xuân, khi chuyển giao giữa hai mùa (cúm do mùa). Bệnh cúm A gây ra bởi các chủng của vi rút cúm A như H1N1, H5N1, H7N9... Bệnh lây lan qua đường hô hấp thông qua các hạt bụi nước, giọt bắn li ti dính vi rút được thải ra khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc qua tiếp xúc với các đồ vật, bề mặt nhiễm vi rút rồi đưa lên mắt, mũi, miệng. Triệu trứng của bệnh cúm A là ho, khó thở, đau đầu, mệt mỏi, đau nhức xương, sưng hạch hầu họng, viêm, đau nhức vòm họng; sốt cao trên 38,5oC tê bì chân tay; buồn nôn.

Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2 - 7 ngày. Nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, đặc biệt là người có bệnh về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... thì bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.

Vi rút cúm không ngừng biến đổi, sau một năm thì kháng thể cũng dần ít đi, do vậy, biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm vắc xin phòng cúm chủ động, thời điểm tiêm thích hợp là trước lúc giao mùa đông - xuân khoảng 3 tháng (tháng 7 - 9 hằng năm) để cơ thể kịp sản sinh kháng thể chống lại vi rút gây bệnh. Bên cạnh đó, cúm A là bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, giống như Covid-19. Để phòng bệnh, người dân cần đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và hạn chế tiếp xúc đông người.

Để chủ động phòng chống cúm mùa, trong đó có cúm A, người dân cần bảo đảm vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng, nước sạch; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối.

Mỗi người cũng cần ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng. Người dân cần hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi thì cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Bác sĩ Nguyễn Thu Hường
Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bác sĩ tại nhà: Kinh nghiệm phòng chống cúm A

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.