Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thận trọng khi mua và sử dụng thuốc Tamiflu

Thu Trang| 25/07/2022 06:22

(HNM) - Tình hình bệnh cúm mùa trên địa bàn Hà Nội đang có xu hướng gia tăng. Thực tế đó đã khiến cho giá thuốc Tamiflu - một trong những loại thuốc đặc trị cúm A bắt đầu có hiện tượng “nhảy múa”. Đáng lo ngại, việc người dân tự ý mua thuốc Tamiflu về điều trị có thể dẫn đến nhiều hệ lụy. Để bảo đảm sức khỏe, người dân cần thận trọng, tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi mua và sử dụng loại thuốc này.

Người tiêu dùng nên đến những cửa hàng dược phẩm có uy tín để mua thuốc.

Mỗi nơi một giá

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tính từ đầu năm 2022 đến ngày 18-7, Hà Nội đã ghi nhận 2.605 trường hợp mắc cúm, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Đặc biệt, từ tháng 1 đến tháng 4-2022 có gần 400 ca mắc cúm/tháng, thì đến tháng 6-2022 ghi nhận 887 ca (tăng gấp hơn 2 lần).

Riêng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, trong 2 tuần đầu tháng 7-2022 đã khám và sàng lọc cho 1.068 ca nghi nhiễm cúm. Còn tại Trung tâm Xét nghiệm (Bệnh viện Đa khoa Medlatec) từ ngày 1 đến 18-7 có 4.887 trường hợp làm xét nghiệm cúm, trong đó số ca dương tính là 2.377 ca (gồm 97% là cúm A và 3% là cúm B).

Diễn biến phức tạp của dịch cúm đã khiến nhu cầu sử dụng thuốc Tamiflu của người dân tăng cao, dẫn đến giá thuốc cũng bị đẩy lên một cách bất thường. Nếu như cách đây vài tuần, một số chủ hàng vẫn cung cấp Tamiflu với mức giá 480.000-500.000 đồng/hộp (10 viên), thì nay, mức giá đang dao động từ 530.000 đồng đến 580.000 đồng/hộp. Nhiều nơi, thuốc Tamiflu còn được quảng cáo là hàng “xách tay”, với giá bán lên tới 680.000-750.000 đồng/hộp.

Chị Nguyễn Thị Lan Hoa (ở phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) chia sẻ: “Tôi có con bị mắc cúm phải mua thuốc Tamiflu với giá 72.000 đồng/viên. Nhưng mấy ngày sau đó, đến lượt tôi cũng bị nhiễm bệnh, mua thuốc Tamiflu ở một hiệu thuốc gần nhà, thì chỉ có 68.000 đồng/viên”.

Chủ một cửa hàng thuốc tại quận Long Biên cho biết, vào thời điểm trước tháng 7-2022, giá thuốc Tamiflu ở đây là 480.000 đồng/hộp (10 viên), thì hiện nay đã tăng lên 560.000 đồng/hộp. Hiện tại, thuốc tại cửa hàng này đã “cháy hàng” và chưa biết bao giờ có trở lại. Người bán hàng cũng cho hay, giá thuốc được đẩy lên cao không phải do hãng cung cấp, mà chủ yếu do tình trạng các mối buôn ôm hàng, tác động tới thị trường.

Nhân viên Bệnh viện Đa khoa Medlatec lấy mẫu xét nghiệm cúm tại nhà. Ảnh: Thu Ngô

Không nên tự ý sử dụng

Bệnh cúm không chỉ gia tăng ở Hà Nội, mà còn xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước. Những ngày qua, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1, thành phố Hồ Chí Minh) đã nhận được nhiều câu hỏi của các phụ huynh về việc có nên cho con sử dụng thuốc Tamiflu khi nhiễm cúm. Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng, do các tác dụng phụ, nên không thể sử dụng loại thuốc này một cách tùy tiện. Tamiflu thường chỉ dùng đối với các trường hợp viêm phổi siêu vi cấp tính hoặc với người có cơ địa tiểu đường, nguy cơ bị tăng nặng.

“Tamiflu chỉ có hàm lượng duy nhất dùng cho người lớn và rất khó dùng cho trẻ em. Chỉ điều dưỡng và bác sĩ mới biết cách chia liều sao cho đúng theo lứa tuổi. Việc phụ huynh tự mua Tamiflu điều trị cho con, rất dễ dẫn đến quá liều hoặc thiếu liều. Tamiflu mà dùng không đúng liều, dễ gây kháng thuốc”, bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo.

Theo các chuyên gia y tế, 80-90% các trường hợp mắc cúm là ở thể nhẹ, có thể tự khỏi. Những trường hợp sốt cao kéo dài liên tục, tổn thương phổi, thì mới cần nhập viện điều trị. Ngoài Tamiflu, bác sĩ còn dùng nhiều loại thuốc khác để phối hợp điều trị. Những trường hợp mắc cúm, song chỉ ho, chảy nước mũi, sốt nhẹ, chụp X-quang phổi không có tổn thương, chỉ cần điều trị ngoại trú, nâng cao thể trạng để bệnh tự khỏi.

Tiến sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) cho rằng, các bậc phụ huynh không nên tự ý mua thuốc Tamiflu sử dụng cho trẻ. Thuốc này dùng để ức chế vi rút nhân lên, làm giảm khả năng bám dính của vi rút ở đường hô hấp. Tuy nhiên, một nghiên cứu đã được Bệnh viện Nhi trung ương triển khai cho thấy, nếu sử dụng Tamiflu sau 48 giờ, kể từ lúc có triệu chứng sốt, thì không khác gì nhóm bệnh nhân không dùng. Vấn đề quan trọng khi trẻ mắc cúm A là phải chú ý hạ sốt, vệ sinh đường hô hấp, hạn chế tiếp xúc để tránh bội nhiễm. Bên cạnh đó, cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho trẻ.

Còn theo khuyến cáo của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), trong điều trị cúm, Tamiflu (chứa hoạt chất Oseltamivir hàm lượng 75mg) là thuốc không được sử dụng tùy tiện, không nên tự ý mua thuốc về chữa cúm. Thuốc Tamiflu và các thuốc khác có chứa hoạt chất Oseltamivir là thuốc kê đơn, khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc. Nếu sử dụng không theo đúng chỉ định của người kê đơn, có thể dẫn đến nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe.

Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, đáp ứng đủ nhu cầu điều trị của người bệnh; đồng thời thực hiện tốt công tác khám, thu dung, điều trị, chuyển tuyến đối với bệnh nhân mắc cúm mùa, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng chuyển nặng và tử vong.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thận trọng khi mua và sử dụng thuốc Tamiflu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.