Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Clean eating'': Hiểu sao cho đúng?

Minh Ðức| 19/08/2022 06:46

(HNNN) - Những năm gần đây, ngày càng có nhiều người quan tâm tới vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là chế độ ăn uống. Trong nhiều xu hướng, chế độ ăn “clean eating” (ăn sạch) nổi lên như một giải pháp ăn uống lành mạnh, một xu hướng ăn sạch - sống xanh vừa cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng vừa đảm bảo sức khỏe. Tuy nhiên, vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe, các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần nắm vững một số nguyên tắc cơ bản trước khi áp dụng để đạt hiệu quả tối đa.

Chế độ ăn clean eating (ăn sạch) được xem như một giải pháp ăn uống lành mạnh, một xu hướng ăn sạch - sống xanh đối với nhiều người.

Xu hướng mới

“Clean eating” là chế độ ăn kiêng các loại chất béo, ưu tiên chọn lựa các thực phẩm nguyên hạt, thực phẩm ở trạng thái tự nhiên. Có thể hiểu đơn giản, “clean eating” chính là ăn sạch, ăn những thực phẩm tươi, tự nhiên và không ăn các loại thực phẩm đông lạnh, nhiều dầu mỡ, chất béo hay thực phẩm chế biến sẵn.

Ngoài ra, những người theo chế độ ăn “clean eating” sẽ không sử dụng các loại thực phẩm hoặc nguyên liệu được sản xuất trong phòng thí nghiệm hoặc được chế biến tại nhà máy, “clean eating” cũng được định nghĩa trong việc chọn phương pháp chế biến. Thông thường, khi nhắc đến “clean eating”, người ta thường nhắc đến phương pháp nấu ăn giảm thiểu chất béo như xào, luộc và hấp. Đối với các loại trái cây và rau, sử dụng nguyên bản là tốt nhất.

Do sở hữu nhiều ưu điểm, phong trào “clean eating” đã xuất hiện và được áp dụng tại nhiều nước phát triển như Mỹ, Nhật... Tại Việt Nam, cùng với sự phát triển của internet, mạng xã hội, fitness influencers, food influencers,... “Clean eating” du nhập và trở thành chế độ ăn sạch, lành mạnh giúp nâng cao sức khỏe, cải thiện vóc dáng, làn da hiệu quả được nhiều người ưa chuộng. Thậm chí, không hiếm nhân vật nổi tiếng theo đuổi lối sống lành mạnh này như hot girl Châu Bùi, Đào Chi Anh - founder Kitchen Art đồng thời là tác giả của nhiều cuốn sách về nấu ăn, HLV fitness Hana Giang Anh...

Xu hướng này ngày càng lan rộng đến mức, thay vì tự chế biến tại nhà, nhiều người đã lựa chọn tìm đến các địa chỉ kinh doanh “clean eating” hoặc mua đồ ăn “clean eating” online qua các ứng dụng công nghệ để đặt phần ăn hằng ngày, thậm chí là mua combo theo tuần và theo tháng.

Theo đuổi chế độ “clean eating” được hơn 1 năm nay, chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (nhân viên ngân hàng HDBank) chia sẻ, một năm trở lại đây Linh cảm thấy cơ thể chắc khỏe, da sáng đẹp hơn, hỗ trợ việc giảm cân hơn với chế độ ăn bình thường. “Thật ra ăn theo chế độ “clean eating” không quá khắt khe. Tôi chỉ thay thế các gia vị như dầu ăn bằng dầu ô liu, đường bằng mật ong, sữa hạt để thay sữa bò...” - chị Linh nói.

Theo đuổi chế độ ăn sạch gần 2 năm, chị Nguyễn Thu Hiền (phường Việt Hưng, Long Biên) đánh giá, “clean eating” giúp chị kiểm soát cân nặng, cân bằng sức khỏe tinh thần, thông qua việc ăn uống khoa học giúp hạn chế sử dụng chất béo bão hòa và đồ ngọt. Chị chọn ngũ cốc nguyên hạt như cám gạo, gạo lứt, lúa mạch hoặc khoai tây nguyên vỏ để bổ sung chất xơ. Ngoài ra, để có làn da khỏe, vóc dáng cân đối, mỗi ngày chị ăn ít nhất 5 loại trái cây, rau xanh và chọn thịt gà, cá, trứng, ngũ cốc nguyên hạt cho bữa chính. Chị đánh giá, so với các chế độ ăn kiêng như “keto” (kiêng tinh bột), ăn chay (kiêng thịt), chế độ “clean eating” không yêu cầu kiêng khem bất kỳ nhóm chất nào nên chị rất thoải mái và hài lòng.

Hãy lắng nghe cơ thể

Tuy có nhiều ưu điểm nhưng chế độ ăn “clean eating” cũng có những hạn chế nhất định. Cụ thể, việc ăn “clean eating” có thể làm tăng nguy cơ loãng xương do thiếu canxi - thường được cung cấp thông qua việc tiêu thụ các sản phẩm sữa. Vào tháng 4-2022, tờ báo Telegraph có bài viết về việc Hiệp hội Loãng xương quốc gia Anh khuyến cáo, việc ăn uống sạch theo lối “clean eating” có thể khiến những người trẻ tuổi bị yếu xương do cắt sữa và sản phẩm từ sữa ra khỏi chế độ ăn uống của họ.

Mặt khác, nhiều chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến cáo, cho dù theo chế độ ăn “clean eating” nhưng người dân vẫn phải duy trì việc nạp tinh bột vào cơ thể, có thể ăn một chút nhưng phải đảm bảo đó là lượng tinh bột tốt cho sức khỏe. Bởi nạp tinh bột giúp não bộ của bạn minh mẫn, tỉnh táo, đồng thời cung cấp cho cơ thể năng lượng hoạt động nhiều hơn.

PGS.TS.BS Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cũng khẳng định, hiện không có tài liệu chính thống nói về chế độ ăn “clean eating” và khi quan sát, có thể thấy chế độ ăn này chủ yếu là giảm gluxit (carbohydrate, chất bột đường) ở mức tối đa. Khi giảm lượng carbohydrate dưới 40% - tương đương khoảng 130g gluxit mỗi ngày - sẽ ảnh hưởng tới cơ thể, tăng nguy cơ bệnh tật và tử vong (nghiên cứu đăng trên tạp chí Lacent 2018).

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho biết, ăn theo chế độ “clean eating” là trào lưu trên mạng xã hội. Trong chế độ ăn này lại có nhiều góc tiếp cận khác nhau. Người thì cho rằng không nên ăn thịt đỏ, ăn nhiều rau hoặc trái cây, người thì cho rằng không nên ăn chất bột đường. Vì vậy, khi giới trẻ áp dụng chế độ ăn này thì cần phải cân nhắc kỹ để tránh tình trạng mất cân đối về dinh dưỡng. Người ăn theo chế độ này trước tiên phải dựa vào tình trạng sức khỏe, tuổi tác. Phải có sự hướng dẫn từ cán bộ y tế có chuyên môn về dinh dưỡng để tránh tác động không mong muốn.

Xét cho cùng, chúng ta không nên thần thánh hóa chế độ “clean eating” bởi thực chất nó không hề “lợi hại” như những lời đồn thổi trên mạng. Điều cốt lõi mà “clean eating” hướng đến chính là việc chú ý đến chế độ ăn uống hằng ngày sao cho thật lành mạnh và phù hợp với bản thân. Cùng với đó, mỗi người cần phải “lắng nghe” cơ thể mình cũng như điều kiện về tài chính và thời gian của bản thân để chọn cách ăn phù hợp. Không nên mù quáng chạy theo xu thế mà có những cách ăn không hợp lý, ảnh hưởng đến sức khỏe.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
''Clean eating'': Hiểu sao cho đúng?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.