Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa thể công bố kết thúc dịch Covid-19

Thu Trang| 25/10/2022 18:14

(HNMO) - Chiều 25-10, theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 514 ca mắc Covid-19 (giảm 32 ca so với ngày trước đó). Ngoài ra, có thêm 446 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh và không ghi nhận ca mắc Covid-19 tử vong. Dù dịch bệnh đang được kiểm soát, số ca mắc giảm mạnh nhưng theo Bộ Y tế, Việt Nam chưa thể công bố kết thúc đại dịch Covid-19.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.498.047 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 115/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.196 ca nhiễm).

Về tình hình điều trị, có thêm 446 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 10.601.535. Ngoài ra, hiện có 68 bệnh nhân đang thở ô xy, trong đó, có 58 ca thở ô xy qua mặt nạ, 3 ca thở ô xy dòng cao HFNC, 1 ca thở máy không xâm lấn và 6 ca thở máy xâm lấn.

Về số bệnh nhân tử vong, hiện chưa ghi nhận thêm ca mắc Covid-19 tử vong. 

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.161 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam xếp thứ 26/230, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 138/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

Về tình hình tiêm chủng, theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 261.406.795, trong đó, tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 221.309.641 liều; tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.325.166 liều và tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 16.771.988 liều.

Theo Bộ Y tế, trong khoảng 1 tuần nay, số ca mắc Covid-19 trên cả nước giảm mạnh, trong khoảng từ hơn 400 đến 500 ca/ngày, thậm chí có ngày ghi nhận chỉ hơn 150 ca mắc. Dù vậy, Việt Nam chưa thể công bố kết thúc đại dịch Covid-19.

Ngày 25-10, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tình hình Covid-19 trên thế giới hiện vẫn còn phức tạp, chưa ổn định và khó dự đoán. Nếu công bố chấm dứt dịch, Việt Nam sẽ đối mặt với hai thách thức.

Thứ nhất, trường hợp xảy ra tình huống xuất hiện biến chủng vi rút mới nguy hiểm hơn có khả năng làm giảm hiệu quả vắc xin hoặc giảm miễn dịch, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên. Dịch có nguy cơ bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế.

Khi công bố hết dịch, các cơ chế, chính sách đặc thù trong phòng, chống dịch sẽ không được áp dụng như nghiên cứu, sản xuất hoặc mua, tiếp nhận, cấp phép, sử dụng vắc xin, trang thiết bị y tế, thuốc và sinh phẩm y tế, phương tiện phòng hộ cá nhân... trong tình trạng khẩn cấp, ảnh hưởng đến triển khai các biện pháp phòng, chống.

Thứ hai, việc huy động chính quyền các cấp, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, người dân tham gia phòng, chống dịch sẽ không còn được quan tâm đúng mức. Người dân có thể có tâm lý chủ quan, lơ là. Việc kích hoạt áp dụng trở lại các biện pháp hành chính, xã hội khi cần sẽ bị động.

Trước thực tế, dịch Covid-19 tại nước ta đang được kiểm soát, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cơ bản đã trở về trạng thái bình thường mới, tạo thuận lợi cho người dân trong hoạt động đi lại, lao động, sản xuất, kinh doanh. 

Theo GS.TS Phan Trọng Lân, hiện Bộ Y tế đã chủ động điều chỉnh theo hướng giảm dần các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với tình hình dịch, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Theo quy định mới, Việt Nam đã dừng khai báo y tế; dừng cách ly đối với người nhập cảnh, người tiếp xúc… Bộ Y tế cũng đã điều chỉnh hướng dẫn phòng, chống dịch đối với người dân từ “5K” (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế) sang chỉ còn “2K” (khẩu trang, khử khuẩn).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chưa thể công bố kết thúc dịch Covid-19

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.