Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trong 15 ca tử vong do sốt xuất huyết, có ca chỉ mới 13 tuổi

Thu Trang| 25/11/2022 19:20

(HNMO) - Từ tháng 5-2022 cho đến nay, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đã ghi nhận 15 ca tử vong do sốt xuất huyết, trong đó, ca ít tuổi nhất là 13 tuổi, nhiều tuổi nhất là 82 tuổi. Điều đáng nói là đa số do bệnh nhân nhập viện muộn, không thể cứu chữa.

Chăm sóc bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.

Tính đến ngày 25-11, cả 2 cơ sở của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đang điều trị cho hơn 100 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nặng. Trung bình mỗi ngày có khoảng 10-20 ca nhập viện. 

Bệnh viện này là cơ sở y tế tuyến cuối điều trị các bệnh truyền nhiễm. Do đó, bệnh nhân được chuyển vào đây (trực tiếp hoặc chuyển từ tuyến dưới lên) hầu hết đều có dấu hiệu cảnh báo, thậm chí trở nặng, nguy kịch.

Từ tháng 5-2022 cho đến nay, bệnh viện này đã ghi nhận 15 ca tử vong do sốt xuất huyết, trong đó, ca ít tuổi nhất là 13 tuổi, nhiều tuổi nhất là 82 tuổi. Đa số trường hợp tử vong do bệnh nhân nhập viện muộn, chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương từ tuyến dưới, khi tới đây đã không thể cứu chữa.

Các bác sĩ cho rằng, diễn biến dịch sốt xuất huyết năm nay khác với mọi năm. Cụ thể, năm nay có nhiều ca bệnh đi vào sốc nhiễm trùng sớm từ ngày thứ 3 - 5 (trong khi mọi năm thường là ngày thứ 5 - 7).

Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) cho biết, trong số các bệnh nhân sốt xuất huyết tử vong được nghiên cứu, có đến 50% bệnh nhân có dấu hiệu sốc từ rất sớm, trong đó có 4 ca ngưng tim. 

Điển hình như trường hợp của nữ bệnh nhân 22 tuổi, có dấu hiệu thừa cân, được chuyển từ tuyến dưới lên trong tình trạng rất nặng, gồm: Sốc, xuất huyết, thiếu máu nặng và đã từng một lần ngừng tim. Dù các y, bác sĩ đã cố gắng hết sức để điều trị, hồi sức tích cực nhưng bệnh nhân vẫn không qua khỏi. 

Tuần trước đó, bệnh viện ghi nhận 2 ca tử vong, đều là nam, 31 và 38 tuổi, có địa chỉ tại Hà Nội. Khi được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương từ bệnh viện tuyến dưới ở ngày thứ 5 và 7 của bệnh, cả hai đã rơi vào tình trạng sốc, vật vã. Dù được điều trị tích cực, lọc máu, chạy ECMO (hồi sức tim phổi nhân tạo) nhưng tình trạng bệnh quá nặng, cả 2 tử vong sau 6 ngày điều trị.

Theo các bác sĩ, lâu nay chúng ta vẫn gọi là “sốt xuất huyết Dengue”, vô tình khiến người dân nghĩ rằng, cứ phải có triệu chứng xuất huyết thì mới là sốt xuất huyết.

Tuy nhiên, bác sĩ Phạm Văn Phúc lưu ý, nhiều bệnh nhân không có biểu hiện xuất huyết nhưng vẫn giảm tiểu cầu nặng và tử vong nhanh chóng. Do đó, nên chăng cần thay đổi khái niệm về bệnh để người dân vào viện sớm hơn khi có sốt, không phải cứ đợi đến khi có xuất huyết thì bệnh mới nặng.

Theo các chuyên gia y tế, xuất huyết chỉ là một trong những triệu chứng của bệnh. Người mắc bệnh sốt xuất huyết nhất thiết phải có sự chỉ dẫn, giám sát của bác sĩ vì một khi bệnh diễn biến nặng thì sẽ rơi vào sốc, tử vong rất nhanh, tính bằng giờ, bằng phút…

Do đó, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tuyệt đối không tự điều trị tại nhà, cần đi khám, xét nghiệm, có sự giám sát, hướng dẫn của bác sĩ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trong 15 ca tử vong do sốt xuất huyết, có ca chỉ mới 13 tuổi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.