Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiêm chủng phòng bệnh cho trẻ: Người dân “thích” trả tiền?

Thu Trang| 22/03/2015 06:42

(HNM) - Câu chuyện thiếu vắc xin dịch vụ và những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đang trở thành vấn đề


Hàng "hot" nhưng nhà sản xuất không quan tâm

Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay, trong 20 loại vắc xin dịch vụ thì chỉ có hai loại vắc xin "5 trong 1" và "6 trong 1" rơi vào tình trạng thiếu hụt dài hạn, các loại vắc xin khác cơ bản được đáp ứng đầy đủ. Lý giải về việc thiếu hai loại vắc xin nói trên, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, nguyên nhân thiếu hụt hai loại vắc xin này là do thời gian vừa qua nhà sản xuất không thể đáp ứng đủ nhu cầu do thay công nghệ, chuyển địa điểm…, thậm chí có những lô vắc xin bị hỏng, không đủ tiêu chuẩn đưa ra thị trường. Mặt khác, vắc xin dịch vụ "6 trong 1" và "5 trong 1" có thị phần hạn chế, chỉ "nóng" tại một số thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Việc đặt hàng hai loại vắc xin này được thực hiện theo sự điều tiết của thị trường, của cung - cầu chứ không có quy mô từ Chính phủ như vắc xin thuộc chương trình TCMR. Vì vậy, dù đang là hàng "hot" tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nhưng hai loại vắc xin trên không nhận được sự quan tâm của nhà sản xuất, dẫn tới hiện tượng thiếu hụt.

Tiêm chủng đang là vấn đề “nóng”.Ảnh: Tiến Lộc



Cũng theo thống kê của Bộ Y tế, số trẻ được tiêm phòng dưới hình thức dịch vụ không lớn, hằng năm chỉ chiếm tỷ lệ từ 8% đến 10%. Phần lớn trẻ hiện vẫn đang tham gia tiêm theo chương trình TCMR, ước tính khoảng 1,5 triệu trẻ mỗi năm. PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, tiêm chủng dịch vụ chỉ "nở rộ" trong hai năm gần đây, sau khi xảy ra một số sự cố, tai biến sau tiêm chủng. Mặc dù hội đồng chuyên môn đã kết luận, lỗi xảy ra tai biến không phải do chất lượng vắc xin nhưng tâm lý e ngại "vắc xin miễn phí thì không tốt bằng vắc xin phải trả tiền" đã dẫn tới tình trạng chờ đợi vắc xin dịch vụ, khiến nhiều trẻ không được tiêm đúng lịch.

Đề cập đến chất lượng vắc xin dịch vụ và vắc xin miễn phí, ông Đỗ Tất Đạt, Giám đốc Công ty Vắc xin và sinh phẩm số 1 (Bộ Y tế) cho biết: Có những loại vắc xin được công ty cung cấp đồng thời cho cả điểm tiêm chủng dịch vụ và chương trình TCMR, thế nhưng người dân lại chấp nhận trả tiền để được tiêm ở điểm dịch vụ. Đơn cử như vắc xin phòng viêm não Nhật Bản ở các điểm tiêm đều có chất lượng như nhau, cùng nhà sản xuất nhưng nếu người dân đưa trẻ đến các điểm TCMR thì sẽ được miễn phí, còn nếu tiêm dịch vụ thì sẽ phải trả tiền. Và điều đáng nói là có rất nhiều người tìm đến điểm tiêm dịch vụ... để "được" trả tiền.

Những câu chuyện như vậy có xảy ra ở các nước trên thế giới hay không? TS Kohei Toda - chuyên gia về TCMR của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định rằng tình trạng nói trên không xảy ra ở những nước khác. Như tại Nhật Bản, chính quyền địa phương giao cho các bệnh viện và phòng khám tư nhân thực hiện TCMR thường xuyên. Các đơn vị này sẽ mua vắc xin được các cơ quan quản lý cấp phép để tiêm phòng cho trẻ, sau đó chính quyền địa phương sẽ hoàn tiền cho các phòng khám và bệnh viện. Cơ sở y tế sẽ thông báo cho các bậc phụ huynh có trẻ ở lứa tuổi tiêm chủng tại thời điểm các cháu đến tuổi cần được tiêm chủng. Sau đó, các bậc phụ huynh sẽ đưa con đến cơ sở y tế gần nhất theo chỉ định. Với những cháu sau vài tháng mà chưa tiêm thì họ sẽ gửi thư thông báo, yêu cầu cha mẹ đưa con đi tiêm chủng. "Ở Việt Nam, việc trì hoãn hoặc đưa trẻ đi tiêm muộn làm gia tăng nguy cơ bệnh dịch quay lại. Điều này đã gây ra hậu quả mà cụ thể là dịch sởi bùng phát vào đầu năm ngoái. Còn hiện tại đang xảy ra nhiều trường hợp mắc ho gà, nguyên nhân chính xác là do không tiêm chủng hoặc sử dụng vắc xin chậm" - TS Kohei Toda nhấn mạnh.

Phó Trưởng ban Chủ nhiệm chương trình TCMR Nguyễn Văn Cường:
Suy nghĩ cứ vắc xin đắt tiền thì tốt hơn là suy nghĩ sai. Việc đặt hàng các loại vắc xin trong chương trình TCMR được thực hiện theo kế hoạch với hàng triệu liều, trong khi vắc xin dịch vụ chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, so sánh chúng giống như bán buôn và bán lẻ. Mặt khác, vắc xin trong chương trình TCMR được Chính phủ và các tổ chức quốc tế hỗ trợ kinh phí. Hơn nữa, 12 loại vắc xin miễn phí trong chương trình TCMR là những loại vắc xin phòng các bệnh nguy hiểm nhất. Chính vì vậy, các bà mẹ không nên từ bỏ cơ hội để trẻ được tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch.

Bình đẳng về chất lượng và chi phí tiêm chủng

Để làm "hạ nhiệt" tại các điểm tiêm dịch vụ và đối phó với tình trạng thiếu hai loại vắc xin nói trên, Bộ Y tế đã yêu cầu các điểm tiêm dịch vụ phải triển khai tiêm vắc xin trong chương trình TCMR tương ứng với loại vắc xin dịch vụ đã hết. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, sau hơn một tuần triển khai tiêm vắc xin Quinvaxem (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, Hib) miễn phí thay thế cho vắc xin "5 trong 1" và "6 trong 1" tại các điểm tiêm chủng dịch vụ, đã có hơn 1.500 trẻ được tiêm loại vắc xin miễn phí. Với giải pháp này, Bộ Y tế hy vọng trẻ em được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Tuy nhiên, đó không phải là giải pháp dài hạn.

Đề cập đến giải pháp lâu dài, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng: Quan trọng nhất là phải hình thành được hệ thống điểm tiêm bất kỳ; dù là cơ sở y tế của Nhà nước hay tư nhân, điều trị hay dự phòng, cứ đủ điều kiện là có thể thực hiện việc tiêm chủng. Hiện nay, ngành y tế đang trình Chính phủ phương án nói trên. Mặt khác, cần phải xác định là không thể bỏ hình thức tiêm dịch vụ. Tiêm chủng dịch vụ có khoảng 20 loại vắc xin, có những loại thuộc chương trình TCMR nhưng cũng có những loại vắc xin mà Nhà nước chưa thể bao cấp, chẳng hạn như vắc xin phòng dại, thủy đậu… Vấn đề đặt ra ở đây là hiện nay, tại các điểm tiêm chủng dịch vụ, công tiêm khoảng 7.000 - 17.000 đồng/mũi trong khi TCMR chỉ có 600 đồng/ mũi. Bởi vậy, cần có sự đầu tư của Nhà nước để tạo sự bình đẳng cả về chất lượng tiêm chủng và chi phí cho việc làm này. Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo nghị định về tiêm chủng, đồng thời hoàn tất dự thảo nghị quyết đổi mới công tác tiêm chủng để trình Chính phủ xem xét. Theo dự thảo này, công tiêm tại điểm TCMR được đề nghị tăng thêm. Còn trong dự thảo nghị định về tiêm chủng, lần đầu tiên sẽ đưa vấn đề bồi thường khi có tai biến tiêm chủng ra bàn bạc.

Theo TS Kohei Toda, để định hướng chiến lược dài hạn cho vấn đề tiêm chủng, việc sản xuất vắc xin trong nước rất quan trọng. Bởi đây không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn quyết định đến an ninh y tế toàn cầu. Trước đây, trên thế giới có 66 nước sản xuất vắc xin (1990) nhưng đến nay chỉ còn 44 nước sản xuất, trong đó có Việt Nam. Việc sản xuất vắc xin đã giúp Việt Nam chủ động được nguồn cung, bảo đảm mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Chia sẻ về khả năng cung ứng vắc xin nội, ông Đỗ Tuấn Đạt cho biết, hiện nay, một số loại vắc xin như viêm não Nhật Bản của công ty đã xuất khẩu tới nhiều nước đang phát triển. Sắp tới, công ty sẽ phối hợp với các nhà sản xuất khác để sản xuất vắc xin tổng hợp. Dự kiến vào năm 2020, Việt Nam sẽ có vắc xin thành phần, sau đó là vắc xin tổng hợp. Việc chủ động sản xuất vắc xin sẽ giúp Việt Nam thuận tiện hơn trong việc vận chuyển và bảo quản; đồng thời sẽ đáp ứng kịp thời nhu cầu khi có dịch bệnh xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiêm chủng phòng bệnh cho trẻ: Người dân “thích” trả tiền?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.