Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bệnh bạch hầu khiến 3 người tử vong nguy hiểm như thế nào?

Tuệ Diễm| 13/07/2016 17:25

(HNMO) - Mới đây ổ dịch bệnh “lạ” đã cướp đi 3 sinh mạng của người dân tại Bình Phước, 29 người ở hai xã Thuận Lợi, Thuận Phú, huyện Đồng Phú thuộc Bình Phước đang phải cách ly theo dõi bệnh.

Sau khi gửi mẫu về viện Pastuer TP Hồ Chí Minh xét nghiệm, phát hiện thủ phạm cướp đi 3 mạng người chính là bệnh bạch hầu. Hiện nay, ngành y tế Bình Phước đang đang kiểm soát và khoanh vùng ổ dịch trên địa bàn 2 xã để tránh lây lan.

Bệnh bạch hầu có triệu chứng viêm họng, có màng giả màu trắng bám vào họng.


Để giúp người dân hiểu rõ hơn bệnh bạch hầu, phóng viên báo Hà Nội Mới đã trao đổi với GS TS BS. Nguyễn Thanh Bảo - Khoa Vi sinh Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh để tìm hiểu căn bệnh này.

Thưa giáo sư dịch bệnh bạch hầu có cơ chế lây nhiễm như thế nào?

GS Nguyễn Thanh Bảo: Bệnh bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây ra. Bất cứ đối tượng nào tiếp xúc với mầm bệnh đều có thể bị bệnh bạch hầu. Thông thường, trẻ từ 1 đến 10 tuổi bị nhiều nhất là do kháng thể từ người mẹ truyền sang không còn, khả năng miễn dịch thấp sẽ dễ bị bệnh hơn.

Dịch bùng phát không theo mùa rõ rệt, chỉ cần có nguồn bệnh là sẽ bị lây nhiễm. Vi khuẩn bạch hầu thường gặp nhất ở bệnh viêm họng. Viêm họng tạo màng giả trong vòm họng. Người bệnh khi ho hắt hơi thì vi khuẩn sẽ phát tán ra chung quanh theo đường không khí hoặc tiếp xúc qua da khi bị trầy xước dẫn đến lây lan vi khuẩn bạch hầu.

Xin giáo sư cho biết các triệu chứng để nhận biết người nhiễm bạch hầu?

GS Nguyễn Thanh Bảo: Các triệu chứng bệnh bạch hầu chủ yếu là gây viêm họng. Vi khuẩn bạch hầu sẽ tạo lớp màng giả màu trắng do các lớp tế bào bị viêm tạo ra lớp màng bám vào trong vòm họng. Nếu không điều trị thì màng bám sẽ lan ra lấp đường hô hấp gây ngạt thở cho người bệnh. Không giống như các vi khuẩn thông thường khác, vi khuẩn bạch cầu gây ra viêm họng, nóng, sốt và nguy hiểm là do độc tố của vi khuẩn. Độc tố đó sẽ theo máu và tác động lên các cơ quan chính của cơ thể, có thể gây ra viêm tim, viêm thận hoặc tác dụng lên hệ thần kinh làm liệt tay, liệt chân, mắt lé, giọng nói có thể thay đổi do bị ngọng thanh quản.

Theo giáo sư, cách nào có thể giúp người dân phòng và trị căn bệnh bạch hầu?

GS Nguyễn Thanh Bảo: Cách phòng bệnh đối với trẻ em cần được chích ngừa 3 lần khi mới sinh ra, mỗi lần cách nhau 1 tháng , sau đó 1 năm sau thì chích nhắc lại và sau 5 năm thì chích nhắc lại một lần nữa .

Đối với bệnh bạch hầu thì sau khi phát hiện bệnh, để ngừa các triệu chứng độc tố của vi khuẩn thì người bệnh sẽ được chích ngừa kháng độc tố bạch hầu (Serum Anti Diphtheriae- SAD) để trung hòa độc tố của vi khuẩn, ngăn ngừa độc tố tác động lên tim, thận và các hệ thần kinh khác. Sau đó người bệnh sẽ được chỉ định sử dụng kháng sinh như Penicilin, Ampicilin, Erythromycin, Rifampycin, Clindamycin, Cephalosporin… Nhưng Penicilin thường được dùng nhất. Lời khuyên của bác sĩ dành cho người dân là khi bị viêm họng thì nên đi khám liền. Nếu khi khám phát hiện thấy màng giả màu trắng ở vòm họng thì người bệnh nên chích ngừa kháng độc tố điều trị để ngăn ngừa biến chứng.

Xin cảm ơn giáo sư!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bệnh bạch hầu khiến 3 người tử vong nguy hiểm như thế nào?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.