Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguy cơ dịch bệnh gia tăng trong hè

Thu Trang| 12/06/2017 06:45

(HNM) - Các chuyên gia y tế cảnh báo, nguy cơ cao dịch bệnh có thể xảy ra trong mùa hè tăng lên. Hiện tại, số người mắc sốt xuất huyết, ho gà, tay chân miệng… đang gia tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.


Nhiều bệnh có số ca mắc tăng cao

Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 34 nghìn trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 10 trường hợp tử vong. Riêng tại Hà Nội đã ghi nhận gần 1.300 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, trong đó có một trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số trường hợp mắc bệnh đã tăng 2,6 lần, dù chưa phải đỉnh dịch.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, bệnh nhân bị mắc rải rác trong các tháng nhưng có xu hướng gia tăng từ giữa tháng 4, tháng 5 và tăng nhanh trong những tuần gần đây do nắng nóng, mưa nhiều rất thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển.

Lấy máu xét nghiệm cho bệnh nhi nghi sốt xuất huyết. Ảnh: Tiến Thành


Tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai), từ đầu năm 2017 đến nay, tại đây đã có hơn 60 trường hợp nhập viện điều trị nội trú sốt xuất huyết nhưng số bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú lớn hơn rất nhiều. Theo TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, số bệnh nhân nhập viện chủ yếu là thanh niên, học sinh, sinh viên đến từ các khu dân cư đông đúc ở các quận Hoàng Mai, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy… Đây cũng là nơi tập trung nhiều nhà trọ sinh viên, có điều kiện vệ sinh môi trường, nơi ăn chốn ở chưa được bảo đảm.

TS Đỗ Duy Cường lưu ý, sốt xuất huyết có biểu hiện giống như tình trạng sốt do vi rút khác nên nhiều người chủ quan, không đi khám hoặc tự điều trị tại nhà. Thậm chí, nhiều người đã tự ý truyền dịch và dùng kháng sinh, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Dù đây là bệnh tự khỏi trong vòng 7 ngày nhưng khoảng 5% bệnh nhân có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc nặng nếu không chữa trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong.

Tương tự, tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa Đống Đa) cũng đang điều trị cho hơn 40 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Tính từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị cho hơn 200 bệnh nhân nội trú. ThS Phạm Bá Hiền, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết: "Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng về nhân sự, thuốc, trang thiết bị đáp ứng khi dịch có diễn biễn phức tạp".

Sốt xuất huyết hiện chưa có vắc xin phòng ngừa, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc điều trị chủ yếu là truyền dịch, bù nước và điện giải, dùng thuốc hạ sốt theo phác đồ của Bộ Y tế, theo dõi tiến triển bệnh bằng kiểm tra công thức máu hằng ngày. Người bệnh khi thấy các triệu chứng sốt cao đột ngột liên tục 39-40 độ C, đau đầu, đau người kèm các dấu hiệu phát ban, nổi hạch, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chân răng… nên đến bệnh viện khám để xác định sớm và điều trị kịp thời.

Không chỉ sốt xuất huyết, ngay cả một số bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin tiêm chủng mở rộng vẫn có nguy cơ gia tăng trong dịp hè. Hiện trên địa bàn Thủ đô đã ghi nhận 77 trường hợp mắc ho gà, trong đó có một trường hợp tử vong tại quận Tây Hồ. Các ca mắc phần lớn chưa đến tuổi tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đủ 3 mũi vắc xin (bạch hầu - ho gà - uốn ván). Ngoài ra, Hà Nội còn ghi nhận 84 trường hợp sốt phát ban dạng sởi; 60 trường hợp mắc tay chân miệng; 6 trường hợp mắc liên cầu khuẩn lợn; 3 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản; 2 trường hợp tử vong do bệnh dại…

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong các bệnh thường xảy ra vào mùa hè thì nguy hiểm nhất là viêm não Nhật Bản. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Khoảng 20-30% bệnh nhân viêm não Nhật Bản bị tử vong, khoảng 30-50% số người sống sót tiếp tục có biểu hiện rối loạn thần kinh, nhận thức hoặc triệu chứng tâm thần.

Nâng cao ý thức phòng bệnh


Trước nguy cơ nhiều dịch bệnh có thể bùng phát trong mùa hè, ông Hoàng Đức Hạnh yêu cầu các đơn vị y tế trên địa bàn phải phát hiện sớm bệnh dịch, chủ động phòng, chống để giảm tỷ lệ mắc và tử vong. Riêng với dịch bệnh sốt xuất huyết, ngành Y tế Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, phế liệu không để muỗi truyền bệnh có nơi cư trú, sinh sản…

Bên cạnh đó, công tác phòng, chống dịch không thể thiếu sự tham gia của các cấp, các ngành, nhất là chính quyền cơ sở và các hộ gia đình, cá nhân trong việc tích cực, chủ động diệt muỗi, bọ gậy để hạn chế nguồn lây, đồng thời phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong công tác vệ sinh phòng dịch. Cùng với đó, tổ chức tiêm vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm gây dịch trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em trên địa bàn thành phố.

TS Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng lưu ý 10 bệnh truyền nhiễm để người dân phòng ngừa, gồm: Cúm, tiêu chảy, tay chân miệng, sốt xuất huyết, lỵ trực trùng, thủy đậu, adeno vi rút, lỵ amip, rubella, viêm não vi rút có số ca mắc cao nhất từ tháng 5 đến tháng 8 hằng năm. Dự báo Việt Nam tiếp tục chịu tác động của El Nino khiến mùa hè năm nay nóng hơn và mưa trái mùa tăng lên. Thời tiết này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút, vi khuẩn gây bệnh phát triển, vì vậy, mỗi người dân cần nâng cao ý thức và chủ động phòng chống các loại dịch bệnh bằng những hoạt động thiết thực nhất.

Đơn cử như việc vệ sinh môi trường thường xuyên; diệt muỗi và loăng quăng, bọ gậy; ngủ màn; ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh sẽ giảm nguy cơ lây bệnh. Bên cạnh đó, khi mắc bệnh phải bảo đảm cách ly để phòng lây nhiễm cho người khác, chỉ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Duy trì một chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng cũng giúp cơ thể tăng sức đề kháng, phòng, chống bệnh tật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ dịch bệnh gia tăng trong hè

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.