Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sức khỏe tâm thần cần được quan tâm hơn nữa

Minh Huệ| 15/11/2018 22:17

(HNMO) - Công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần (SKTT) luôn được ngành Y tế đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu chăm sóc SKTT...


Đẩy mạnh tuyên truyền mạnh về công tác xã hội

Theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), hiện nay, ở nước ta, các dạng bệnh tâm thần và rối nhiễu tâm trí thường gặp, như: tâm thần phân liệt, chứng động kinh, trầm cảm, tự kỷ, thiểu năng trí tuệ, khuyết tật thần kinh, tổn thương não, lạm dụng rượu, nghiện ma túy,… có hơn 13 triệu người mắc, trong đó khoảng 40% bệnh nhân ở độ tuổi dưới 30. Tuy nhiên, số người bệnh được chữa trị còn rất thấp, cứ 10 người thì chỉ có 2-3 người được điều trị.

Hiện nay, trong các rối loạn tâm thần, tỷ lệ người bị trầm cảm, hoang tưởng có xu hướng gia tăng ở mức đáng báo động. Có nhiều nguyên nhân gây ra chứng trầm cảm, như: di truyền, ảnh hưởng các bệnh thực tổn, mất cân bằng tâm lý, những người chịu nhiều áp lực, bà mẹ sau sinh căng thẳng trong thời gian dài, mất người thân, hôn nhân không hạnh phúc, sau bệnh tật (chấn thương sọ não, tai biến,…), nghiện rượu. Nếu trước đây, phần lớn bệnh trầm cảm bắt nguồn từ các bệnh nội sinh, thì nay, có đến 80% bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm lại có nguyên nhân từ các vấn đề xã hội, như: áp lực học hành, căng thẳng trong công việc và cuộc sống, thậm chí nhiều người nghiện mạng xã hội cũng là đối tượng mắc trầm cảm.

Trầm cảm không chỉ ảnh hưởng sức khỏe của người bệnh mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến kinh tế gia đình, xã hội do gánh nặng chi phí điều trị và giảm năng lực lao động. Nếu không được phát hiện, điều trị sớm, bệnh trầm cảm sẽ diễn tiến ngày càng trầm trọng và nguy hiểm, có thể dẫn đến những điều đáng tiếc không cứu vãn được, đó là gây tử vong. Thời gian gần đây, báo chí đã phản ánh nhiều vụ tử vong vô cùng oan trái và xót xa do những người mắc chứng tâm thần, trầm cảm, hoang tưởng gây ra…

Cần quan tâm hơn nữa đến sức khỏe tâm thần


Thực tế cho thấy, việc phát hiện và can thiệp sớm ở cộng đồng có thể giúp người bệnh có vấn đề về sức khỏe tâm thần và gia đình của họ phòng chống và kiểm soát được những nguy cơ gây tử vong, hạn chế những tiêu cực cho các thành viên khác trong gia đình cũng như cộng đồng xã hội. Sự lồng ghép giữa can thiệp y tế và các kỹ năng can thiệp, trị liệu về tâm lý chuyên sâu cho người bệnh thông qua nhân viên công tác xã hội là rất quan trọng, thậm chí nhờ đó người bệnh không cần dùng thuốc mà vẫn khỏi.

Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là người dân và gia đình người mắc bệnh tâm thần, rối nhiễu tâm trí hay trầm cảm không mấy tin tưởng vào quá trình chữa bệnh của những nhân viên công tác xã hội, họ cho rằng căn bệnh này chỉ có thể chữa được bởi bác sĩ. Để vận động được gia đình và người có vấn đề về sức khỏe tâm thần theo nhân viên công tác xã hội chữa trị là rất khó. Do đó, rất cần tuyên truyền mạnh về công tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe tâm thần để dần dần người dân, cộng đồng xã hội tin tưởng vào việc hỗ trợ, can thiệp và điều trị của công tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe tâm thần, từ đó sẽ giúp được rất nhiều người khỏi bệnh.

Bên cạnh đó, các gia đình cần quan tâm, chăm sóc đến người thân của mình, nhất là phụ nữ trong giai đoạn sinh nở cần đặc biệt quan tâm, chăm sóc, để ý đến thái độ, hành vi của những người này. Nếu có dấu hiệu trầm cảm hoặc các bệnh lý khác thì phải có biện pháp điều trị phù hợp, hoặc cách ly với xã hội để tránh những vụ việc đau lòng xảy ra.

Năm 2025, 70% người trưởng thành hiểu biết về SKTT

Ngày 7-12 vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với tổ chức Y tế Thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tổ chức Hội thảo hoàn thiện Chiến lược quốc gia về sức khỏe tâm thần giai đoạn 2016-2025 và tầm nhìn đến 2030.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, năm 2008 trên thế giới có hơn 150 triệu người bị trầm cảm, khoảng 125 triệu người bị ảnh hưởng bởi các rối loạn liên quan đến sử dụng rượu, hơn 50 triệu người động kinh và 24 triệu người mắc bệnh Alzheimer. Tại khu vực Tây Thái Bình Dương, ước tính có khoảng 100 triệu người có các rối loạn về tâm thần và trong đó khoảng 2% dân số mắc các rối loạn tâm thần nặng như tâm thần phân liệt, sa sút trí tuệ và chậm phát triển tâm thần nặng.

Khoảng 75% người có rối loạn tâm thần không được tiếp cận các dịch vụ theo nhu cầu, phần lớn tập trung ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Rối loạn tâm thần gây ra khoảng 14% gánh nặng bệnh tật toàn cầu đồng thời gây ra tình trạng nghèo đói cho cá nhân và gia đình, cản trở đến sự phát triển kinh tế quốc gia. Ước tính tác động toàn cầu về sản lượng kinh tế mất đi do rối loạn tâm thần sẽ lên tới 17.000 tỷ USD trong 20 năm tới.

Tại Việt Nam, theo nghiên cứu Gánh nặng bệnh tật và thương tích năm 2008, các rối loạn tâm thần là những nguyên nhân hàng đầu của gánh nặng bệnh tật. Gần 15% dân số (tương đương khoảng 13,5 triệu người) Việt Nam đang mắc các rối loạn tâm thần phổ biến và khoảng 3 triệu người mắc các rối loạn tâm thần nặng.

Trước nhu cầu ngày càng cao về chăm sóc SKTT của nhân dân, nhằm giảm bớt gánh nặng do rối loạn tâm thần gây ra, hoàn thiện hành lang chính sách và luật pháp, tăng cường việc chỉ đạo điều hành trong công tác chăm sóc sức khỏe, Bộ Y tế xây dựng dự thảo Chiến lược quốc gia về SKTT giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến 2035 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Dự thảo Chiến lược với quan điểm sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội. Không có SKTT thì sẽ không có sức khỏe. SKTT góp phần đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Dự thảo đề ra mục tiêu nâng cao SKTT, dự phòng các rối loạn tâm thần, đảm bảo cung cấp các dịch vụ chăm sóc y tế và xã hội hiệu quả và công bằng, thúc đẩy sự hồi phục, bảo vệ quyền con người, giảm bệnh tật, tử vong, và tàn tật cho người có các rối loạn tâm thần. Phấn đấu đến năm 2025 tăng tỷ lệ người trưởng thành hiểu biết về SKTT đạt 70%; tỷ lệ người có rối loạn tâm thần nhận thức được quyền của người có rối loạn tâm thần đạt 50%; giảm 20% tỷ lệ tự tử đến năm 2025. Số lượt người có rối loạn tâm thần được điều trị tại các cơ sở chuyên khoa tâm thần tăng thêm 50% đến năm 2025…

Đến năm 2035, SKTT được tăng cường và bảo vệ, các rối loạn tâm thần được phòng ngừa hiệu quả và người có rối loạn tâm thần được bảo đảm đầy đủ quyền con người theo quy định của pháp luật, được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế và xã hội có chất lượng, kịp thời, và phù hợp về mặt văn hóa nhằm đạt được sức khỏe và SKTT tốt nhất có thể, tăng cường sự phục hồi và tham gia đầy đủ vào hoạt động xã hội ở đó không có sự kỳ thị và phân biệt đối xử.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sức khỏe tâm thần cần được quan tâm hơn nữa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.