Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đái tháo đường thai kỳ - căn bệnh nguy hiểm cần phòng tránh

Thu Hằng| 24/11/2018 09:43

(HNMO) - Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thai phụ, đái tháo đường thai kỳ còn là mối nguy hại đối với sức khỏe và sự phát triển của thai nhi.

Căn bệnh giết người âm thầm

Tiểu đường thai kỳ, nếu không được kiểm soát tốt sẽ rất dễ dẫn đến các biến chứng


Trò chuyện với thai phụ Đặng Thị Thu (38 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội) tại Khoa Nội tiết sinh sản, Bệnh viện Nội tiết trung ương, tôi được biết đây là lần mang thai thứ ba của chị. Và là thai đôi. Chị nhập viện đã gần 2 tuần nay. Chị kể, lần mang thai này, cứ ngỡ như 2 lần sinh trước, chỉ phải đi siêu âm vài lần rồi chờ đến ngày sinh nhưng không ngờ lại phải nhập viện để điều trị bệnh đái tháo đường thai kỳ.

Trước đó, chị không có biểu hiện lâm sàng nào cả. Đi khám thai tại một phòng khám tư, bác sĩ thấy chị có nhiều ối nên khuyên chị đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội xét nghiệm. Khi ấy thai được 23 tuần. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy đường huyết của chị cao và chị được chuyển sang Bệnh viện Nội tiết để điều trị khi thai được 25 tuần.

Cũng giống như chị Đặng Thị Thu, chị Hà Thị Thu Huyền (31 tuổi, Quốc Oai, Hà Nội) cũng phát hiện tiểu đường thai kỳ ở tuần thứ 31. Hai lần mang thai trước của chị hoàn toàn bình thường, bởi thế ở lần mang thai thứ ba này, khi bác sĩ thông báo chị bị đái tháo đường thai kỳ, chị không tin là mình có bệnh. Tuy nhiên, chị đã nhập viện điều trị theo hướng dẫn của các bác sĩ. Hiện thai ở tuần thứ 36.

Theo TS, bác sĩ Hoàng Kim Ước, Trưởng khoa Nội tiết sinh sản của Bệnh viện Nội tiết trung ương, hiện nay tỷ lệ mắc đái tháo đường thai kỳ ngày càng gia tăng. Theo con số mà Bộ Y tế đưa ra, đái tháo đường thai kỳ hiện đang ảnh hưởng đến khoảng 20% thai phụ tại Việt Nam. Bệnh thường không có biểu hiện rõ ràng, nhưng nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ gây những biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.

TS, bác sĩ Hoàng Kim Ước thăm khám cho bệnh nhân


Bác sĩ Ước cho biết, trong quá trình mang thai, nội tiết người phụ nữ thay đổi rất lớn. Chính vì sự thay đổi nội tiết của cơ thể mẹ dẫn đến tăng đề kháng với insulin, làm cơ thể không thể điều chỉnh được lượng đường trong máu. Đặc biệt những người có tiền sử gia đình bị tiểu đường thì nguy cơ mắc bệnh này khá cao.

Ngoài ra, những thai phụ có những biểu hiện như: Thừa cân, từng bị tiểu đường trước khi mang thai, sinh con nặng hơn 4kg, có tiền sử đường trong máu cao nhưng chưa phải mức tiểu đường, có rối loạn nội tiết tố gọi là hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), mang thai khi lớn tuổi, đẻ nhiều con… cũng rất dễ có nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ.

Theo bác sĩ Hoàng Kim Ước, lối sống của thai phụ, trong đó sai lầm của chế độ ăn uống, hoạt động thể lực tác động rất lớn tới nguy cơ mắc bệnh. Phụ nữ mang thai thường có suy nghĩ ăn nhiều, ăn cho hai người, bổ sung các sản phẩm giàu dinh dưỡng, thích uống nhiều nước dừa, ăn nhiều mía... Vô tình, đó lại là điều gây hại cho sức khỏe cả mẹ và con.

“Khi ăn nhiều, năng lượng cung cấp nhiều mà thai phụ không hoạt động thể lực, thải năng lượng ít thì chất dinh dưỡng sẽ chuyển hóa thành năng lượng bất lợi. Bên cạnh đó, stress cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh lý trên” - bác sĩ Ước chia sẻ.

Bệnh gây nhiều biến chứng nguy hiểm

Theo TS, bác sĩ Hoàng Kim Ước, đái tháo đường thai kỳ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ mà còn để lại nhiều hậu quả trên thai nhi, thậm chí những hậu quả này sẽ tồn tại lâu dài ngay cả sau khi em bé chào đời.

Thai phụ nên tường xuyên theo dõi và kiểm soát đường huyết


Bệnh sẽ khiến thai phụ đối mặt với những nguy cơ như đa ối, sảy thai, sinh non, cao huyết áp, tiền sản giật, sản giật, nhiễm trùng thận, quá trình chuyển dạ kéo dài, sinh khó, sang chấn và băng huyết sau sinh, rối loạn đường huyết dẫn tới hôn mê… Một số lượng đáng kể phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ cũng sẽ dần bị bệnh đái tháo đường tuýp 2, dẫn đến thêm nhiều biến chứng và chi phí chăm sóc sức khỏe.

Về phía thai nhi, đái tháo đường thai kỳ sẽ làm gia tăng tỉ lệ bệnh lý thai, thai nhi dễ bị rối loạn tăng trưởng (thai quá to hoặc quá nhỏ). Thai quá to làm tăng nguy cơ chấn thương cho bé và mẹ trong khi sinh và tăng nguy cơ phải mổ lấy thai… Thậm chí, thai nhi có thể chết lưu đột ngột do đường huyết tăng quá cao mà không có bất kì dấu hiệu báo trước nào. Sau khi chào đời, trẻ sơ sinh có mẹ bị tiểu đường thai kỳ thường dễ bị suy hô hấp, hạ đường huyết, hạ canxi, vàng da… đồng thời gia tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì, cao huyết áp, tim mạch khi trưởng thành.

Cần hiểu đúng bệnh và chủ động phòng ngừa

Đái tháo đường thai kỳ ngày càng tăng nhưng phần đông thai phụ và cộng đồng hiện chưa hiểu đúng mức về bệnh này. Có hai chiều hướng “phản ứng” thường gặp ở thai phụ khi được biết có nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ hoặc đang mắc đái tháo đường thai kỳ.

Phần lớn thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ thường là xem nhẹ, cho rằng đái tháo đường thai kỳ không có gì đáng ngại, sinh xong sẽ tự khỏi nên không cần để ý. Một số người thì lại lo lắng thái quá, kiêng khem đủ thứ khiến cán cân dinh dưỡng bị lệch, cơ thể mệt mỏi, không cung cấp đủ dưỡng chất cho sự phát triển của thai nhi. Cả hai hướng “phản ứng” này trên thực tế đều chưa phù hợp.

Phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ cần ăn uống đúng cách


Theo TS, bác sĩ Hoàng Kim Ước, cần hiểu đúng rằng, mắc đái tháo đường thai kỳ là nguy hiểm nhưng bệnh có thể phòng ngừa và kiểm soát để tránh các biến chứng gây ra những hậu quả trên.

Ngoài việc có chế độ dinh dưỡng hợp lý bao gồm thịt, cá, trứng, sữa, rau quả tươi, hạn chế ăn nhiều đường, tinh bột, chất béo thì thai phụ cần thay đổi chế độ tập luyện và điều chỉnh cân nặng. Hiện 70- 85% bệnh nhân được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ có thể điều chỉnh được mức đường máu trở về bình thường bằng chế độ ăn và lối sống hợp lí mà không cần sử dụng thuốc.

Hoạt động thể chất thường xuyên sẽ giúp kiểm soát tốt mức đường máu


Bác sĩ Ước cũng khuyên thai phụ cần đi khám thai định kỳ để phát hiện bệnh sớm nhất có thể, chủ động có biện pháp điều trị và phòng ngừa các biến chứng do bệnh Đái tháo đường thai kỳ gây ra. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đái tháo đường thai kỳ - căn bệnh nguy hiểm cần phòng tránh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.