Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sức lan tỏa của chương trình tiêm chủng mở rộng

Hồng Anh| 02/12/2018 21:25

(HNMO) - Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) được triển khai trên toàn quốc ở Việt Nam từ năm 1985. Hơn 30 năm qua, hàng trăm triệu liều vắc xin đã được tiêm miễn phí cho trẻ em và phụ nữ để phòng các bệnh truyền nhiễm như lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt, viêm gan B,...

Ảnh minh họa.


Những cột mốc quan trọng

Giai đoạn thí điểm (1981-1984): TCMR được triển khai thí điểm ở Việt Nam từ năm 1981 và tiếp tục được mở rộng hằng năm. Hết giai đoạn thí điểm, đã có 50% số tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai dịch vụ TCMR.

Giai đoạn mở rộng dịch vụ tiêm chủng trên cả nước (1985-1990): Năm 1985, chương trình TCMR được đẩy mạnh và triển khai trên phạm vi cả nước với 6 loại vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm là lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt. Đến năm 1990, đã có 100% số huyện với trên 96,4% số xã triển khai chương trình TCMR.

Giai đoạn xóa xã trắng về tiêm chủng mở rộng (1991-1995): 
Mặc dù số xã chưa triển khai TCMR trong năm 1990 chỉ chiếm khoảng 3,6% tổng số xã trong cả nước nhưng đây lại là những xã khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa, thiếu điều kiện giao thông, thiếu cơ sở y tế, lưới điện… Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Y tế, thực hiện chương trình kết hợp quân dân y, đặc biệt là sự phối hợp với quân y bộ đội biên phòng, đến năm 1995, ngành Y tế đã hoàn toàn xóa bỏ được các xã trắng về tiêm chủng, đánh dấu mốc quan trọng trong công tác TCMR về thực hiện tiêm chủng ở 100% xã, phường trên toàn quốc.

Giai đoạn nâng cao tỷ lệ tiêm chủng và mở rộng vắc xin mới (1996 đến nay): 
Năm 1997, bốn loại vắc xin mới (gồm vắc xin viêm gan B, vắc xin viêm não Nhật Bản, vắc xin thương hàn, vắc xin tả) được đưa vào triển khai miễn phí trong chương trình TCMR của Việt Nam, đưa tổng số loại vắc xin được triển khai trong chương trình này lên con số 10. Từ tháng 6-2010, vắc xin Hib phòng bệnh viêm phổi và viêm màng não mủ do Hib trong thành phần vắc xin phối hợp DPT-VGB-Hib (Quinvaxem) được triển khai trên toàn quốc. Năm 2012, vắc xin Rubella trở thành vắc xin thứ 12 được triển khai trong chương trình này.

Năm 2018, thêm một số loại vắc xin được đưa vào chương trình TCMR như vắc xin phòng bệnh sởi-rubella, vắc xin bại liệt, vắc xin phối hợp 5 trong 1 phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib...

Thành quả của chương trình tiêm chủng mở rộng

Trong những năm qua, tỷ lệ tiêm chủng cao (trên 95%) đã góp phần giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở trẻ em và phụ nữ Việt Nam, giảm chi phí chăm sóc y tế, nâng cao sức khỏe cộng đồng. Chương trình TCMR đã được Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những chương trình y tế công cộng hiệu quả và thành công nhất ở Việt Nam.

Nhờ có chương trình này, Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000 và bảo vệ thành quả này trong gần 18 năm qua, đặc biệt trong bối cảnh vẫn còn một số quốc gia lưu hành bệnh bại liệt và mức độ giao lưu quốc tế lớn như hiện nay. Việt Nam đã loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005 và đang thực hiện mục tiêu loại trừ bệnh sởi, giảm tỷ lệ nhiễm viêm gan B ở trẻ dưới 5 tuổi xuống 1% trước năm 2020.

Theo thống kê của chương trình TCMR, tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em như bạch hầu, ho gà, sởi, viêm não Nhật Bản B đã giảm hàng trăm lần so với trước khi triển khai chương trình này.

Với hơn 16.000 điểm tiêm chủng, vắc xin trong chương trình TCMR đã đến được với trẻ em trên cả nước, đặc biệt là trẻ em ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, miền núi hải đảo... Trong quá trình triển khai, dự án TCMR đã nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ tích cực của các bộ, ngành và người dân. Đến nay, tiêm chủng không chỉ là công việc của cán bộ y tế mà còn là nhu cầu của người dân bởi hầu hết các bà mẹ đã chủ động đưa con đi tiêm chủng trong chương trình tiêm chủng thường xuyên hằng tháng và trong các chiến dịch tiêm chủng bổ sung được tổ chức trên toàn quốc. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sức lan tỏa của chương trình tiêm chủng mở rộng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.