Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguy cơ dịch bệnh dịp giáp Tết: Đến hẹn lại... lo!

Thu Trang| 09/01/2019 07:11

(HNM) - Thời điểm hiện tại, tình hình dịch bệnh ở người trên địa bàn Hà Nội cơ bản ổn định. Tuy nhiên, “đến hẹn

Bác sĩ Trạm Y tế phường Đồng Nhân (quận Hai Bà Trưng) tiêm chủng cho trẻ nhỏ.


Cảnh giác với chủng cúm độc lực cao


Theo Sở Y tế Hà Nội, trong năm 2018, số ca mắc các bệnh truyền nhiễm như: Sốt xuất huyết, ho gà, cúm… đều giảm. Cụ thể, sốt xuất huyết ghi nhận hơn 4.300 trường hợp (giảm gần 90% so với năm 2017), ho gà ghi nhận 79 trường hợp (giảm 46 trường hợp). Một số dịch bệnh có số ca mắc tăng như sởi, tay chân miệng đều được khống chế kịp thời và không có bệnh nhân tử vong.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong tháng cuối năm 2018, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Chẳng hạn như dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi MERS-CoV (hội chứng viêm đường hô hấp) tiếp tục ghi nhận tại khu vực Trung Đông, hay bệnh sởi xảy ra tại nhiều quốc gia khu vực châu Âu - nơi có một số nước đã công bố loại trừ bệnh này. Còn tại Việt Nam, một số bệnh truyền nhiễm lưu hành vẫn có số ca mắc cao hoặc gia tăng cục bộ tại một số địa phương và một số nơi vẫn ghi nhận rải rác bệnh cúm A/H5N6 trên gia cầm. Hiện tại là thời điểm gia tăng các hoạt động giao thương nên nguy cơ có dịch xảy ra nhiều hơn...

Điều trị cho bệnh nhi tại Bệnh viện Tim Hà Nội. Ảnh: Nhật Nam


Đề cập đến nguy cơ dịch cúm gia cầm xuất hiện trong mùa đông - xuân năm nay, ông Phạm Hùng, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Cục Y tế dự phòng) cho biết, các chủng vi rút cúm gia cầm độc lực cao đang lưu hành ở một số quốc gia trong khu vực hiện nay, chủ yếu là cúm A/H5N1, cúm A/H1N1, cúm A/H7N9, cúm A/H10N8, cúm A/H5N6. Các chủng vi rút cúm này đều có thể xâm nhập, lây nhiễm trên các đàn gia cầm ở nước ta và gây bệnh cho người, nhất là trong dịp Tết, mùa lễ hội. Kiểm soát tốt được dịch bệnh trên gia cầm sẽ làm giảm nguy cơ gây bệnh sang người.

Lo lắng nhất trong vấn đề kiểm soát dịch bệnh vẫn là sự chủ quan của người dân. Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, ngay cả với dịch bệnh sốt xuất huyết, dù số ca mắc giảm nhiều, song tại khu vực nội thành, vào mùa đông nhiều gia đình trang bị thêm các thiết bị sưởi ấm, khiến nhiệt độ trong nhà thường cao hơn ngoài trời. Vì vậy, nếu trong nhà có dụng cụ chứa nước không được xử lý, thì muỗi vẫn tiếp tục sinh sản, phát triển và truyền bệnh. Hơn nữa, ở những nơi có khu thuê trọ, tập trung đông người, điều kiện vệ sinh môi trường kém, không xử lý các ổ bọ gậy thường xuyên, làm cho mật độ muỗi truyền bệnh tăng cao.

Còn theo ông Hoàng Thế Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất, ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường phòng bệnh, nhất là người dân sống ở khu vực nông thôn chưa được thường xuyên, liên tục. Thậm chí, có những phụ huynh không cho con tiêm đủ số mũi vắc xin theo khuyến cáo, đến khi mắc bệnh lại tự ý điều trị tại nhà. Ngoài ra, một số hộ chăn nuôi chưa chủ động phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm…, cũng khiến nguy cơ dịch bệnh bùng phát.

Trong tuần đầu của năm mới 2019 (từ ngày 1 đến 7-1), trên địa bàn thành phố ghi nhận 4 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 1 trường hợp tay chân miệng, 1 trường hợp ho gà và không ghi nhận ca mắc sởi, cúm A/H7N9, cúm A/H5N6...

Giám sát chặt khu vực cửa khẩu

Một trong những biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm hiệu quả là tiêm vắc xin. Thời gian qua, Hà Nội đã triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho hơn 622.000 trẻ từ 1 đến 5 tuổi. Hà Nội phấn đấu có hơn 95% số trẻ trên địa bàn được tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh. Tuy nhiên, theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 5-1, kết quả tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella mới đạt 91,72%. Một số quận có kết quả tiêm thấp như: Quận Hoàng Mai chỉ đạt 47,5%, Đống Đa 55%, Ba Đình 77%, Hoàn Kiếm 82,8%, Hai Bà Trưng 88,9%. “Các bậc phụ huynh hãy đưa con đi tiêm vắc xin bổ sung. Việc tiêm vắc xin không chỉ phòng bệnh cho chính bản thân mỗi người, mà còn tạo miễn dịch phòng bệnh cho cả cộng đồng”, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh lưu ý.

Cùng với tiêm vắc xin, ông Khổng Minh Tuấn khuyến cáo, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, nên ăn chín, uống chín. Nếu nhà có trẻ nhỏ, người lớn không nên mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng như: Cốc, thìa. Vào những ngày trời lạnh nên ăn thức ăn nóng, ấm; không nên ăn thức ăn lạnh để tránh mắc các bệnh đường hô hấp… Dinh dưỡng hằng ngày cần bảo đảm đủ 4 nhóm thực phẩm: Tinh bột, đạm động vật, chất béo, trái cây.

Còn PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe người dân trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2019, Cục Y tế dự phòng yêu cầu các đơn vị y tế dự phòng tăng cường hoạt động giám sát tại khu vực cửa khẩu và cộng đồng, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, trường hợp bệnh xâm nhập, nhất là các ổ dịch cũ. Các trường hợp về từ vùng có dịch cần tổ chức cách ly, quản lý kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh.

Cục Y tế dự phòng cũng yêu cầu các địa phương tổ chức tốt công tác cấp cứu, phân tuyến điều trị bệnh nhân; đồng thời, thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, phòng, chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Đối với người dân, cần thực hiện tốt việc vệ sinh phòng bệnh trong chăn nuôi, buôn bán, giết mổ, chế biến gia cầm và các sản phẩm gia cầm. Khi tiếp xúc với gia cầm và các sản phẩm gia cầm cần sử dụng khẩu trang, găng tay. Người dân tuyệt đối không ăn tiết canh và sử dụng thịt, sản phẩm gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ dịch bệnh dịp giáp Tết: Đến hẹn lại... lo!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.