Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sẵn sàng vì người bệnh

Thu Trang| 03/02/2019 06:15

(HNM) - Tết là thời điểm gia tăng các ca nhập viện do ngộ độc thực phẩm, ngộ độc rượu, tai nạn giao thông. Chính vì vậy, vào dịp Tết, các bệnh viện đều bảo đảm duy trì nhân lực, thuốc, trang thiết bị, sẵn sàng cấp cứu 24/24 giờ...

Trong dịp tết, các bệnh viện luôn bảo đảm nhân lực, thuốc, trang thiết bị, sẵn sàng cấp cứu 24/24 giờ. Ảnh: Bá Hoạt


Ứng trực cả trong và ngoại viện

Những ngày cận kề Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, trong khi mọi nhà tất bật sửa soạn đón năm mới thì các bệnh viện vẫn bận rộn cứu chữa người bệnh và lên phương án trực cấp cứu trong những ngày nghỉ Tết. Năm nay, nghỉ Tết kéo dài 9 ngày nên các phương án ứng trực cấp cứu cũng cụ thể, chi tiết hơn, nhất là ở các bệnh viện tuyến cuối.

Là bệnh viện lớn nhất miền Bắc, mỗi ngày, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận hàng nghìn bệnh nhân. PGS.TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện cho biết, lãnh đạo bệnh viện đã yêu cầu các đơn vị trọng điểm như: Trung tâm Chống độc; Khoa Cấp cứu, Khoa Truyền nhiễm, Khoa Nhi, Khoa Hồi sức tích cực, Phòng khám Cấp cứu ngoại, Khoa Phẫu thuật thần kinh, Khoa Chấn thương chỉnh hình và cột sống... phối hợp chặt chẽ, sẵn sàng thu dung, cấp cứu, điều trị trong tình huống có dịch bệnh, ngộ độc, tai nạn hàng loạt xảy ra trong dịp Tết. Đặc biệt, các đơn vị cũng cần sẵn sàng phương án hỗ trợ kỹ thuật, chuyên môn cho cơ sở y tế khác khi có yêu cầu. Riêng tại Khoa Thận nhân tạo vẫn tiếp tục duy trì làm việc 4 ca/ngày như bình thường để bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe cho người bệnh.

Do đặc thù luôn phải tiếp nhận các ca cấp cứu ngoại khoa nặng, nhất là các vụ tai nạn giao thông từ các tỉnh, thành phố chuyển về nên hệ thống trực cấp cứu và phòng phẫu thuật của Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức luôn trong tư thế sẵn sàng. GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện cho biết, trong những ngày nghỉ Tết, ngoài việc bố trí 350 nhân viên y tế trực, bệnh viện còn tăng cường các phòng mổ cấp cứu, không để người bệnh bị từ chối, hoặc xử lý chậm trễ. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng tổ chức kíp trực ngoại viện với xe cấp cứu, trang thiết bị, vật tư sẵn sàng ứng phó khi có yêu cầu. Một số bác sĩ giỏi được phân công trực 24/24 giờ để tư vấn, giúp đỡ tuyến dưới phẫu thuật các ca bệnh phức tạp không thể vận chuyển về Hà Nội.

Ngay trước thềm năm mới, Bệnh viện Nội tiết trung ương đã mở lớp tập huấn hướng dẫn quy trình vận hành các trang thiết bị cần thiết như: Máy thở, máy sốc tim, bơm tiêm điện, hệ thống oxy, hút ẩm, hút đờm cho người bệnh…, trong đó đưa ra cả những tình huống tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu về tai nạn giao thông. Theo Thạc sĩ Tôn Thất Kha, Trưởng khoa Điều trị tích cực, dù là bệnh viện chuyên khoa về nội tiết và đái tháo đường nhưng trong những tình huống khẩn cấp vẫn có những ca tai nạn giao thông được đưa vào đây. Vì vậy, lớp tập huấn một lần nữa giúp các khoa, phòng có liên quan chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho mọi tình huống, bảo đảm an toàn trong điều trị.

Tương tự các bệnh viện tuyến trung ương, ngoài việc bảo đảm ứng trực tiếp nhận bệnh nhân, từ ngày 2 đến 10-2, 26 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội còn sẵn sàng triển khai cấp cứu ngoại viện. Riêng Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội là đơn vị thường trực, chịu trách nhiệm điều phối thông tin cấp cứu ngoại viện với các bệnh viện được chia theo từng khu vực, để cử đội cấp cứu ngoại viện di chuyển nhanh nhất đến địa điểm thông báo, sau đó sơ cứu, vận chuyển người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất.

Kiểm tra đột xuất công tác trực cấp cứu

Bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức cấp cứu bệnh nhân bị tai nạn giao thông.


Cùng với các cơ sở y tế, hiện đã có 39 nhà thuốc bệnh viện lên kế hoạch phục vụ người dân 24/24 giờ trong những ngày nghỉ Tết. Bên cạnh đó, một số đơn vị kinh doanh thuốc cũng đã có kế hoạch bán thuốc, dự trữ thuốc dịp nghỉ lễ như: Công ty cổ phần Dược phẩm và Thiết bị y tế Hà Nội bố trí 15 cơ sở bán lẻ thuốc tại các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa và các huyện: Thanh Trì, Đông Anh, Sóc Sơn; Công ty cổ phần Dược phẩm Hà Tây bố trí 15 nhà thuốc ở 14 quận, huyện phía Tây thành phố. Ngoài ra, Công ty cổ phần Dược phẩm Hà Tây đã chuẩn bị cơ số thuốc và dự trữ các loại thuốc, dịch truyền cho công tác phòng chống dịch và các yêu cầu đột xuất của Sở Y tế Hà Nội.

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở đã yêu cầu các bệnh viện trong và ngoài công lập bảo đảm kế hoạch trực 24/24 giờ. Mặt khác, chuẩn bị đủ số lượng máu, dịch truyền, phương tiện cấp cứu, bảo đảm khả năng cao nhất cứu chữa nạn nhân trong trường hợp thương tích, tai nạn giao thông; lưu ý nhân lực và phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu do tuyến dưới chuyển lên, sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới khi có yêu cầu. Với các nhà thuốc trong và ngoài bệnh viện, Sở yêu cầu bảo đảm cung ứng đủ thuốc chữa bệnh, tuyệt đối không tự ý tăng giá thuốc.

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền cũng lưu ý, trường hợp người bệnh nhập viện không đúng tuyến, không đúng chuyên khoa cũng phải xử lý cấp cứu ban đầu, qua giai đoạn nguy hiểm mới được chuyển tiếp các cơ sở y tế phù hợp. Ngoài ra, cùng với công tác khám chữa bệnh, việc bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, phòng chống dịch bệnh trước, trong và sau Tết cũng sẽ được ngành Y tế Thủ đô tăng cường. "Trong những ngày Tết, lãnh đạo Sở Y tế sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất công tác khám chữa bệnh, công tác đáp ứng cấp cứu người bệnh" - ông Hiền cho biết.

Không chỉ lên phương án trực cấp cứu, Bệnh viện K còn phối hợp với các nhà tài trợ tổ chức chương trình “Chuyến xe yêu thương”, đưa bệnh nhân và người nhà về quê đón Tết miễn phí. Bệnh viện Tâm thần Hà Nội tổ chức chương trình “Tết vì người bệnh” quan tâm đến những người bệnh già, yếu, người bệnh có hoàn cảnh khó khăn...
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sẵn sàng vì người bệnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.