Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sức hút của... Y tế Việt Nam

Thu Trang| 10/02/2019 07:22

(HNM) - Một kỹ sư người Nhật Bản đủ điều kiện về nước chữa bệnh nhưng lại chọn Việt Nam. Một tỷ phú người Đài Loan (Trung Quốc) lâm bệnh nặng đã được các bác sĩ Việt Nam cứu sống. Một bệnh nhân Mỹ bị bệnh lý tim mạch nguy cơ tử vong cao được chữa trị bởi bác sĩ Việt Nam… Những câu chuyện trên cho thấy, ngành Y tế nước ta đã và đang tạo được niềm tin rất lớn với các bệnh nhân ngoại.


Bài đầu: Bệnh nhân ngoại tìm đến bác sĩ nội…

Một kỹ sư người Nhật Bản đủ điều kiện về nước chữa bệnh nhưng lại chọn Việt Nam. Một tỷ phú người Đài Loan (Trung Quốc) lâm bệnh nặng đã được các bác sĩ Việt Nam cứu sống. Một bệnh nhân Mỹ bị bệnh lý tim mạch nguy cơ tử vong cao được chữa trị bởi bác sĩ Việt Nam… Những câu chuyện trên cho thấy, ngành Y tế nước ta đã và đang tạo được niềm tin rất lớn với các bệnh nhân ngoại.

Kíp phẫu thuật của Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức đã can thiệp kịp thời, cứu sống một bệnh nhân nam 72 tuổi, quốc tịch Mỹ.


Chất lượng ngoại, giá nội

Sinh sống và làm việc tại Việt Nam được 8 năm, ông Udagawa KemlChi (62 tuổi, quốc tịch Nhật Bản), một kỹ sư xây dựng khi biết mình mắc căn bệnh ung thư trực tràng thay vì trở về Nhật Bản đã quyết định lựa chọn Bệnh viện K chữa trị.

Vợ bệnh nhân KemlChi chia sẻ: “Nếu quay trở về Nhật Bản, chồng tôi sẽ được bảo hiểm y tế chi trả toàn bộ chi phí trong quá trình điều trị. Thế nhưng, chúng tôi đã lựa chọn ở lại vì tin tưởng vào tay nghề, trình độ chuyên môn, trang thiết bị y tế, kỹ thuật tiên tiến mà các bác sĩ Việt Nam đang áp dụng trong điều trị bệnh ung thư”.

Và sự tin tưởng ấy đã được đặt đúng chỗ khi kíp phẫu thuật khoa Ngoại bụng I (Bệnh viện K) đã ứng dụng thành công kỹ thuật nội soi 3D một lỗ (phẫu thuật Miles) cắt bỏ trọn vẹn khối u trực tràng có kích thước 4x5cm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe kỹ sư KemlChi. Sau mổ, sức khỏe bệnh nhân đã dần tiến triển ổn định…

Không chỉ tại Bệnh viện K, có mặt tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức những ngày cận Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, chứng kiến không khí hối hả chạy đua giành giật sự sống cho bệnh nhân của các bác sĩ nơi đây mới thấy, Tết dường như dừng lại ngoài cánh cửa phòng cấp cứu.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực của bệnh viện chia sẻ: "Chúng tôi vừa can thiệp kịp thời, cứu sống một bệnh nhân nam (72 tuổi, quốc tịch Mỹ) làm việc tại Hà Nội bị lóc động mạch chủ type A cấp tính lan xuống tận chi dưới".

Bệnh nhân ngoại quốc này được đưa đến bệnh viện trong tình trạng khó thở, đau ngực, thiếu máu nặng ở chân trái…, nguy cơ tử vong cao. Ngay trong đêm, bệnh nhân được hồi sức tích cực và phẫu thuật cấp cứu. Ca phẫu thuật kéo dài 9 tiếng với sự tham gia của hơn 15 y bác sĩ, trong đó “thuyền trưởng” là PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, đã kết thúc tốt đẹp.

Là cơ sở y tế đi đầu cả nước về phát hiện, điều trị sớm các bệnh nội tiết và rối loạn chuyển hóa, hằng tháng, tại Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Nội tiết trung ương đều tiếp nhận nhiều người nước ngoài đến đây khám, điều trị. Bà Suvanara (53 tuổi, đến từ Lào) sau khi được chẩn đoán bướu cổ đa nhân 2 thùy tuyến giáp đã quyết định chọn Bệnh viện Nội tiết trung ương sau khi nghe tư vấn của đồng hương về những biện pháp chữa trị hiệu quả của bệnh viện.

“Ở Lào có nhiều người bị bệnh giống tôi đã lựa chọn sang Việt Nam để điều trị và kết quả sức khỏe hiện rất tốt. Họ kể với tôi rằng, các bác sĩ ở đây rất giỏi và nhiệt tình, nhân viên y tế chu đáo khiến tôi cảm thấy thực sự yên tâm”, bà Suvanara nói.

Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành Y tế, khi nhận xét về trình độ tay nghề của các bác sĩ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chia sẻ câu chuyện về một tỷ phú người Đài Loan (Trung Quốc) lâm bệnh nặng trong chuyến thăm Việt Nam và đã được các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức phẫu thuật cấp cứu kịp thời. Vì quá bất ngờ trước chuyên môn cao, tay nghề giỏi của các bác sĩ nước ta nên ngay sau khi xuất viện trở về quê nhà, bệnh nhân này đã ủng hộ 100.000 USD cho Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức với mong muốn giúp bệnh viện có thêm nguồn kinh phí phục vụ cho công tác đào tạo, nâng cao chuyên môn.

Bác sĩ ngoại cũng sang Việt Nam học hỏi


Số lượng bệnh nhân nước ngoài tại các cơ sở y tế trong nước đang tăng lên nhanh chóng qua các năm gần đây. Theo số liệu thống kê từ Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), nếu như năm 2014, số lượt khám bệnh cho người nước ngoài là hơn 234.000 người, số lượt điều trị nội trú là hơn 26.000 người, thì đến năm 2018 đã có hơn 300.000 lượt người nước ngoài khám bệnh tại Việt Nam và số lượt điều trị nội trú đã tăng hơn 2 lần (vào khoảng 57.000 lượt người).

Những dịch vụ kỹ thuật được bệnh nhân nước ngoài sử dụng chủ yếu tại Việt Nam như: Nha khoa, can thiệp tim mạch, thẩm mỹ, hỗ trợ sinh sản, ung thư và một số bệnh ngoại khoa. Đặc biệt, vào các dịp lễ Tết, lượng kiều bào, người nước ngoài về Việt Nam cũng đã lựa chọn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại đây.

Không chỉ vậy, nhiều năm nay, hàng trăm giáo sư, bác sĩ đến từ nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã “khăn gói” sang Việt Nam để học tập những kỹ thuật y khoa tiên tiến. Bác sĩ Mehmet Iliker Turan từ một bệnh viện ở Thổ Nhĩ Kỳ đã đến Bệnh viện Nội tiết trung ương học tập kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp từ đường ngực, nách.

Bác sĩ Mehmet Iliker Turan kể, ở đất nước ông, kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp mới được thực hiện qua đường miệng nên với những khối u lớn, kích thước từ hơn 3cm trở lên sẽ không thể thực hiện được, vì vậy, các bác sĩ phải tiến hành mổ thông thường.

Thế nhưng, khi đến Việt Nam, chứng kiến các bác sĩ ở đây thực hiện được cả những kỹ thuật nội soi qua đường nách, ngực, thậm chí cắt được khối u lớn và vét được hạch mà không để lại những vết sẹo lớn trên cơ thể, ông rất khâm phục. Qua những buổi học với sự chỉ dẫn tận tình của các bác sĩ Việt Nam, ông đã quay phim, ghi hình lại để cho bạn bè, đồng nghiệp xem khi trở về quê nhà.

Còn Trung tâm Phẫu thuật thần kinh của Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức với 5 phòng mổ hiện đại, mới đây đã được Hội Phẫu thuật thần kinh châu Á tiến hành đánh giá, khảo sát và chính thức công nhận trở thành trung tâm tiếp nhận học viên các nước châu Á sang đào tạo…

Thế nhưng trong thực tế, trong năm qua vẫn có khoảng 40.000 người Việt Nam ra nước ngoài khám, chữa bệnh với chi phí hơn 2 tỷ USD. Nguyên nhân được PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) chỉ rõ, đó là do không ít cơ sở y tế mới chỉ tập trung vào giảm tải, tập trung khám chữa bệnh thông thường mà chưa đầu tư phát triển nhiều kỹ thuật cao, chưa tập trung tăng cường chăm sóc sức khỏe toàn diện nên chưa tạo được niềm tin với người dân.

Chỉ khi nào các cơ sở y tế khỏa lấp sự thiếu hụt này thì khi đó chúng ta sẽ giữ được một khoản ngoại tệ không nhỏ cho nước nhà, đồng thời thu hút một lượng lớn người nước ngoài đến chữa bệnh tại Việt Nam.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sức hút của... Y tế Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.