Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đầu tư cho sức khỏe, đầu tư cho tương lai

Thu Trang| 28/02/2019 07:23

(HNM) - Mặc dù nhiều chỉ số chăm sóc sức khỏe của người Việt đã có cải thiện, song vẫn phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật và tử vong, nhất là với bệnh không lây nhiễm.

Chương trình sữa học đường cho trẻ nhằm thực hiện một trong ba yêu cầu phát triển tầm vóc người Việt: Vệ sinh phòng bệnh - Ăn uống điều độ - Bảo đảm dinh dưỡng và rèn luyện thể lực.Trong ảnh: Giáo viên Trường Tiểu học Văn Yên (quận Hà Đông) phát sữa cho học sinh. Ảnh: Hữu Tiệp


Lười vận động, dinh dưỡng thiếu hợp lý

Trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và nhiều tổ chức quốc tế khác, các chỉ số về chăm sóc sức khỏe của Việt Nam như: Tuổi thọ, tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh, kiểm soát bệnh tật, hiệu quả khám, chữa bệnh cao hơn nhiều so với các nước cùng trình độ phát triển kinh tế.

Thế nhưng, Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng về gánh nặng bệnh tật và tử vong do các bệnh không lây nhiễm. Cứ 10 người tử vong thì có 7 người mắc các bệnh không lây nhiễm như: Tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Theo Tiến sĩ Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), xu hướng bệnh tật của người Việt Nam đang chuyển tiếp từ các bệnh lây nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm do thói quen lười vận động, ăn ít rau, ăn nhiều muối, hút thuốc lá, uống nhiều rượu, bia...

Kết quả cuộc Tổng điều tra các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm do Bộ Y tế thực hiện cho thấy, có đến 57,2% số người trưởng thành (từ 18 tuổi đến 69 tuổi) ăn ít rau, trái cây. Mức tiêu thụ muối hiện nay của người Việt Nam cũng cao gấp 2 lần mức khuyến nghị của WHO (5g muối/ngày). Và có đến 28,1% số người thiếu hoạt động thể lực… Ngoài ra, Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và thứ ba châu Á.

Còn theo thông báo từ Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Việt Nam đang lọt vào tốp 10 nước có người dân lười vận động nhất thế giới. Ngoài ra, chiều cao trung bình của người Việt Nam thấp đứng thứ 3 châu Á, xếp gần áp chót trong khu vực ASEAN. Tố chất thể lực, sức bền và sức mạnh của thanh niên Việt Nam được xếp vào mức kém và rất kém so với chuẩn. Chiều cao trung bình của nam thanh niên nước ta hiện là 164,4cm, thấp hơn 8cm so với Nhật và 10cm so với Hàn Quốc. Nữ 153,4cm, thấp hơn chuẩn chung hơn 10cm. Trong 30 năm qua, chiều cao của người Việt có tăng nhưng rất chậm, 10 năm chỉ cao thêm khoảng 1cm.

Bà Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) cho rằng, việc phát triển chiều cao của trẻ phụ thuộc vào di truyền chỉ chiếm 20%, còn yếu tố dinh dưỡng, rèn luyện thể thao và môi trường chiếm 80%. Chính chế độ dinh dưỡng và cách tập thể dục thể thao chưa hợp lý khiến người Việt Nam gặp trở ngại lớn trong việc phát triển chiều cao, thể lực và sức bền.

Anh Nguyễn Huy Hoàng (43 tuổi, làm việc tại Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam) chia sẻ, anh từng ra nước ngoài nhiều và thấy người dân các nước rất chịu khó đi bộ, nhưng ở Việt Nam thì ngược lại. “Tôi luôn ngạc nhiên bởi nhiều người dành phần lớn thời gian để uống bia, rượu, chơi game, “ôm” smartphone... trong khi thể dục, thể thao là việc quan trọng cho sức khỏe thì lại không quan tâm”, anh Nguyễn Huy Hoàng nói.

Sống khoa học, nâng cao sức khỏe

Người dân rèn luyện thể lực thường xuyên để bảo đảm sức khỏe.


Chương trình Sức khỏe Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1092/QĐ-TTg ngày 2-9-2018. Chương trình đề ra các nhiệm vụ và giải pháp để tập trung thực hiện 28 chỉ tiêu của 11 lĩnh vực sức khỏe ưu tiên, gồm: Dinh dưỡng hợp lý; vận động thể lực; chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh; phòng, chống tác hại thuốc lá; phòng, chống tác hại rượu, bia; vệ sinh môi trường; an toàn thực phẩm; phát hiện sớm và quản lý bệnh không lây nhiễm; chăm sóc sức khỏe ban đầu; sức khỏe người cao tuổi; sức khỏe người lao động.

Thực hiện mục tiêu trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, thay vì đợi bị bệnh thì mới cứu chữa. Cụ thể, Nhà nước đã tập trung nguồn lực để nâng cao năng lực của y tế cơ sở, quản lý sức khỏe đến từng người dân.

Cùng với đó, ngành Y tế cũng kêu gọi việc đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, khuyến khích y tế tư nhân tham gia các hoạt động tuyên truyền, vận động, dự phòng, nâng cao sức khỏe, khám sàng lọc, phát hiện sớm bệnh tật cho nhân dân ngay tại cộng đồng.

Với mỗi người, giải pháp tốt là tự trang bị kiến thức, chú trọng chăm sóc sức khỏe của mình; cố gắng đi bộ 10 nghìn bước mỗi ngày, thể dục giữa giờ, không hút thuốc lá, rượu bia, khám sức khỏe định kỳ. Hiện Bộ Y tế đang phát động toàn ngành thực hiện phong trào “thể dục giữa giờ tại công sở, nơi làm việc” với bài tập hơn 3 phút, gồm các động tác rất đơn giản, ai cũng có thể tập được.

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thành phố đã đề ra 4 chương trình hành động lớn, gồm: Tuyên truyền, giáo dục và vận động thay đổi hành vi về phát triển thể lực và tầm vóc người Hà Nội; tăng cường chăm sóc dinh dưỡng, nâng cao chất lượng dân số Thủ đô...

Đặc biệt, TP Hà Nội đã triển khai Chương trình sữa học đường, bảo đảm chế độ dinh dưỡng và tăng cường giáo dục thể chất cho học sinh từ 3 đến 18 tuổi trong nhà trường; đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao, xây dựng và phát triển phong trào tập thể dục, thể thao trong cộng đồng...

Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển Bóng đá Việt Nam, đại sứ thiện chí Chương trình Sức khỏe Việt Nam Park Hang-seo cho biết, trong quá khứ, thể lực người Hàn Quốc cũng đã trải qua giai đoạn như Việt Nam hiện nay. Chương trình Sức khỏe Việt Nam là một hướng đi đúng để nâng cao tầm vóc cho người Việt, đầu tư cho chất lượng nguồn nhân lực tương lai. 

Theo ông Kee Dong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, với việc triển khai chương trình sức khỏe này, Việt Nam đã tham gia vào mạng lưới các nước có chương trình chăm sóc sức khỏe người dân như: Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản... WHO sẵn sàng phối hợp với Chính phủ Việt Nam nhằm hỗ trợ phát triển Chương trình Sức khỏe Việt Nam. Chế độ ăn uống hợp lý, giảm ăn muối, tăng cường vận động thể lực, không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu, bia... chính là chìa khóa thành công của chương trình.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư cho sức khỏe, đầu tư cho tương lai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.