Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dấu hiệu cảnh báo ung thư ở nam giới thường bị bỏ qua

Theo Zing| 11/03/2019 09:41

Một số triệu chứng có thể cảnh báo ung thư như khó nuốt, vết loét ở miệng, ho kéo dài thường bị nam giới bỏ qua và chủ quan nghĩ rằng chúng bình thường.


Khó tiểu: Theo Reader's Digest, nếu việc đi tiểu thường xuyên gặp khó khăn, có máu trong nước tiểu hoặc tinh dịch, rối loạn cương dương, đó có thể là dấu hiệu của ung thư tuyến tiền liệt. Thật không may, không có triệu chứng đáng chú ý nào của ung thư tuyến tiền liệt từ giai đoạn sớm. Tiến sĩ Moshe Shike, bác sĩ tiêu hóa tại Trung tâm Memorial Sloan Kettering, New York (Mỹ) cho biết hầu như bệnh nhân của ông thường bỏ qua triệu chứng này trong tối đa 6 tháng trước khi họ đi khám. Vì vậy, bác sĩ Shike khuyên bạn nên đi khám càng sớm càng tốt trước khi bệnh tiến triển. Ảnh: Healthcareformen.


Tinh hoàn thay đổi bất thường: Cũng giống như phụ nữ cần chú ý tới sự thay đổi của bộ ngực, nam giới nên cảnh giác với bất thường ở tinh hoàn. Nếu bạn nhận thấy những thay đổi về kích thước của tinh hoàn (một hoặc cả hai bên), sưng hoặc nặng hơn, thậm chí là cảm thấy có khối u, chúng có thể cảnh báo ung thư tinh hoàn. Đây là căn bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới trẻ tuổi và trung niên, vì vậy, bạn cần đặc biệt chú ý. Ảnh: Medicalnewstoday.


Thay đổi da rõ rệt: Nhiều nghiên cứu cho thấy nam giới dành nhiều thời gian dưới ánh mặt trời hơn phụ nữ và ít mặc áo chống nắng hơn. Đàn ông cũng ít tóc che phủ da đầu và tai, hai khu vực có xu hướng phát triển ung thư cao. Bên cạnh đó, đàn ông ít đi khám bác sĩ hơn phụ nữ, vì vậy, bệnh ung thư da của họ có thể không được phát hiện sớm. Nếu bạn phát hiện nốt ruồi, tàn nhan trên cơ thể trở nên sậm màu, lớn hơn, hãy đi kiểm tra. Nó có thể là khối u ung thư da ác tính. Ảnh: Rd.


Vết loét hoặc đau ở miệng: Vết loét thông thường do nhiệt miệng có thể chữa lành nhanh chóng là bình thường. Nhưng nếu chúng không lành, bị đau vùng xung quanh, có mảng trắng hoặc đỏ trên nướu và lưỡi, hoặc hàm bị sưng, tê, đó có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư miệng. Nam giới hút thuốc có nguy cơ cao phát triển ung thư miệng. Ảnh: Medicalnewstoday.


Ho kéo dài: Ho kéo dài từ 3 tuần trở lên, không kèm theo triệu chứng nào khác như cảm lạnh hoặc dị ứng, đó có thể là triệu chứng sớm của ung thư phổi. Bệnh bạch cầu cũng có thể gây ra các triệu chứng giống viêm phế quản. Những căn bệnh nguy hiểm này khác với ho bình thường khi cơn ho của bạn kéo dài hoặc ho ra một chút máu. Một số bệnh nhân ung thư phổi còn bị đau kéo dài ở vai hoặc cánh tay. Ảnh: Rd.


Máu trong phân: Đó có thể là bệnh trĩ hoặc bệnh lành tính, nhưng cũng là một triệu chứng của ung thư đại tràng. Thông thường nam giới trẻ tuổi thường bỏ qua dấu hiệu bất thường này vì cho rằng nó chỉ là dấu hiệu của táo bón hoặc trĩ thông thường. Tuy nhiên, các bác sĩ cảnh báo có máu trong nhu động ruột không bao giờ là bình thường, vì vậy, cần phải đi khám bác sĩ ngay lập tức. Ảnh: Rd.


Đau bụng hoặc buồn nôn: Rối loạn tiêu hóa hàng ngày hiếm khi phát triển ung thư. Tuy nhiên, bạn nên đi khám nếu thấy đau bụng dai dẳng hoặc buồn nôn mọi lúc. Nó có thể là dấu hiệu của loét dạ dày, nhưng cũng báo hiệu bệnh bạch cầu hoặc ung thư thực quản, gan, tụy hoặc đại trực tràng. Ảnh: DrOz.


Sốt hoặc nhiễm trùng thường xuyên: Ung thư máu có thể kích hoạt cơ thể sản xuất các tế bào bạch cầu bất thường, làm suy yếu khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể. Vì vậy, bạn nên cảnh giác với các triệu chứng giống cúm, sốt mà không biến mất. Ảnh: Mayoclinic.


Khó nuốt: Đây thường là dấu hiệu của bệnh viêm họng thông thường. Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy đau họng kéo dài trong vài tuần và trở nên tồi tệ hơn, nó có thể là triệu chứng của ung thư vòm họng, dạ dày hoặc ung thư phổi. Ảnh: Rd.


Sụt cân đột ngột: Nếu bạn không phải đang ăn kiêng, giảm cân có thể là tác dụng phụ của nhiều bệnh ung thư khác nhau như thực quản, tụy, gan và đại tràng. Giảm cân đột ngột cũng là triệu chứng đặc biệt phổ biến của bệnh bạch cầu hoặc ung thư hạch. Ảnh: Verywellhealth.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dấu hiệu cảnh báo ung thư ở nam giới thường bị bỏ qua

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.