Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đã có hơn 1.200 trẻ từ Bắc Ninh về Hà Nội xét nghiệm sán lợn

Gia Phong| 16/03/2019 16:21

(HNMO) - Tính đến đầu giờ chiều 16-3, có hơn 1.200 trẻ từ (1-6 tuổi) ở tỉnh Bắc Ninh được phụ huynh đưa đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương để xét nghiệm ấu trùng sán lợn.

Phụ huynh đổ xô đưa con đi xét nghiệm sán lợn.


Với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, đây là cuộc xét nghiệm ấu trùng sán lợn lớn nhất lịch sử 13 năm thành lập. Các bác sĩ đã phải huy động tới 6 phòng khám để đáp ứng nhu cầu xét nghiệm. Thậm chí, bệnh viện phải mở cửa lấy xét nghiệm từ 5h sáng. Kết quả xét nghiệm tính đến sáng 16-3 tại 2 bệnh viện đã có 61 trẻ dương tính với sán dây.

Trước đó, vào tháng 2-2019, phụ huynh phát hiện tại Trường Mầm non Thanh Khương (xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) nấu thịt lợn có nhiều hạt nhỏ như gạo nghi là sán. Ngoài Trường Mầm non Thanh Khương, đơn vị cung cấp thực phẩm đồng thời cung cấp cho 19/19 trường học ở huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh). Vì vậy, hàng nghìn phụ huynh đã ồ ạt đưa con đi xét nghiệm.

Dự kiến, cuộc điều tra dịch tễ, lấy mẫu tại Bắc Ninh để tìm căn nguyên diễn ra vào ngày 17-3. Việt Nam đã từng phát hiện một ổ hơn 100 người mắc sán lợn ở thôn Bù Gia Phúc I, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước năm 2018. Khi đó, cơ quan chức năng đã lấy mẫu của 904 người, phát hiện 108 người dương tính sán lợn.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh ấu trùng sán lợn phân bố ở nhiều nơi trên thế giới, việc mắc bệnh liên quan đến tập quán ăn uống, ăn thịt lợn chưa nấu chín. Ở Việt Nam, bệnh xuất hiện ở tất cả các vùng miền, các tỉnh, thành phố. Theo số liệu được báo cáo qua các nghiên cứu, các cơ sở điều trị đến nay có ít nhất 55 tỉnh, thành phố có ca bệnh nhiễm ấu trùng sán lợn. Nguyên tắc phải chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời ngay khi phát hiện có đốt sán để tránh bị bệnh ấu trùng sán lợn. Việc điều trị bệnh ấu trùng sán lợn phải thực hiện ở cơ sở y tế với trang bị phương tiện cấp cứu và phải được theo dõi.

Để chủ động phòng bệnh ấu trùng sán lợn, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân không ăn các thực phẩm sống như: Thịt lợn, nem chua, thịt lợn tái, rau sống không bảo đảm vệ sinh. Ngoài ra, quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành trong ruột. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh, không nuôi lợn thả rông. Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi. Quản lý chặt chẽ tiêu chuẩn vệ sinh các lò mổ lợn...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đã có hơn 1.200 trẻ từ Bắc Ninh về Hà Nội xét nghiệm sán lợn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.