Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tai nạn do bỏng: Mối nguy hiểm cần phòng, tránh

Thu Trang| 01/07/2019 07:26

(HNM) - Với các bác sĩ, quá trình điều trị những ca tai nạn do bỏng thật sự là một cuộc chiến kéo dài. Bệnh nhân có thể may mắn vượt qua lưỡi hái tử thần, nhưng song hành cùng đó là nỗi đau về thể xác, sự dày vò về tinh thần và những dư chấn, vết sẹo theo suốt cuộc đời.

Một bệnh nhi bỏng được chăm sóc tại Khoa Bỏng (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn).


Khi người lớn bất cẩn...

Nằm trên giường bệnh, toàn thân bé Nguyễn Thị Thúy H. (4 tuổi, ở xã Đức Hòa, huyện Sóc Sơn) là những vết bỏng loang lổ, đỏ rát... Do vết bỏng quá nặng, lại lan khắp cơ thể, khiến bé H. chỉ có thể nằm ngửa, không cử động. Mỗi khi đau đớn, mặt bé nhăn nhó, nước mắt liên tục chảy dài.

Trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới, chị Nguyễn Thị Th. (sinh năm 1986, mẹ bé H.) kể, bố cháu mua cồn về nhà để nướng mực. Hôm đó, anh họ H. đến nhà chơi và lấy chai cồn ra, rồi châm diêm nghịch và H. đứng xem. Không may, cồn bị đổ, lửa bén vào tay anh của H.; hoảng quá, anh cháu H. ném chai cồn đi nhưng lại bắn vào người H… "Tại Bệnh viện Bỏng quốc gia, con gái tôi đã trải qua 5 lần cấy ghép da; còn anh họ cháu, vết thương nhẹ hơn nên đã được xuất viện”, chị Th. vừa nói, vừa lau nước mắt.

Trung bình mỗi năm, Bệnh viện Bỏng quốc gia khám và tiếp nhận điều trị cho từ 12.000 đến 14.000 lượt bệnh nhân. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Anh Tuấn, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bỏng quốc gia cho biết, có đến 44,8% bệnh nhân bỏng là trẻ em dưới 6 tuổi, còn bệnh nhân bỏng là người lớn (từ 16 tuổi đến 60 tuổi) chiếm 41,8%.

Bỏng nhiệt chiếm tỷ lệ cao nhất (hơn 85%); tiếp đến là bỏng điện cao thế và hạ thế, chiếm gần 10%; bỏng hóa chất chiếm gần 2%... Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, các bác sĩ không khỏi đau lòng khi chứng kiến có những cháu bé còn rất nhỏ tuổi đã bị biến dạng mặt, mũi… do vết bỏng quá nặng.

Tương tự, tại Khoa Bỏng (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) thường xuyên tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị bỏng, chủ yếu do người lớn bất cẩn. Trường hợp nhẹ thì điều trị vài ngày, nặng thì một vài tháng, thậm chí cả năm và để lại di chứng vô cùng nặng nề. Đơn cử như trường hợp của cháu Hoàng T. H. (11 tháng tuổi, ở huyện Đan Phượng) bị bỏng nặng phần cánh tay trái bởi khi pha nước tắm cho con, mẹ cháu một tay bế con, một tay cầm ấm nước sôi đổ ra chậu.

Không may, trong lúc mẹ cháu rót nước, bé đã giơ tay ra hứng và hậu quả là cánh tay bị đỏ rộp. Khi thấy con gào khóc, mẹ cháu bé đã lấy kem đánh răng bôi vào vết thương, sau đó đưa con tới thầy lang gần nhà xin thuốc bôi. Đến tối cùng ngày, khi thấy con sốt cao, bố mẹ mới cho vào bệnh viện cấp cứu. Do vết thương bị nhiễm trùng, nên bé H. phải nằm viện điều trị gần 2 tháng...

Còn ở Bệnh viện Nhi trung ương cũng thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bệnh nhi bị bỏng, trong đó có nhiều cháu bé do gia đình sơ cứu sai, dẫn đến vết thương nặng hơn. Theo bác sĩ Ngô Anh Vinh, Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi trung ương, có nhiều tác nhân gây bỏng, thường gặp ở trẻ em là bỏng do nước sôi, dầu mỡ sôi, lửa hoặc điện, hóa chất… với tổn thương đa dạng và hậu quả để lại vô cùng nặng nề.

Bỏng ở vị trí cánh tay hay cẳng tay, đặc biệt là bàn tay ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và lao động. Ngoài ra, các vị trí bỏng ở vùng mặt hoặc bộ phận sinh dục sẽ ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chức năng sinh sản của trẻ sau này.

Bảo đảm an toàn trong sinh hoạt

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Thị Xuân Hương, Phó Chủ nhiệm Khoa Bỏng trẻ em, Bệnh viện Bỏng quốc gia lưu ý, những cách chữa dân gian như bôi kem đánh răng, mỡ trăn, nước mắm, lòng đỏ trứng gà lên vết bỏng đã khiến không ít bệnh nhân phải nhập viện trong tình trạng biến chứng nặng, với chi phí điều trị tăng cao.

Ngoài ra, tuyệt đối không được dùng đá để chườm lạnh lên vết bỏng, vì đá sẽ làm đông cứng tế bào, gây tổn thương. Nếu bị bỏng nước sôi, tốt nhất nên để vùng bị tổn thương dưới vòi nước chảy ít nhất 5 phút hoặc ngâm ngay vùng bỏng vào nước lạnh (từ 16 đến 20 độ C) trong vòng 15-20 phút. Còn với bỏng do lửa, thì xé bỏ phần quần áo đang cháy âm ỉ, bọc vùng bỏng lại, rồi đổ nước lạnh lên như cách làm với bỏng nước sôi.

Riêng với bỏng do điện giật, sau khi tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện, phải để nạn nhân nằm ngay tại chỗ trên một nền cứng, ấn ngực và hô hấp nhân tạo. Sau khi sơ cứu xong, đưa nạn nhân đến bệnh viện điều trị.

Bệnh nhân bị bỏng được chăm sóc tại Khoa Bỏng (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn).


Theo bác sĩ Nguyễn Nam Giang, phụ trách Khoa Bỏng (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn), năm nào vào mùa hè, mùa du lịch biển cũng là thời điểm gia tăng các ca tai nạn bỏng cồn khi nướng mực. Do lửa cồn có màu trắng, nên nhiều người không nhìn thấy, tưởng cồn đã hết, liền đổ thêm cồn vào, khiến ngọn lửa bùng lên.

Không ít người giật mình, rụt tay lại, làm đổ cả chai cồn, khiến lửa càng bùng lên dữ dội, gây bỏng nặng. Chính vì vậy, khi nướng đồ ăn, cần chú ý chỉ đổ một lượng cồn vừa phải; chai cồn cần được đậy nắp thật chặt và để cách xa nơi nướng.

Để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra, bác sĩ Hoàng Thị Phương Lan, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) khuyến cáo, thời điểm này, trẻ em đang được nghỉ hè, phụ huynh cần thường xuyên để mắt đến trẻ, cắt cử người trông nom, chăm sóc.

Ngoài ra, không để nước sôi, bình đun nước trong tầm với của trẻ, không để trẻ tiếp xúc với các vật dễ cháy, nổ như: Xăng, ga, cồn... Cần cất kín bao diêm, bật lửa, cắt bỏ các nguồn điện không an toàn; xếp các chai dầu, xăng, hóa chất vào tủ kín, có khóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tai nạn do bỏng: Mối nguy hiểm cần phòng, tránh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.