Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không dùng thuốc hạ sốt nào khi bị sốt xuất huyết?

Hương Thủy| 31/07/2019 16:24

(HNMO) - Từ đầu năm 2019 đến nay, cả nước ghi nhận trên 105.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 10 trường hợp tử vong. Theo chuyên gia, khi mắc bệnh này, không phải thuốc hạ sốt nào cũng có thể dùng được.

Không cạo gió khi bị sốt xuất huyết

TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, sốt xuất huyết hay còn gọi là sốt xuất huyết dengue là bệnh do virus dengue gây ra. Khi trẻ bị sốt xuất huyết thường có biểu hiện sốt cao đột ngột, nhức đầu, mệt mỏi, chán ăn, đau cơ, khớp, đau nhức hốc mắt, da niêm mạc xung huyết, phát ban xuất huyết dạng chấm dưới da, có thể có chảy máu chân răng, nặng hơn thì chảy máu nội tạng và có thể có suy hô hấp, suy tuần hoàn nếu không điều trị kịp thời.

Sốt xuất huyết có 4 tuýp huyết thanh là D1-D4. Vì vậy, khi đã bị sốt xuất huyết vẫn có thể mắc lại nhiều lần. Bệnh này lây qua muỗi đốt từ người bệnh sang người lành nên rất dễ gây thành dịch. Bệnh thường kéo dài 7-10 ngày; trong đó giai đoạn nguy hiểm là ngày thứ 3 đến thứ 7 của bệnh. Người bị bệnh đến ngày thứ 4 bắt đầu hết sốt và không có biểu hiện gì khác là bệnh đang thuyên giảm nhưng vẫn cần tiếp tục theo dõi. 

Bệnh sốt xuất huyết lây qua muỗi đốt từ người bệnh sang người lành.

Cũng theo Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, điều trị sốt xuất huyết chủ yếu là điều trị triệu chứng và phần lớn điều trị ngoại trú, như hạ sốt, bù dịch bằng đường uống; nên uống Oresol, nước sôi để nguội, nước trái cây, nước cháo muối loãng; cần nhập viện khi có các dấu hiệu cảnh báo như: Vật vã, lừ đừ, li bì, đau bụng vùng gan, nôn nhiều, tiểu ít, xuất huyết niêm mạc... Người mẹ bị sốt xuất huyết vẫn có thể cho con bú bình thường.

Tuy nhiên, TS.BS Nguyễn Văn Lâm lưu ý không nên cạo gió khi bị sốt xuất huyết, vì như vậy rất dễ làm cho da bị tổn thương và có thể gây chảy máu kéo dài. Bên cạnh đó, nếu bị sốt cao, Paracetamol là thuốc có tác dụng hạ sốt được chỉ định trong sốt xuất huyết, liều dùng 10-15mg/kg/lần trong 4-6 giờ. Không dùng Aspirin, Analgin, Ibuprofen để hạ sốt vì có thể gây xuất huyết nặng hơn.

TS.BS Nguyễn Văn Lâm cho biết thêm, khi bị sốt xuất huyết, người bệnh cần phải được nghỉ ngơi, ăn đủ chất dinh dưỡng, dễ tiêu, bổ sung nhiều vitamin để nâng cao thể trạng, uống nhiều nước và theo dõi các dấu hiệu cảnh báo, dấu hiệu nặng của bệnh để được đưa đến bệnh viện kịp thời.

Cần phòng bệnh đúng cách 

Về phòng bệnh sốt xuất huyết, TS.BS Nguyễn Đức Khoa, Phó Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) chia sẻ, bệnh sốt xuất huyết hiện nay chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp hiệu quả để phòng bệnh là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Muỗi truyền bệnh sống ở trong và xung quanh nhà, thường đẻ trứng ở những dụng cụ chứa nước sạch như: Bồn, bể, lu, lọ hoa, bát nước kê chân chạn và các dụng cụ khác như mảnh lu vỡ, chai lọ, vỏ dừa, lốp xe, các ổ nước tự nhiên.

Để diệt muỗi, theo TS.BS Nguyễn Đức Khoa, trước hết, cần thực hiện diệt lăng quăng hằng tuần bằng cách đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Cùng với đó, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối, dầu hoặc hóa chất diệt ấu trùng vào bát nước kê chân chạn.

Ngoài ra, cần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp, hốc tre, bẹ lá; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống bệnh.

Phó Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng lưu ý, bệnh sốt xuất huyết là do muỗi truyền nên phải phòng bệnh đúng cách. Khi diệt muỗi và lăng quăng, không chỉ phun hóa chất ở tầng một mà cần phun ở cả những tầng trên; phải diệt muỗi, lăng quăng và bọ gậy triệt để. Bởi chỉ sau 7-10 ngày, lăng quăng có thể phát triển thành muỗi trưởng thành, muỗi có thể bay được cự ly 200m nên có khả năng di chuyển từ phòng này sang phòng khác hoặc từ nhà này sang nhà khác để gây bệnh.

“Vì thế, người dân cần phối hợp với ngành y tế để thực hiện thường xuyên, lâu dài và triệt để các biện pháp diệt lăng quăng, bọ gậy, muỗi để phòng bệnh sốt huyết cho bản thân, gia đình và cộng đồng”, TS.BS Nguyễn Đức Khoa nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không dùng thuốc hạ sốt nào khi bị sốt xuất huyết?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.