Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điều trị bệnh ung thư: Tránh “tiền mất, tật mang”

Thu Trang| 05/08/2019 11:13

(HNM) - Bệnh ung thư ngày càng có xu hướng gia tăng trên thế giới và ở Việt Nam. Nhiều tiến bộ y khoa hiện nay đã góp phần cải thiện hiệu quả điều trị căn bệnh này. Thế nhưng, người bệnh chỉ nên tin vào những phương pháp điều trị chính thống, được Bộ Y tế công nhận để tránh “tiền mất, tật mang”.

Nhiều phương pháp chưa được kiểm chứng

Từ 68.000 ca mắc mới ung thư vào năm 2000, theo báo cáo mới đây của Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan), số ca mắc mới ung thư tại nước ta năm 2018 đã tăng lên 164.671 người, trong đó có 114.871 người tử vong và hơn 300.000 bệnh nhân đang sống chung với ung thư. Khi phát hiện bị mắc ung thư, đa phần người bệnh hoang mang, không biết sẽ phải điều trị như thế nào.

Bệnh viện K điều trị u não bằng máy xạ phẫu Gamma Knife.

Về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hồng Thăng, Phó Trưởng khoa Nội 4, Bệnh viện K chia sẻ, không ít người bệnh tìm đến các phương pháp chữa ung thư chưa được kiểm chứng, như: Nhịn ăn, thực dưỡng Ohsawa... Đơn cử như một bệnh nhân nữ ở Hà Nội mắc ung thư đại tràng, khối u đã di căn. Sau khi đã điều trị hóa chất tại Bệnh viện K, bệnh nhân bỏ điều trị, áp dụng chế độ nhịn ăn với hy vọng tế bào ung thư ngừng phát triển. Sau hơn 40 ngày chỉ uống nước, bệnh nhân này chỉ còn da bọc xương, cơ thể suy kiệt. Sau đó, bệnh nhân trở lại chế độ ăn uống, sinh hoạt bình thường nhưng đã tử vong.

Còn tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân áp dụng phương pháp điều trị ung thư bằng thực dưỡng Ohsawa - một hình thức ăn chay và phải nhập viện trong tình trạng cơ thể suy kiệt, rối loạn chuyển hóa nghiêm trọng. Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo y học dự phòng và y tế công cộng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, hiện chưa có nghiên cứu nào chứng minh thực dưỡng áp dụng được cho người bị ung thư. Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chế độ dinh dưỡng của các bệnh nhân được xây dựng rất cẩn thận, ăn đa dạng các thực phẩm, gồm thịt, cá, trứng, sữa, không loại bỏ thức ăn nào, đồng thời tăng cường rau, quả để cung cấp vitamin và sức đề kháng.

Tương tự, trên mạng xã hội cũng lan truyền phương pháp kiềm hóa máu để trị ung thư. Bác sĩ Vũ Hữu Khiêm, Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai khẳng định, phương pháp này không chỉ được lan truyền ở Việt Nam mà còn lan truyền ở một số nước trên thế giới. Tuy nhiên, đây là phương pháp không chính thống và không có cơ sở khoa học.

Mới đây, một số bệnh viện trong nước thông báo, chuẩn bị đưa vắc xin điều trị ung thư từ Nhật Bản về Việt Nam. Bác sĩ Phạm Nguyên Quý, hiện công tác tại Khoa Ung thư nội khoa, Bệnh viện Đại học Kyoto (Nhật Bản) và cũng là thành viên của Nhóm phát triển dự án Y học cộng đồng tại Việt Nam cho biết, anh đã nhận được nhiều câu hỏi của bệnh nhân và cả một số bác sĩ ở Việt Nam về vắc xin này. 

Hiện phương pháp điều trị ung thư bằng vắc xin chưa được Cục Dược phẩm và Thiết bị y tế (PMDA) của Nhật Bản công nhận về độ an toàn cũng như hiệu quả.

Không chỉ vắc xin điều trị ung thư, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hồng Thăng, công nghệ nano trong điều trị ung thư đang được nghiên cứu và thí nghiệm ở một số nước trên thế giới. Tuy nhiên, nghiên cứu này hiện mới thí nghiệm trên động vật, chưa có bằng chứng nào về mặt khoa học và nghiên cứu thực nghiệm có thể chữa được trên người…

Ung thư không đồng nghĩa với “án tử”

Đối với nhiều người dân, nhắc tới ung thư đồng nghĩa với “án tử”. Thế nhưng, bác sĩ Vũ Hữu Khiêm cho rằng, trên thực tế, 1/3 số bệnh ung thư có thể dự phòng được, 1/3 các loại bệnh ung thư có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Ngoài ra, với tiến bộ y khoa, các phương pháp điều trị tốt, có thể kéo dài thời gian sống, nâng cao chất lượng sống cho 1/3 số bệnh ung thư còn lại.

Hiện nay, ngoài 4 phương pháp phổ biến là phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, chăm sóc giảm nhẹ, nhiều bệnh viện tại nước ta đã ứng dụng các phương pháp mới trong điều trị ung thư, giúp đem lại hiệu quả cao, kéo dài tuổi thọ cho người bệnh. Như tại Bệnh viện Bạch Mai đã ứng dụng thành công kỹ thuật xạ phẫu bằng dao gamma quay điều trị u não; Bệnh viện K ứng dụng phương pháp nút mạch, đốt sóng cao tần, đốt u bằng vi sóng, điện đông, tiêm cồn tuyệt đối qua da, ghép gan... điều trị ung thư gan; Bệnh viện Phổi trung ương thực hiện phẫu thuật nội soi điều trị ung thư phổi… Từ cuối năm 2017, Bộ Y tế cho phép Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện K tiến hành thử nghiệm liệu pháp miễn dịch lâm sàng trên người. Đến nay đã có hơn 60 bệnh nhân được điều trị thử nghiệm bằng phương pháp này và cho kết quả tốt. 

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư cho rằng, tùy loại ung thư, thể bệnh và giai đoạn bệnh, có thể sử dụng một hay kết hợp nhiều phương pháp điều trị. Khi thấy có các dấu hiệu như: Sờ thấy u, hạch bất thường, thay đổi thói quen đại tiểu tiện, đau bụng, phân có máu, đi tiểu ra máu, vết loét lâu liền ở da, đau đầu, lác mắt, khó ngủ, ho kéo dài..., người dân cần đến các bệnh viện chuyên khoa để kiểm tra. Người bệnh không nên dễ dàng cả tin, tốn kém tiền bạc, thời gian, đánh mất cơ hội điều trị chính thống vì lựa chọn các phương pháp chưa có cơ sở khoa học.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Điều trị bệnh ung thư: Tránh “tiền mất, tật mang”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.